19/07/2021 10:00 GMT+7

Một kỳ Liên hoan phim Cannes kỳ lạ nhất

MI LY
MI LY

TTO - Người tham dự vắng hơn do đại dịch, có biện pháp chống dịch gây tranh cãi như ép khách mời nhổ nước bọt, các phát ngôn bạo miệng, những bộ phim hay và tràng pháo tay gần 10 phút... Cannes chưa bao giờ hết ồn ào, sôi động.

Một kỳ Liên hoan phim Cannes kỳ lạ nhất - Ảnh 1.

Renate Reinsve của The Worst Person in the World giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc - Ảnh: AFP

Liên hoan phim Cannes lần thứ 74 diễn ra từ ngày 6 đến 17-7. Năm 2021 đã đưa Cannes trở lại sau năm 2020 vắng bóng.

Trong lịch sử, Cannes có 5 lần bị hoãn: do Thế chiến 2 vào năm 1939, vì lý do tài chính vào năm 1948 và 1950, do biểu tình trên khắp nước Pháp vào năm 1968 và do COVID-19 vào năm 2020.

Những khách mời lộng lẫy và màn nhổ nước bọt

Năm nay, Cannes diễn ra giữa thời dịch. Các quốc gia châu Âu đã ổn hơn nhờ có kế hoạch tiêm vắc xin, nhưng khách mời vẫn đến từ khắp thế giới. Họ không đeo khẩu trang trên thảm đỏ hay trong các sự kiện ngoài trời nhưng vẫn được yêu cầu đeo tại các sự kiện trong nhà.

Theo BBC, điểm nhấn đáng chú ý trong công tác phòng dịch năm nay là màn nhổ nước bọt được các phóng viên ví von là "Cannes đã biến thành đại hội khạc nhổ".

Một kỳ Liên hoan phim Cannes kỳ lạ nhất - Ảnh 2.

Rosamund Pike và Sharon Stone trên thảm đỏ Cannes trong ngày bế mạc 17-7 - Ảnh: AP

Các khách mời đến Cannes đều xuất hiện trong trang phục lộng lẫy và diện mạo chỉn chu nhất, nhưng đều phải qua khâu xét nghiệm bằng nước bọt khá phiền toái.

Họ được phát cho một chiếc lọ và được yêu cầu nhổ đầy. Tưởng chừng đơn giản, nhiệm vụ này lại làm khó nhiều khách mời vì họ không tài nào nhổ nổi số nước bọt cần thiết. Dù sao, đây là thời dịch, mọi nguyên tắc phải được tuân thủ.

Năm nay, thảm đỏ Cannes vắng hơn mọi năm, không có con số thống kê cụ thể nhưng điều này dễ hiểu khi nhiều quốc gia vẫn đang phải phong tỏa, giãn cách, hạn chế bay do COVID-19, đặc biệt là các nhà làm phim và diễn viên châu Á.

Một kỳ Liên hoan phim Cannes kỳ lạ nhất - Ảnh 3.

Bức ảnh gây sốt của dàn đạo diễn, diễn viên phim The French Dispath với những phong cách thời trang rất khác nhau - Ảnh: BBC

Đặc sản là những màn vỗ tay bất tận

Dù bộ phim đoạt Cành cọ vàng gây tranh cãi, và cả tính xứng đáng của giải thưởng cũng vậy, nhưng Cannes luôn là thánh đường của những màn vinh danh điện ảnh nức lòng, không chỉ với những người thắng giải.

Tràng pháo tay 4 phút cho Flag Day, 5 phút cho Aline, 9 phút cho The French Dispatch. Tài tử Matt Damon khóc khi bộ phim Stillwater của anh nhận được tràng pháo tay 5 phút, khi tất cả khán phòng đều đứng lên và hướng mắt về phía đoàn làm phim.

Khán giả vừa vỗ tay vừa đổ dồn ánh mắt về phía đạo diễn Apichatpong Weerasethakul và diễn viên Tilda Swinton - bộ đôi "trong mơ" đã làm nên phim Memoria - để lắng nghe từng lời họ nói.

Những màn vỗ tay bất tận ở Cannes thường bị cho là quá dài, nhưng đáng giá đến từng giây đối với các nhà làm phim.

Đó là khoảnh khắc rất xúc động, ai cũng có thể rơi nước mắt vì sự vinh danh thuần khiết với công sức và tài năng của họ. Như đã nói, "giải thưởng" ở Cannes không chỉ là giải thưởng có thể sờ nắm được, mà còn là những khoảnh khắc đắm chìm trong điện ảnh như vậy.

Một kỳ Liên hoan phim Cannes kỳ lạ nhất - Ảnh 4.

Sharon Stone cười thật tươi khi trao giải Cành Cọ Vàng cho đạo diễn Julia Ducournau của phim Titane - Ảnh: REUTERS

Theo The Atlantic, khán giả tại các liên hoan phim, nhất là Cannes, đều là những người xem phim dày dạn kinh nghiệm. Họ có sự bao dung nhất định và sẵn sàng bày tỏ sự tôn trọng với các đoàn phim ngay cả khi họ biết bộ phim vẫn còn những thiếu sót nhất định.

Thêm vào đó, các tiết mục vỗ tay dạng này cũng là hiệu ứng đám đông, thường do hàng ghế đầu gồm nhiều khách mời VIP khởi xướng.

Một năm Cannes kỳ lạ

Đây là một năm hoàn toàn không bình thường, và kỳ LHP Cannes này là minh chứng. Phòng dịch, xét nghiệm COVID-19 liên tục, lịch tổ chức vào tháng 7 thay vì tháng 5 thường lệ, thảm đỏ vắng vẻ hơn.

Một số bộ phim và nhà làm phim rất được kỳ vọng nhưng lại gây thất vọng nặng nề: Paris, 13th District của Jacques Audiard, Three Floors của Nanni Moretti (từng giành Cành cọ vàng), France của Bruno Dumont. France thậm chí còn nhận nhiều tiếng la ó.

Một kỳ Liên hoan phim Cannes kỳ lạ nhất - Ảnh 5.

Chủ tịch ban giám khảo Spike Lee là "tắc kè hoa" nổi bật nhất thảm đỏ Cannes năm nay - Ảnh: GETTY

Còn bộ phim đoạt Cành cọ vàng, Titane, cũng rất kỳ quái và cực đoan đến nỗi nhiều người rời khỏi rạp khi đang xem. Trong khi đó, nhà làm phim rất được mến mộ là đạo diễn Iran Asghar Farhadi lại không đoạt Cành cọ vàng dù là ứng viên nặng ký.

Farhadi từng đoạt giải kịch bản tại Cannes nhưng chưa có duyên với Cành cọ vàng. Năm nay, ông ra về với giải Grand Prix cho phim A Hero.

Và có vài bất ngờ như Red Rocket của Sean Baker, bộ phim độc lập về ngành khiêu dâm và là một trong số ít phim khiến chủ tịch ban giám khảo Spike Lee đứng dậy vỗ tay.

Trong số các phim Mỹ, Red Rocket còn được đánh giá cao hơn cả The French Dispatch, bộ phim quy tụ dàn sao lừng lẫy của đạo diễn Wes Anderson.

Phim về "cô gái mang thai với xe hơi" đoạt Cành cọ vàng

Được coi là bộ phim tốn giấy mực bậc nhất tại Cannes năm nay, Titane của Julia Ducournau giành Cành cọ vàng trong sự chia rẽ của giới phê bình. Bộ phim mang phong cách cực đoan, siêu nhiên kể về một cô gái có khoái cảm với xe hơi và mang thai với một chiếc Cadillac cổ.

Trang Yahoo viết: khi ra khỏi rạp, cứ một người ca ngợi đây là "bộ phim vĩ đại" thì lại có một người chê bai đó là "thứ tồi tệ nhất tôi từng xem ở Cannes". Đây là cách khái quát nhanh nhất về cảm nghĩ của giới phê bình sau khi xem Titane.

'Bộ phim gây sốc nhất năm' giành Cành Cọ Vàng ở Liên hoan phim Cannes 2021

TTO - Phim Titane của đạo diễn người Pháp Julia Ducournau đoạt Cành Cọ Vàng với nội dung gây chia rẽ giới phê bình. Ducournau làm nên lịch sử khi là người phụ nữ thứ hai giành giải thưởng danh giá này.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên