07/03/2023 08:50 GMT+7

Lãi suất giảm nhẹ, tín dụng tăng chậm

Nếu năm 2022 doanh nghiệp (DN) xếp hàng chờ giải ngân mà ngân hàng (NH) cạn room tín dụng thì những tháng đầu năm nay tình hình ngược lại. Tính đến ngày 24-2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77% so với cuối năm 2022.

Lãi suất giảm nhẹ, tín dụng tăng chậm - Ảnh 1.

Giao dịch tại một ngân hàng trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tại TP.HCM, tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm ước đạt 0,37%, khá khiêm tốn so với mức tăng 3,54% cùng kỳ năm trước.

Không dám vay

Thực hiện theo nội dung đã đồng thuận trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, ngày 6-3, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động từ 0,2 - 0,5%/năm với kỳ hạn từ 6 - 12 tháng.

Ông Nguyễn Thái Linh, tổng giám đốc Công ty TNHH giấy Liên Sơn, cho biết ông vừa được ngân hàng gửi thông báo giảm lãi suất cho vay với mức giảm 0,5%/năm. Sau khi điều chỉnh, lãi vay của doanh nghiệp vẫn còn 8,4%/năm.

"Lãi suất cho vay giảm là tín hiệu khả quan. Nhưng kinh tế rất khó khăn, đơn hàng sụt giảm, sức mua rất yếu, cả nội địa lẫn thị trường xuất khẩu. Do vậy doanh nghiệp rất ngại vay vốn. Nhiều doanh nghiệp dệt may, đồ gỗ, in... đã không còn gồng nổi và đã phải sa thải lao động hàng loạt", ông Linh nêu thực tế.

Trong khi đó, anh Hoài (Bình Tân, TP.HCM), nhân viên tín dụng một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM, cho biết chính ngân hàng cũng rất thận trọng. Vừa qua nhiều ngân hàng tung gói ưu đãi với khoản vay mới, nhưng thời gian ưu đãi chỉ 3 - 6 tháng đầu. Khoản vay cũ lãi suất giảm rất ít hoặc chưa giảm.

"Nhiều doanh nghiệp vay mới chỉ nhằm mục đích trả nợ cũ ở ngân hàng khác chứ không phải mở rộng sản xuất kinh doanh, không nhìn thấy dòng tiền. Hồ sơ mà không có phương án khả thi, ngân hàng không dám cho vay", anh Hoài nói.

Cũng theo anh Hoài, lãi suất cao hiện nay không chỉ là rủi ro cho khách hàng mà còn cho chính ngân hàng. Do vậy chính sách của nhiều ngân hàng hiện nay là định giá tài sản thế chấp ở mức rất thận trọng, chỉ bằng 60% giá trị thực tế, dẫn đến số vốn duyệt cho vay cũng ít hơn.

Với khách hàng cá nhân, anh Đình Vũ (quận 7, TP.HCM) nói về lý do ngại vay vốn: "Hiện trừ gửi tiết kiệm, còn lại kênh nào cũng tắc, lãi suất lại cao. Khoản vay mua nhà gánh lãi suất đến 16,7%/năm. Tôi định thế chấp tài sản vay khoản mới để trả khoản cũ nhưng ngại hàng loạt chi phí phát sinh", anh Đình Vũ lo lắng.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện người vay không chỉ chịu chi phí lãi suất mà còn gánh hàng loạt chi phí khác như phí thẩm định tài sản, phí công chứng, phí cam kết rút vốn, phí mua bảo hiểm... làm cho lãi suất thực trả tăng lên rất nhiều. Nếu trả trước hạn thì lại gánh thêm phí trả nợ trước hạn từ 2 - 3% khoản trả trước hạn.

Ngân hàng tìm đầu ra

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận tăng trưởng tín dụng tính tới hết tháng 2 rất chậm. Ngoài lý do trùng vào dịp Tết Nguyên đán, tín dụng tăng chậm còn do sức khỏe nhiều doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện vay vốn, đơn hàng suy giảm. 

Thêm vào đó, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ, năm nay thị trường khó khăn.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, nhận định tín dụng hai tháng đầu năm tăng chậm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tại vùng lãi suất cao là khá hạn chế.

Từ cuối tháng 2 đến nay nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng để "kích cầu". Như ACB có gói vay ưu đãi 20.000 tỉ đồng, giảm tối đa 3%/năm lãi vay so với biểu lãi suất.

Techcombank công bố gói 30.000 tỉ đồng. MB giảm 1%/năm lãi suất vay với khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỉ đồng khi đăng ký vay vốn bằng tính năng Giải ngân online...

Tuy nhiên với tình hình như hiện nay, theo các ngân hàng, cần thêm thời gian. Bởi nhiều doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng, nhiều khách hàng cá nhân không gồng nổi lãi suất phải cắt lỗ để lấy tiền tất toán hợp đồng vay trước hạn... khiến tín dụng khó tăng mạnh trở lại.

Đồng loạt giảm lãi suất huy động

Theo biểu lãi suất mới tại Sacombank, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng còn 7,5%/năm, 12 tháng còn 7,9%/năm. Mức lãi suất từ 8%/năm trở lên chỉ xuất hiện ở kỳ hạn từ 13 tháng, cao nhất là 8,4%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, lãnh lãi cuối kỳ.

Tại ACB lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng còn 6,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 7,1%/năm. Mức lãi suất kỳ hạn 15 - 36 tháng ở mức 7,8%/năm.

Các ngân hàng trong nhóm big 4 cũng giảm lãi suất huy động. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank chỉ còn 7,4/năm ở kỳ hạn 12 tháng, trên 12 tháng lãi suất cao nhất còn 7,2%/năm. BIDV, VietinBank cũng áp dụng biểu lãi suất gần như tương tự.

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong tháng 2, lãi suất trên thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới giảm khoảng 0,4%/năm. Có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Ngân hàng Ngân hàng 'đồng thuận' giảm lãi suất huy động, có lợi cho lĩnh vực nào?

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hôm nay, 6-3, các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động từ 0,2 - 0,5%/năm với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng theo nội dung đã đồng thuận trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước trước đó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên