21/04/2023 09:44 GMT+7

Nghệ sĩ Hữu Châu, Hạnh Thúy, Mỹ Uyên... kể chuyện đọc sách

Nhiều nghệ sĩ duy trì thói quen đọc sách và xem đọc sách là việc quan trọng để bồi đắp cảm xúc, tâm hồn cho các nhân vật của mình.

đọc sách

Thúy Vân - á hậu 3 cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015 - là một trong 10 đại sứ truyền thông của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

đọc sách sử hay truyện ngôn tình, sách bồi đắp kiến thức hay chỉ giải trí, các nghệ sĩ đều thừa nhận sách giúp họ mở rộng khả năng biểu đạt, thấu cảm và giúp họ bay bổng hơn trong sáng tạo.

Nghệ sĩ nếu không chịu đọc, không nạp kiến thức thì chỉ là thợ diễn.

Họa sĩ Trí Đức

Bồi đắp cảm xúc cho nhân vật

NSƯT Hữu Châu những ngày rảnh thường đến một quán cà phê quen. Anh lặng lẽ ngồi đó lật giở những quyển sách mà anh yêu thích.

Sở thích đọc sách sử từ nhỏ đã được Hữu Châu duy trì đến hôm nay, và sách trở thành "công cụ" đắc lực để Hữu Châu khai phá những nhân vật lịch sử quan trọng.

Nhờ đọc sách anh biết được thân thế nhân vật, lý giải được nguyên nhân sâu xa hành động của các nhân vật mà đôi khi những dòng chữ ít ỏi trên kịch bản chưa kịp tỏ tường hết. 

Nhờ nghiên cứu kỹ từ sách báo mà rất nhiều nhân vật lịch sử hay nhân vật văn học của anh như Nguyễn Trãi, Lý Đạo Thành, Võ Công... cực kỳ xuất sắc, tinh tế và khó ai có thể diễn qua.

NSƯT Hạnh Thúy cũng luôn cố gắng duy trì việc đọc và cái gì chị cũng có thể đọc miễn hợp gu. Chị đọc sách của Nguyễn Ngọc Tư, Hồ Biểu Chánh, Ngọc Linh, Khải Hưng, bà Tùng Long hoặc những tác giả chị quen biết như Bích Ngân, Trầm Hương, Tô Hoàng, Hồ Huy Sơn...

Gần đây, Hạnh Thúy đọc nhiều sách công cụ để hỗ trợ cho việc giảng dạy ở Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.

Hạnh Thúy chia sẻ: "Với người nghệ sĩ, tôi cho rằng việc đọc sách cực kỳ hữu ích, giúp mình có thêm kiến thức, khả năng diễn đạt tốt và mở rộng suy nghĩ của mình. 

Trong sách mình thấy được một đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần... rất phong phú. Nếu chúng ta chịu khó chú ý sẽ có nhiều điều để nhặt nhạnh phục vụ cho nghề nghiệp".

Nghệ sĩ Mỹ Uyên hay cầm theo sách trong các chuyến đi  - Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ Mỹ Uyên hay cầm theo sách trong các chuyến đi - Ảnh: NVCC

Luôn mang theo sách

NSƯT Mỹ Uyên không tự nhận mình đọc sách nhiều nhưng khi đi đâu, đặc biệt lúc di chuyển bằng máy bay hay xe buýt, chị vẫn hay cầm theo một quyển sách.

Thể trạng khỏe, không bị say xe nên những lúc như thế chị tranh thủ đọc sách. Lúc đến điểm hẹn nào đó, trong lúc chờ đợi chị cũng tranh thủ đọc.

Mỹ Uyên hay đọc các tiểu thuyết của Marc Levy với những câu chuyện ngôn tình, lãng mạn. 

"Tôi cảm thấy đọc sách lâu dài cho mình nền tảng. Những câu chữ cứ thấm vô khiến mình thoại nhẹ nhàng, trơn tru hơn. Cách sắp xếp ý tứ dễ dàng và phát triển nhân vật tốt hơn" - Mỹ Uyên tâm sự.

Từng giữ vị trí trưởng ban truyện tranh của Nhà xuất bản Trẻ, họa sĩ tranh cát Trí Đức may mắn đọc được nhiều bộ truyện tranh hay của Việt Nam và thế giới. 

Anh cho truyện tranh là tiền đề gợi ý cho nhiều tác phẩm nghệ thuật đi sâu hơn. "Là một họa sĩ, nhờ đọc những loại sách như thế đã giúp tôi làm giàu vốn hình ảnh và luôn có được sự bay bổng từ những câu chuyện phong phú, thú vị đó".

Anh còn cho rằng nghệ sĩ nếu không chịu đọc, không nạp kiến thức thì chỉ là thợ diễn. Làm riết thành quen tay. Cứ diễn hoài như vậy và tự tin vào bản năng, không tự tin vào kiến thức. 

"Tôi cho rằng kiến thức góp phần quan trọng tạo nên một người nghệ sĩ đầy sáng tạo. Việc đọc nói chung bổ sung lượng lớn kiến thức cho người nghệ sĩ. Và quan trọng đọc sách còn giúp chúng ta bồi đắp được vẻ đẹp tâm hồn" - Trí Đức nhấn mạnh.

Á hậu Thúy Vân (đại sứ truyền thông cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023):

Học giả mới là người giàu nhất

Tôi nghĩ con đường ngắn nhất để đi đến thành công là tìm đến tri thức. Đến bây giờ, những người nổi tiếng nhất mà chúng ta hâm mộ không phải là những người giàu nhất mà là những học giả.

Theo tôi, những học giả từ cổ chí kim mới là người giàu, bởi vì sách chính là tinh hoa, là trí tuệ.

Nếu như không có sách, chúng ta sẽ không có nền văn minh như hiện tại vì sẽ không có tài liệu để ghi lại những kiến thức của thời đại ở mấy trăm năm hoặc hàng ngàn năm trước. Ngay cả khi chưa có giấy và bút, chúng ta đã có văn hóa đọc. Chúng ta viết lên đá, lên tường để lưu giữ lại thông tin.

TRẦN MẶC ghi

Nhà trường ơi, mở sách ra!Nhà trường ơi, mở sách ra!

Dân số nước ta nay đã ngấp nghé cột mốc 100 triệu, nhưng những ai làm xuất bản lúc này đều biết một cuốn sách phát hành qua một hai năm bán hết 1.000 bản là đạt yêu cầu, bán được 2.000 bản là mừng lắm thay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên