10/05/2024 08:29 GMT+7

Người bệnh mạn tính mỏi mòn chờ đợi lãnh thuốc bảo hiểm y tế

Đến khu vực lãnh thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) lúc nào cũng có thể bắt gặp những gương mặt bệnh nhân mạn tính mong chờ đến lượt mình, từ sáng đến tận chiều muộn.

Người bệnh mạn tính ngồi bên ngoài chờ đợi đến lượt mình lãnh thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) - Ảnh: NGỌC NHI

Người bệnh mạn tính ngồi bên ngoài chờ đợi đến lượt mình lãnh thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) - Ảnh: NGỌC NHI

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, có hàng ngàn bệnh nhân đến khám và lãnh thuốc bảo hiểm y tế mỗi ngày, trong đó có không ít bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính.

Mắc bệnh thận mạn tính gần 20 năm nay, hằng tháng chị N.T.N.N. (44 tuổi, Đồng Tháp) phải đến bệnh viện tái khám, lãnh thuốc bảo hiểm.

Chị N. chia sẻ mình phải nghỉ làm một ngày dành cho việc đi tái khám. Chị phải thức từ rất sớm, 3h sáng lên xe đò đi đến Bệnh viện Chợ Rẫy là 8h sáng và khi về đến nhà thì trời đã chiều.

"Tôi đi sớm, khám sớm để tranh thủ về, nhưng khám xong đến lãnh thuốc là đến giờ trưa, phải đợi đến chiều mới lấy được. 

Hôm nay đợi gần 2 tiếng rồi vẫn chưa tới số của mình.

Mấy lần tái khám trước, tôi cũng ngồi mấy tiếng đợi lãnh thuốc bảo hiểm y tế vì quá đông người bệnh, có khi lấy được thuốc về đến nhà trời đã tối luôn rồi", chị N. tâm sự.

Chị N. cho biết thêm tiền thuốc bảo hiểm hỗ trợ phần lớn nên mỗi lần chị chỉ phải trả hơn 300.000 đồng cho tiền thuốc, nhưng đi lại ăn uống có khi lại hơn số tiền đó nữa, chưa kể chị còn bị mất một ngày làm việc khi đi xa khám bệnh.

Cũng như chị N., đến bệnh viện tái khám hơn 24 năm nay, ông Đ.V.V. (70 tuổi, Bình Thuận) cũng mòn mỏi chờ đợi lãnh thuốc bảo hiểm.

Ông V. cho hay ông mắc bệnh tiểu đường, đến Bệnh viện Chợ Rẫy tái khám lâu nay không ngại đường xa "nhưng tôi chỉ mệt mỏi lúc lãnh thuốc. Thời gian đợi phải tính bằng tiếng đồng hồ".

Thường ông đến lấy số rồi tranh thủ ra phía ngoài cây xanh mát ngồi, lâu lâu đến canh số xem tới lượt mình chưa, chứ ngồi đợi trong phòng quá đông người, chen chúc khó chịu.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đến 17h chiều 8-5, tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn còn gần 30 người chờ đợi lãnh thuốc bảo hiểm y tế. Trong đó, nhiều người vẫn đang loay hoay liên hệ người thân hoặc đặt vé xe để kịp về quê.

Đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc cho người bệnh mạn tính

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị bệnh mạn tính đã ổn định (đái tháo đường, tăng huyết áp...) lên tối thiểu 60 ngày và tối đa 90 ngày, thay vì 30 ngày như hiện nay.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết trong thời gian dịch bệnh COVID-19 do giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã triển khai cấp thuốc ngoại trú 3 tháng/lần.

Tuy nhiên để điều chỉnh hoàn toàn thì cần cân nhắc giữa mặt lợi và nguy cơ. Mặt lợi là người dân giảm được thời gian đi lại, bệnh viện giảm gánh nặng.

"Chúng tôi đang cân nhắc nghiên cứu đề xuất này và sẽ có điều chỉnh văn bản, thông tư hướng dẫn về thời gian kê đơn", ông Khoa cho hay.

Người bệnh mạn tính ngao ngán ngồi chờ lãnh thuốc bảo hiểm y tế:

Hàng trăm người bệnh mỏi mòn chờ đợi lãnh thuốc bảo hiểm y tế, trong đó có không ít người bệnh mạn tính - Ảnh: NGỌC NHI

Hàng trăm người bệnh mỏi mòn chờ đợi lãnh thuốc bảo hiểm y tế, trong đó có không ít người bệnh mạn tính - Ảnh: NGỌC NHI

Chị L.T.H. (42 tuổi, Tiền Giang), ngồi chờ đến lượt mình, chia sẻ: "Tôi đợi hơn 1 tiếng rồi để lãnh thuốc cho mẹ già 78 tuổi, dù đã được ưu tiên nhưng vẫn phải chờ đợi lâu, mẹ tôi ra ngoài ngồi chờ với cháu ngoại cho thoáng, chứ không này đông người ngộp lắm" - Ảnh: NGỌC NHI

Chị L.T.H. (42 tuổi, Tiền Giang), ngồi chờ đến lượt mình, chia sẻ: "Tôi đợi hơn 1 tiếng rồi để lãnh thuốc cho mẹ già 78 tuổi, dù đã được ưu tiên nhưng vẫn phải chờ đợi lâu, mẹ tôi ra ngoài ngồi chờ với cháu ngoại cho thoáng, chứ không này đông người ngộp lắm" - Ảnh: NGỌC NHI

Người bệnh mạn tính Người bệnh mạn tính 'lặn lội' hàng chục km hằng tháng để tái khám

Không ít các bệnh nhân lớn tuổi mắc các bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định vẫn phải vất vả bắt xe vượt hàng chục km đến bệnh viện thăm khám hằng tháng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên