15/05/2022 12:40 GMT+7

Khuyến đọc trong trường: Đừng chỉ đặt trọng trách lên môn văn

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Trong một chương trình tọa đàm diễn ra tại Đại học Hoa Sen hôm 13-5, nhiều câu hỏi được đặt ra về chuyện tại sao học sinh chưa có thói quen đọc sách. Những lời hỏi - đáp dần xoáy sâu vào chuyện dạy văn, học văn trong nhà trường.

Khuyến đọc trong trường: Đừng chỉ đặt trọng trách lên môn văn - Ảnh 1.

Học sinh cần phải thấy giáo viên của tất cả các môn đều đọc sách chứ không phải chỉ riêng môn văn. Trong ảnh: Các học sinh, sinh viên đang thảo luận về vai trò của đọc sách trong nhà trường tại tọa đàm do báo Tuổi Trẻ và Đại học Hoa Sen tổ chức ngày 13-5 - Ảnh: HỮU HẠNH

Có lẽ xuất hiện một tình trạng chung là khi nói đến chuyện đọc sách, người ta thường sẽ nghĩ đến môn văn đầu tiên và dĩ nhiên, giáo viên dạy môn này cũng phải chịu trách nhiệm khuyến đọc, dù rằng đó không phải là trọng trách của riêng họ trong nhà trường.

Trách nhiệm của giáo viên mọi bộ môn

Thực tế, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay trung bình có khoảng 12 môn học mỗi cấp, thời lượng dành cho môn văn cũng chỉ chiếm trên dưới 10% tổng số tiết học trong năm. 

Nếu khuyến đọc chỉ hướng vào môn văn thì không khác gì ném đá dò đường, cho rằng môn học này gần với sách vở, tiểu thuyết thì cứ nắm lấy đó mà thay đổi thói quen đọc sách, nhưng lại bỏ qua bức tranh lớn hơn về trách nhiệm cần thiết của giáo viên các bộ môn khác.

Năm 1884, Edwin A. Abbott, một nhà giáo dạy toán ở Anh, cho ra mắt cuốn sách Xứ Phẳng. Nhân vật chính là một hình vuông sống ở thế giới hai chiều. 

Tình cờ lạc đến những vùng đất khác, một chiều, ba chiều và vô chiều, Hình Vuông dần mở ra trí tưởng tượng toán học của mình. Đến khi Thuyết tương đối tổng quát của Einstein ra đời, Xứ Phẳng được công chúng nhìn nhận như một tác phẩm dự báo về thế giới có nhiều hơn ba chiều. 

Trong chương trình giáo dục hiện nay, giáo viên dạy toán có thể dùng cuốn sách để giới thiệu với các em cấp II và cấp III về hình học không gian, hình học phẳng vốn rất quan trọng trong các kỳ thi chuyển cấp và cải thiện tư duy logic.

Những cuốn như Xứ Phẳng không phải ít. Giáo viên dạy địa lý có thể chọn lọc và khuyến khích học sinh đọc một số chương trong Những tù nhân của địa lý do Tim Marshall viết. 

Với một phạm vi thảo luận rộng, băng qua các quốc gia Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ và các châu lục, tác phẩm có văn phong lôi cuốn này hẳn sẽ hữu ích cho giáo viên khi cung cấp cho các em một góc nhìn thực tế về thế giới và tầm quan trọng của địa lý trong thời hiện đại.

Môn lịch sử có thể lan truyền tình yêu dành cho sách bằng những chương viết về quá trình phát triển, di cư, trồng trọt của người tinh khôn trong Sapiens: Lược sử về loài người (Yuval Noah Harari).

Thậm chí, một giáo viên dạy thể dục cũng có thể giúp các em tạo dựng thói quen đọc sách bằng cách kể về cuốn hồi ký của một vận động viên bóng đá, điền kinh.

10 phút đọc sách đầu giờ học

Ở Trường trung học cơ sở Mountbatten thuộc hạt Hampshire (Anh), nhiều năm qua đã triển khai một mô hình đọc sách cho toàn giáo viên trong trường. "Chúng tôi yêu cầu các giáo viên mang đến trường hai hoặc ba cuốn sách họ thích. 

Sau đó, ở đầu mỗi giờ học, bất kể là môn địa lý, toán hay gì đi nữa, giáo viên sẽ đọc cho cả lớp khoảng 10 phút nội dung từ cuốn sách ấy" - Jennifer Ludgate, một giáo viên dạy tiếng Anh và cũng là người khởi xướng ý tưởng, nói với tờ The Guardian.

Jennifer Ludgate chia sẻ thêm: "Các học sinh sẽ thảo luận về những gì giáo viên thể dục hay giáo viên lịch sử đã đọc, và điều đó sẽ khuấy lên những tranh luận thú vị. Cho học sinh thấy giáo viên của tất cả các môn đều đọc sách, chứ không chỉ giáo viên tiếng Anh, đó mới là điều quan trọng".

Khuyến đọc cho học sinh đồng thời là một cơ hội để các giáo viên cập nhật kiến thức mới cho bộ môn và mở ra những cách tiếp cận, truyền thụ đa dạng. Xây dựng thói quen đọc sách cho cộng đồng thì cả cộng đồng phải chung tay, bao gồm cả mạng lưới giáo viên rộng khắp.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ ngày 14-5, cô Hoàng Thị Thu Hiền - nguyên giáo viên chuyên văn Trường THPT Lê Hồng Phong - nhận định: "Chức năng của giáo viên văn là kiểm tra các tác phẩm trong nhà trường chứ không phải là khuyến đọc.

Việc xây dựng tình yêu với sách cho các em học sinh phụ thuộc vào mỗi giáo viên. Giáo viên văn vẫn có lợi thế hơn khi các tác phẩm văn chương vốn chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc và giúp các em dễ cảm thụ, từ đó nảy sinh sự hứng thú dành cho sách.

Tuy nhiên, khi nói đến khuyến đọc thì giáo viên bộ môn nào cũng có thể làm được và nên làm để tạo nên một bầu không khí, văn hóa đọc trong môi trường học đường".

Có nên cảnh báo về thói quen đọc sách? Có nên cảnh báo về thói quen đọc sách?

TTO - Đó là câu hỏi của một học sinh chuyên văn lớp 12 ngay trong chính tọa đàm về thói quen đọc sách của người Việt.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên