29/04/2021 09:46 GMT+7

Những hạt sạn trên sân bóng đá phong trào - Kỳ cuối: Đá cho khỏe, nhưng dễ chấn thương

HUY ĐĂNG - HOÀNG TÙNG
HUY ĐĂNG - HOÀNG TÙNG

TTO - "Tỉ lệ chấn thương nặng vì chơi thể thao chưa bao giờ cao như lúc này, ngang ngửa với chấn thương vì tai nạn" - bác sĩ Võ Châu Duyên, trưởng khoa chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cảnh báo.

Những hạt sạn trên sân bóng đá phong trào - Kỳ cuối: Đá cho khỏe, nhưng dễ chấn thương - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều ca chấn thương nghiêm trọng đến từ sân bóng đá phong trào - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Thật vậy, vấn nạn bạo lực sân cỏ không chỉ tồn tại với giới bóng đá phủi mà còn với cả dân văn phòng - những người chỉ mưu cầu "đổ mồ hôi, mua sức khỏe".

Sợ đá với người lạ

"Đá 6-4, 7-3, 100% hay đá tiền nước" - người chơi bóng đá phong trào không lạ gì những khái niệm này. 6-4, 7-3 hay 100% là cách đá chia tiền sân của đội thắng - thua. Và đôi khi chỉ vì một giao kèo quá "máu lửa" ban đầu mà trận bóng vui vẻ, giao lưu trở thành cuộc hỗn chiến với những pha triệt hạ kinh hoàng.

Nguyễn Phi (29 tuổi), một nhân viên ngân hàng, cho biết cách đây 5 năm anh từng dính một chấn thương mắt cá chân rất nặng, đến mức không thể vận động mạnh trong gần 3 tháng. Nguyên nhân cũng là từ một trận bóng đá phong trào giữa "anh em văn phòng".

"Hôm đó chúng tôi đá với đội ngoài. Cũng từng đá với nhau vài lần rồi, lại làm cùng ngành nên mọi người đá cũng vui vẻ thôi. Chỉ đá 7-3 tiền sân cho có chút động lực thắng thua, nhưng hôm đó đội bạn lại rủ thêm vài cầu thủ lạ. Thông thường thấy có người lạ là biết sẽ căng thẳng hơn, và đúng vậy thật. Tôi bị đạp sau một cái, nhưng thôi, mấy chuyện này trong sân bóng cũng không hiếm nên chúng tôi cũng không tranh cãi làm gì", Phi kể.

Anh Đình Khải (30 tuổi) - cũng là một nhân viên ngân hàng khác, chưa từng dính chấn thương nặng trên sân bóng phong trào - nhưng cho biết anh rất sợ việc phải đá với người lạ. Đó là chuyện dễ hiểu, bởi không phải chỉ có sân phủi mới xảy ra những vụ loạn đả. Giữa "dân văn phòng", bầu không khí chơi bóng vui vẻ đôi lúc cũng bị đẩy lên đến mức căng thẳng chỉ vì một vài cãi cọ không đáng.

"Tôi nghĩ bóng đá vốn đã là môn thể thao nhiều tranh cãi. Các giải bóng đá chuyên nghiệp có trọng tài, có VAR vậy mà cầu thủ trên sân nhiều lúc còn cãi nhau về một tình huống không biết ai đúng ai sai. Vì vậy, mình đá sân phong trào xác định mỗi người nhường nhau một chút thôi, chứ đụng chuyện gì cũng đòi mình đúng thì sao được, rồi cũng dẫn đến đánh lộn thôi. Tôi từng gặp mấy trường hợp như vậy rồi, anh em cùng công ty mà gây lộn đến mức suýt đánh nhau", Khải kể.

Dần dà, dân chơi bóng đá phong trào đặt ra nhiều quy tắc bất thành văn. Gặp phải đội lạ mặt thì chỉ đá tiền nước. Và ai muốn dắt bạn bè, người quen đi đá thì phải "khai báo nhân thân" trước.

Chấn thương vì chính mình

Cầu thủ chuyên nghiệp luôn phải đối mặt với những nguy cơ chấn thương rình rập, nhưng âu cũng đành chịu vì đó là cái nghề của họ. Khổ cho nhiều nhân viên làm công việc văn phòng khi vô duyên vô cớ dính chấn thương nặng chỉ vì chơi thể thao - vốn là để rèn luyện sức khỏe.

Bác sĩ Võ Châu Duyên nói: "Chưa có thống kê rõ ràng nào về những nguyên nhân dẫn đến chấn thương, nhưng theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi mấy năm gần đây, tỉ lệ chấn thương nặng, những chấn thương liên quan đến dây chằng phải phẫu thuật vì thể thao đang cao hơn bao giờ hết. Cụ thể trước đây tỉ lệ những ca chấn thương này có khoảng 70% xuất phát từ tai nạn giao thông, thể thao chỉ chiếm gần 30%, nhưng bây giờ thì hai bên là 50-50".

Nhưng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những chấn thương nặng trong bóng đá, theo bác sĩ Võ Châu Duyên, chưa hẳn đã nằm ở lối chơi bạo lực. "Nói chính xác thì những pha chơi bóng thô bạo là bước cuối cùng dẫn đến chấn thương nặng. Tôi nghĩ bước đầu tiên đến từ việc mọi người không có được sự chuẩn bị tốt nhất. Nhiều người ra sân mà khởi động quá sơ sài, hoặc chơi quá sức so với giới hạn của cơ thể. Từ đó họ rất dễ dính chấn thương nặng.

Bóng đá là trò chơi đối kháng tranh chấp quyết liệt, lại giàu cảm xúc. Một khi đã bị cuốn theo rồi thì rất khó chơi cẩn thận. Vì vậy, tôi khuyên mọi người nên khởi động thật kỹ trước khi ra sân, và những ai lâu ngày mới chơi trở lại thì nên ít di chuyển, hạn chế va chạm", bác sĩ Duyên nói.

Mặt sân cũng là nguyên do lớn

Sân cỏ nhân tạo ngày nay tràn ngập ở TP.HCM, người chơi rất dễ dàng để tìm đặt các sân bóng mini ở hầu hết các quận, huyện. Nhưng ít ai biết, phần lớn số sân bóng đá nhân tạo này đều không đạt chuẩn an toàn.

Anh Nguyễn Thành Nam - HLV bóng đá phong trào - cho biết để đảm bảo an toàn, mặt sân cỏ nhân tạo phải rải một số lượng hạt cao su (nhằm giảm xóc khi chạy) nhất định. Con số lý tưởng là khoảng hơn 10kg/m2, nhưng hầu hết các sân cỏ nhân tạo ở VN hiện nay chỉ có khoảng 1, 2kg hạt cao su cho mỗi m2.

Ông Văn Xuân Thiện - một trong những người đi tiên phong trong việc làm sân cỏ nhân tạo ở VN - nói: "Một sân cỏ nhân tạo đúng chuẩn FIFA có rất nhiều tiêu chuẩn về lớp đá cấp phối, lớp vải địa kỹ thuật, lớp cát, lớp hạt nhựa cao su và trên cùng là phần ngọn cỏ. Nếu căn cứ đúng chuẩn này, một sân cỏ nhân tạo đúng chuẩn châu Âu có thể tốn kém đến cả tỉ đồng. Để có lợi nhuận, đa phần các sân cỏ nhân tạo ở VN hiện tại chỉ sử dụng loại thảm cỏ của Trung Quốc, họ cũng bỏ bớt nhiều tiêu chuẩn khác, chi phí như vậy giảm chỉ còn khoảng 300 triệu đồng/sân".

Những hạt sạn trên sân bóng đá phong trào - Bài 3: Loạn như giải bóng đá phủi Những hạt sạn trên sân bóng đá phong trào - Bài 3: Loạn như giải bóng đá phủi

TTO - Không ít lần khi tác nghiệp hoặc tham gia cùng sân chơi phủi, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng các ông bầu xúi cầu thủ đá bậy, hay thậm chí lao thẳng vào sân kích động bạo lực.

HUY ĐĂNG - HOÀNG TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên