26/02/2022 09:09 GMT+7

Những nghề quái lạ trên thế giới - Kỳ 5: Thợ săn băng trôi và rượu vodka 10.000 năm tuổi

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Cứ mỗi buổi sáng, thuyền trưởng Ed Kean lại cùng ba người cùng nhóm đi tìm băng trôi. Cách đây 20 năm, ông bỏ nghề đánh cá để trở thành thợ săn băng trôi. Nước băng trôi ngoài pha với rượu còn được dùng để nấu bia hoặc sản xuất mỹ phẩm.

Những nghề quái lạ trên thế giới - Kỳ 5: Thợ săn băng trôi và rượu vodka 10.000 năm tuổi - Ảnh 1.

Thu hoạch băng trôi để pha chế rượu vodka - Ảnh: messynessychic.com

Không có điềm báo mùa xuân nào rõ rệt cho bằng các tảng băng trôi ngoài khơi tỉnh Newfoundland và Labrador ở vùng cực đông Canada, cạnh bắc Đại Tây Dương. 

Một hiện tượng tự nhiên kỳ lạ xảy ra vào mỗi mùa xuân: Trong các tảng băng trôi khổng lồ tách ra từ sông băng Greenland ở Bắc Cực, một số núi băng theo dòng chảy riêng từ từ trôi qua Newfoundland và Labrador vào tháng 5 rồi kết thúc hành trình kéo dài từ 2 - 3 năm sau khi rời Greenland.

Tảng băng trôi đầu tiên trong năm luôn gây xúc động mạnh. Mặc dù bạn đã nhìn thấy hàng ngàn khối băng trôi, nhưng bạn luôn cảm thấy hồi hộp và phấn khích.

GS.TS STEPHEN BRUNEAU ở Đại học Memorial tại Newfoundland

Người quảng bá hiện tượng băng trôi kỳ diệu

Một tảng băng trôi có tuổi trung bình từ 10.000 - 15.000 năm. Nếu đến đủ gần, chúng ta có thể nghe tiếng kêu răng rắc của khối băng tan ra dưới ánh nắng. Thuyền trưởng Barry Rogers, với hàm râu bạc trắng, đôi mắt tinh anh và nụ cười đầy nếp nhăn, nhận xét: "Âm thanh ấy cứ như cả ngàn con mèo đang gừ". 

Ông đã quan sát băng trôi từ 22 năm nay bởi ông là thợ săn băng trôi chuyên nghiệp, chủ sở hữu Công ty Iceberg Quest Ocean Tours chuyên tổ chức tham quan bằng tàu ở St. John's (thủ phủ tỉnh Newfoundland và Labrador).

Niềm đam mê băng trôi của ông bắt nguồn từ thời thơ ấu trên đảo Twillingate. Ông đã từng nghe kể nhiều câu chuyện về khám phá đại dương và các nhà thám hiểm Bắc Cực, như câu chuyện Bob Bartlett sống sót sau 12 vụ đắm tàu. Cha và ông nội của ông đều là thuyền trưởng. 

Ngồi quanh bếp lửa hồng, họ trò chuyện về những cơn bão dữ dội và những tảng băng trôi khổng lồ. 

Ông kể: "Thời gian hạnh phúc nhất là vào mùa xuân, khi tôi chạy ra mũi đất chờ xem băng trôi. Ban đêm, chúng tôi nhìn thấy chúng trôi dọc theo cái mà ngày nay người ta gọi là Hẻm núi băng. Rồi rạng sáng hôm sau, chúng biến mất. Vẻ đẹp và tầm vóc của chúng đã ghi dấu ấn trong lòng tôi mãi mãi".

Ông nhận xét số phận đã đưa ông vào con đường mưu sinh trên biển. Ông tự xem mình như người quản lý đại dương có bổn phận phải truyền đạt kiến thức về hiện tượng băng trôi kỳ diệu và chia sẻ với du khách từ khắp nơi trên thế giới niềm đam mê bất diệt của mình với các tảng băng đồ sộ. 

Băng trôi đã thu hút hàng ngàn con cá voi lưng gù quay trở lại vào mỗi mùa xuân để ăn cá trứng và tôm cua. Như vậy, ngoài xem băng trôi, du khách còn có thêm thú xem cá voi.

Ông ghi nhận: "Để trải nghiệm những giây phút cuối cùng của tảng băng trôi, các bạn phải đến Newfoundland và Labrador. Đây là một trong những nơi cuối cùng có thể đến để quan sát chúng". Du khách chắc chắn sẽ hỏi han chuyện tàu Titanic bị đắm do đâm vào băng trôi và ông sẵn sàng giải thích hết sức ân cần.

Một tảng băng trôi có thể chiếm diện tích 500m2, với phần nổi cao hơn 4,8m và bề dày ít nhất 30m. Phần nhìn thấy của tảng băng trôi chỉ chiếm 10%, 90% còn lại ẩn dưới nước. 

Trong khi các tàu khác cố tránh các núi băng trôi đồ sộ, năm con tàu của thuyền trưởng Rogers cứ thẳng tiến. Ông thích những ngày có sương mù vì lúc đó chỉ có mình ông biết có tảng băng trôi phía trước nên đột ngột dừng tàu lại để du khách nhìn thấy tảng băng khổng lồ sáng lên trong sương mù. 

Ông kể: "Tôi đã chứng kiến đủ kiểu phản ứng, từ cười lo lắng cho đến rơi nước mắt. Bí ẩn và kỳ thú bao trùm các tảng băng cổ đại này vô cùng, không cái nào giống cái nào".

Du khách còn được mời thưởng thức các loại thức uống làm từ nước tinh khiết của băng trôi, từ rượu gin cho tới rượu rum địa phương Screech với nước đá lấy trực tiếp từ băng trôi 10.000 năm tuổi. 

Thuyền trưởng Rogers quảng bá: "Trừ ở đây, đâu có nơi nào khác các bạn có thể nhìn thấy và nếm thứ gì đó thời tiền sử rồi khởi đầu câu chuyện dài về vấn đề này?". 

Đó là câu chuyện về cách pha chế một trong những thức uống lạ lùng nhất thế giới với nguyên liệu có lẽ là lâu đời nhất có thể tưởng tượng được: rượu vodka băng trôi!

Những nghề quái lạ trên thế giới - Kỳ 5: Thợ săn băng trôi và rượu vodka 10.000 năm tuổi - Ảnh 3.

Thuyền trưởng tàu du lịch Barry Rogers - Ảnh: tom cochrane

Thu hoạch "vàng trắng" để sản xuất rượu vodka

Cứ mỗi buổi sáng, thuyền trưởng Ed Kean lại cùng ba người cùng nhóm đi tìm băng trôi. Cách đây 20 năm, ông bỏ nghề đánh cá để trở thành thợ săn băng trôi. 

Ông kể trên trang web du ký Messy Nessy Chic: "Tôi xuất thân từ nhiều thế hệ chuyên kinh doanh hàng hải, nhưng tôi là người săn băng trôi đầu tiên trong gia đình. Lớn lên bên bờ biển và sống cùng ngư dân, tôi luôn biết cuối cùng mình sẽ làm việc trên biển Newfoundland".

Mỗi năm có chừng 40.000 núi băng tách khỏi Greenland, nhưng chỉ có từ 400 - 800 băng trôi đến miền nam Newfoundland. Ông dùng lưới hoặc cần cẩu khổng lồ cố gắng thu hoạch càng nhiều băng càng tốt trước khi chúng tan chảy. 

Ông giải thích: "Băng trôi tan rất nhanh. Ở Newfoundland, chúng giống như chiếc lá rơi. Chúng sẽ chết trong vài tuần và trở về với tự nhiên. Những tảng băng trôi đầu tiên đến Hẻm núi băng vào mùa xuân, nhưng phần lớn đã tan vào đầu mùa hè".

Săn băng trôi là công việc rất nguy hiểm, vì vậy trang web du lịch địa phương đã cảnh báo các thủy thủ và người chèo thuyền kayak muốn đến gần băng trôi như sau: "Băng trôi rất khó lường, vì vậy rất khó di chuyển an toàn cạnh chúng. Chúng có thể lật hoặc sập xuống bất cứ lúc nào". 

Khi quan sát băng trôi từ mặt nước, cần duy trì khoảng cách an toàn được tính bằng chiều dài tảng băng hoặc gấp đôi chiều cao của nó tùy theo giá trị nào lớn hơn.

Tháng 9-2020, hai nhà thám hiểm Bắc Cực Mike Horn và Fred Roux leo lên một tảng băng trôi ở quần đảo Svalbard (giữa lục địa Na Uy và Bắc Cực). Tảng băng trôi lật úp, hất họ xuống nước lạnh -2°C và gần như nghiền nát họ. May mắn sóng đã cuốn họ sang một bên và cả hai đều sống sót. 

Rủi ro như thế không ngăn được thuyền trưởng Kean một khi ông đã đặt ra chỉ tiêu thu hoạch hàng chục ngàn lít "vàng trắng" mỗi năm.

Các tảng băng trôi được đưa đến Công ty Iceberg Vodka ở St. John’s. Rượu Iceberg Vodka được sản xuất ở đây từ năm 1995. Tại đây, băng trôi được để tan tự nhiên. Việc này có thể mất nhiều thời gian vì băng trôi đã đóng băng trên 0°C. 

Do nước băng trôi tinh khiết nên hàm lượng khoáng chất thấp, vì vậy thành phần của nước cũng khác với nước máy. Sau khi băng tan chảy hết, nước băng trôi được pha chế tỉ mỉ với một loại rượu trung tính có độ cồn cao đã qua chưng cất ba lần từ táo Canada và bắp.

Mỗi mẻ rượu vodka sau đó được làm theo kiểu thủ công truyền thống bằng cách dùng bột than hoạt tính lọc bỏ tạp chất. Phòng thí nghiệm thực hiện phân tích hóa học, kiểm tra độ pH và độ tinh luyện của rượu, đồng thời đánh giá cảm quan để kiểm tra chất lượng rượu vodka trước khi đóng chai. 

Các nhà sản xuất rượu vodka bằng nước băng trôi giải thích quy trình sản xuất của họ không ảnh hưởng đến môi trường vì họ chỉ sử dụng băng trôi đã vỡ ra từ sông băng ở Bắc Cực chứ không thu hoạch từ sông băng nguyên vẹn. Thứ băng trôi bị vỡ này có mặt khắp nơi.

Băng trôi đã đóng băng từ rất lâu trước cuộc cách mạng công nghiệp nên không có chất ô nhiễm, do đó có lẽ đây là nguồn nước tinh khiết tự nhiên tuyệt vời nhất hành tinh. Chính vì vậy, săn băng trôi trước khi băng tan chảy là công việc kinh doanh lớn hay còn gọi là "cơn sốt vàng trắng".

Săn băng trôi đang trở thành một nghề phổ biến ở Canada. Các nhà hàng ở Canada sẵn sàng phục vụ nước đá băng trôi đến bàn thực khách. Nước băng trôi ngoài pha với rượu còn được dùng để nấu bia hoặc sản xuất mỹ phẩm. Nước băng trôi đóng chai được bán với giá 11 USD trong cửa hàng.

Có lần Steve Zazulyk lặn xuống biển mò tìm bằng được chiếc nhẫn kim cương 100.000 USD. Ngoài 500 vụ tìm nhẫn thất lạc, anh còn là thợ săn kho báu, nhà văn, diễn giả.

Kỳ tới: Chuyên gia săn tìm nhẫn thất lạc

Những nghề quái lạ trên thế giới - Kỳ 3: Chơi với rắn độc, hàng chục lần bị cắn suýt chết Những nghề quái lạ trên thế giới - Kỳ 3: Chơi với rắn độc, hàng chục lần bị cắn suýt chết

TTO - Một con rắn đuôi chuông kim cương Tây Mỹ dài hơn 1,5m lặng lẽ cuộn mình dưới mấy bụi cây cọ lùn. Nó đang chờ bắt mồi gần máng cho chim ăn trong vườn nhà bà Lori Parsons. Đàn chó của bà đánh hơi mùi rắn giật mình sủa inh ỏi.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên