18/05/2023 08:52 GMT+7

Nhiều điểm đến mới cho du học sinh Việt

Bên cạnh các điểm đến quen thuộc như Anh, Úc, Mỹ, Canada..., những năm gần đây, ngày càng nhiều học sinh Việt Nam tìm đến các thị trường du học mới phù hợp hơn với khả năng của bản thân cũng như gia đình.

Đại diện một tổ chức giáo dục Phần Lan (phải) giới thiệu về cơ hội du học trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4-2023  - Ảnh: H.N.

Đại diện một tổ chức giáo dục Phần Lan (phải) giới thiệu về cơ hội du học trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4-2023 - Ảnh: H.N.

Nắm bắt nhu cầu này, các trường đại học của Thái Lan, Ấn Độ, Hungary, Phần Lan... đang nỗ lực tiếp cận du học sinh tiềm năng từ Việt Nam.

Chúng tôi tin Việt Nam là một đất nước tiềm năng để chúng tôi tiếp cận và thu hút các du học sinh trong tương lai.

Ông Teemu Kokko (giám đốc bộ phận dịch vụ và an sinh của Tổ chức Riviera, Phần Lan)

Những cái tên lạ

Cuối tháng 4 vừa qua, tháp tùng Đại sứ giáo dục Phần Lan Marjaana Sall trong chuyến công tác tại Việt Nam là đại diện của khoảng 10 cơ sở giáo dục lớn của nước này với mong muốn tìm kiếm thêm nhiều cơ hội hợp tác tại Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực du học

Trong số đó có Tổ chức giáo dục Riviera - một trong những tên tuổi lớn nhất về đào tạo nghề ở Phần Lan.

Ông Teemu Kokko - giám đốc bộ phận dịch vụ và an sinh của Tổ chức Riviera - cho biết một số quốc gia đã được tổ chức này nhắm đến trong chiến lược quốc tế hóa dài hạn, bao gồm Việt Nam. 

Theo ông, lợi thế của Việt Nam nằm ở dân số trẻ và lực lượng lao động trẻ dồi dào. Đặc biệt, mức độ sẵn sàng chi tiêu cho giáo dục rất cao.

"Chúng tôi hiện đào tạo gần như đầy đủ các loại ngành nghề ở Phần Lan. Bằng nghề ở Phần Lan cũng được đánh giá rất cao. Các công ty đang cần nhiều lao động. Vì vậy, tôi nghĩ kết nối với thị trường Việt Nam là rất cần thiết" - ông Teemu Kokko nói.

Không chỉ có Phần Lan, thời gian gần đây nhiều nước vốn không phải là những thị trường lớn về du học cũng đang đẩy mạnh các chiến lược "khai phá" thị trường du học Việt Nam. 

Chẳng hạn, trong năm qua, các cơ quan, tổ chức của Hungary tại Việt Nam thường xuyên có những buổi làm việc với các trường đại học lớn ở TP.HCM như Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM... để tăng cường hợp tác giáo dục và quảng bá hình ảnh du học của Hungary.

Điển hình vào cuối năm 2022, Tổ chức Tempus Foundation (Hungary) và Tổng lãnh sự quán Hungary tại TP.HCM triển khai một diễn đàn thông tin về giáo dục đại học nước này hướng đến các học sinh, sinh viên Việt Nam, với sự tham dự của sáu trường đại học lớn ở Hungary là Trường Kinh doanh Budapest, Đại học Semmelweis, Đại học ELTE, Đại học Szeged, Đại học Miskolc, Đại học Metropolitan và Đại học Óbuda. Các trường cho rằng ngoài lợi thế về chương trình học thuật đại học, sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Hungary tạo "điểm cộng" cho du học sinh Việt Nam có thể sớm hòa nhập trong môi trường quốc tế.

Biến thách thức thành lợi thế

Những năm gần đây, Đại học Bangkok (Thái Lan) đang đẩy mạnh truyền thông tại thị trường Việt Nam. Theo ông Thái Lê Minh Tú - đại diện Văn phòng đại diện Đại học Bangkok tại TP.HCM, khoảng 10 năm trước, khi mới vào Việt Nam, trường chọn hướng phát triển các chương trình liên kết với các trường đại học tại TP.HCM. Đây cũng là một cách quảng bá hình ảnh trong thời gian đầu.

Hiện đại học này đã mở hẳn một văn phòng đại diện tại TP.HCM với đầy đủ đội ngũ đảm nhiệm công việc tư vấn và truyền thông. Định hướng cũng được chuyển từ chương trình liên kết sang thu hút học sinh Việt Nam đến học trực tiếp ở Bangkok.

Ông Tú nhận định nhu cầu du học ở Việt Nam vẫn giữ được đà tăng, câu chuyện không phải là các thị trường du học ít phổ biến sẽ cạnh tranh với các thị trường lớn như Anh, Úc, Mỹ, Canada ra sao. 

Trái lại, "menu" sẽ luôn có phần cho tất cả, miễn là "món" của bạn phù hợp với sở thích của một nhóm người học nhất định. Chẳng hạn, với các trường ở Bangkok đó là thế mạnh về những ngành về truyền thông - vốn rất nổi tiếng ở châu Á. Bên cạnh đó là lợi thế về vị trí địa lý rất gần TP.HCM, đường bay rất rẻ.

Ông Tú cho rằng nhờ vào vị trí địa lý rất thuận lợi nên trường thường tổ chức được những tour tham quan (5-6 tour/năm) cho phụ huynh, học sinh từ Việt Nam đến trực tiếp Thái Lan khám phá môi trường học tập.

Ngoài ra, nỗi băn khoăn của không ít phụ huynh khi cho con theo học ở một nước "mới mẻ" là ngôn ngữ. Tại đất nước mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thông dụng, nhiều phụ huynh lo sợ rằng con cái sẽ khó thích nghi, đặc biệt là với cuộc sống bên ngoài nhà trường. 

"Tuy nhiên ngược lại, nhiều bạn trẻ lại thấy làm thích thú khi được học ở một nước không nói tiếng Anh. Các bạn có thêm cơ hội để biết được một ngoại ngữ khác. Nếu có ý định học thêm ngôn ngữ, thì sau bốn năm ra trường, bạn đã biết được ba thứ tiếng. Đó rõ ràng là lợi thế thay vì là thách thức cho các bạn" - ông Tú nói.

Rẻ như du học Ấn Độ

Đại diện Đại học Galgotias (Ấn Độ) cho rằng hiện vẫn còn nhiều sinh viên mặc định du học là rất đắt đỏ, nhưng thực tế không hẳn.

Nhiều chương trình quốc tế dạy bằng tiếng Anh các ngành được ưa chuộng ở Ấn Độ có mức học phí dao động từ 2.000 cho tới 3.000 USD/năm (46 - 70 triệu đồng/năm), tùy trường - tương đương với học phí nhiều trường tư thục ở Việt Nam. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt ở Ấn Độ lại rẻ hơn TP.HCM.

Cuối năm 2022, hơn 11 trường đại học nổi tiếng ở Ấn Độ đã đến TP.HCM tham dự sự kiện mở rộng thị trường du học do Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức. Sự kiện thu hút hàng trăm phụ huynh, học sinh đến tìm hiểu.

Các trường ở Ấn Độ giới thiệu rất nhiều ngành nghề "hot" đang thu hút sinh viên quốc tế, nhất là công nghệ thông tin hay quản trị kinh doanh.

Những lưu ý trước mùa du học 2023Những lưu ý trước mùa du học 2023

Trước cao điểm tuyển sinh vào mùa hè và thu 2023, các thị trường du học lớn đã đưa ra nhiều quy định mới mà du học sinh cần nắm rõ ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên