27/02/2024 19:02 GMT+7

Nhiều nước bàn gửi quân đến Ukraine, Nga cảnh báo xung đột trực tiếp với NATO

Điện Kremlin cảnh báo xung đột giữa Nga và liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu là không thể tránh khỏi nếu các thành viên NATO gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine.

Binh sĩ NATO tập trận ở Ba Lan, ngày 26-2 - Ảnh: REUTERS

Binh sĩ NATO tập trận ở Ba Lan, ngày 26-2 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, ngày 26-2, theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khoảng 20 nhà lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp tại Paris, nhằm thể hiện sự ủng hộ với Ukraine.

Tại cuộc họp, ông Macron cho biết châu Âu không loại trừ phương án gửi quân tới Ukraine. Tuy nhiên, ông Macron nói thêm hiện tại "không có sự đồng thuận" về việc gửi quân đến chiến trường.

Nga cảnh báo phương Tây

Khi được hỏi về phát ngôn của ông Macron, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc "các nước NATO thảo luận về khả năng gửi quân đến Ukraine là yếu tố mới rất quan trọng".

Nói về khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO nếu các thành viên liên minh gửi quân tới Ukraine, ông Peskov nói: "Trong trường hợp đó, một cuộc xung đột trực tiếp là không thể tránh khỏi".

Ông Peskov nói rằng phương Tây nên tự hỏi liệu kịch bản như vậy có mang lại lợi ích cho đất nước và người dân của họ hay không.

Nga và Mỹ (nước dẫn đầu NATO) đều có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo rằng xung đột giữa Nga và NATO có thể gây ra Thế chiến thứ 3.

Dù vậy, các quan chức cấp cao Ukraine rất hoan nghênh việc các nước châu Âu thảo luận về phương án can thiệp. Trong đó, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak nhấn mạnh điều quan trọng ở giai đoạn này là đẩy nhanh việc cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine.

Phương Tây làm gì?

Khoảng 20 nhà lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp tại Điện Elysee ở Paris, nhằm thể hiện sự ủng hộ với Ukraine, ngày 26-2 - Ảnh: REUTERS

Khoảng 20 nhà lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp tại Điện Elysee ở Paris, nhằm thể hiện sự ủng hộ với Ukraine, ngày 26-2 - Ảnh: REUTERS

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24-2-2022, các nước phương Tây đều cam kết sẽ giúp Kiev đánh bại Matxcơva. Điều đó cho tới nay vẫn chưa xảy ra.

Cuộc phản công được kỳ vọng của Ukraine trong năm 2023 đã thất bại trong việc chọc thủng phòng tuyến kiên cố của Nga. Matxcơva tranh thủ tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine trong lúc gói viện trợ của Mỹ còn đang kẹt ở Quốc hội và bị bao quanh bởi hàng loạt cuộc tranh luận.

"Chúng ta sẽ làm mọi thứ phải làm để Nga không giành chiến thắng", tổng thống Pháp tuyên bố ngày 27-2.

Sau khi Điện Kremlin lên tiếng cảnh báo, một quan chức Nhà Trắng nói với Reuters rằng Washington không có kế hoạch gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine và NATO cũng tương tự.

Không lâu sau đó Ba Lan và Czech cũng tuyên bố họ không xem xét khả năng đưa quân tới Ukraine, mà chỉ đồng ý chi tiền mua thêm đạn dược cho Kiev.

Ukraine ký thỏa thuận an ninh 10 năm với nhiều thành viên NATOUkraine ký thỏa thuận an ninh 10 năm với nhiều thành viên NATO

Đến nay các nước thành viên NATO như Canada, Ý, Anh, Đức, Pháp và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận an ninh với Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên