15/04/2024 16:17 GMT+7

Rể Úc kể chuyện nhập gia tùy tục Việt Nam khi lấy vợ

'Lấy vợ Việt không đơn giản là gắn kết với một cá nhân, mà là kết nối tâm hồn mình với cả một dòng tộc', anh Ray Kuschert kể chuyện 'nhập gia tùy tục' khi lấy vợ Việt.

Tác giả Ray Kuschert và vợ trong lễ cưới ở Bình Dương năm 2021 - Ảnh: NVCC

Tác giả Ray Kuschert và vợ trong lễ cưới ở Bình Dương năm 2021 - Ảnh: NVCC

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Ray Kuschert, người Úc, đã sống ở Việt Nam hơn 10 năm. Tuổi Trẻ Online chuyển ngữ.

Chúng tôi kết hôn vào năm 2021, và với cuộc hôn nhân đó, tôi nhận ra rằng mình đang bước vào một nền văn hóa hoàn toàn mới với gia đình mới người Việt, sống cách TP.HCM 50km.

"Hệ lụy" của lấy vợ Việt

Trong đó, chuyện ăn uống cũng khá nhiêu khê. Như mọi gia đình Việt Nam khác, gia đình vợ tôi cũng có những bữa ăn giàu carbohydrate với thật nhiều cơm. 

Và với một người Úc thừa cân như tôi, thì việc đó cũng rất thử thách, dường như lần nào về thăm nhà vợ, tôi cũng lên cân.

Cơm là món phổ biến trong gần như mọi bữa ăn của người Việt - Ảnh: M.THƯƠNG

Cơm là món phổ biến trong gần như mọi bữa ăn của người Việt - Ảnh: M.THƯƠNG

Chưa hết, những dịp đặc biệt như sinh nhật, lễ, Tết, tôi phát hiện một “hệ quả” của hôn nhân là cân nặng tăng lên rõ rệt, do cơ thể tôi phải vật lộn để thích nghi với chế độ “ăn lễ”.

Vấn đề tiếp theo là giao tiếp. Không thành viên nào trong gia đình nói tiếng Anh ngoại trừ vợ tôi, và mặc dù trình độ giao tiếp tiếng Việt của tôi cũng ở mức khá, thì để thân thiết và thoải mái khi ở cùng đại gia đình cũng không phải chuyện dễ dàng.

May mắn thay, mẹ vợ và cả gia đình vợ đều là những người vô cùng tốt bụng. 

Họ cố gắng giao tiếp và chào đón tôi nồng nhiệt, bất chấp những khó khăn mà ông con rể “ngoại” là tôi đây mang lại.

Khi rào cản giao tiếp đã phần nào vượt qua được, thì thử thách lớn nhất giai đoạn này của cuộc đời tôi lại đến: nhập gia tùy tục, thích nghi với phong tục địa phương.

Từ chuyện đơn giản như xưng hô khi đến thăm nhà cô, dì, chú, bác, rồi biết phép xã giao phù hợp khi ngồi cùng bàn với người thân… đều gây cho tôi ít nhiều khó khăn.

Sau 5 năm, tôi dần hiểu biết hơn và những phong tục này cũng trở nên dễ bớt, dù tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện mình.

Đám cưới của anh Ray Kuschert (người Úc) và chị Vũ Thị Loan được thực hiện theo nghi thức Việt Nam - Ảnh: NVCC

Đám cưới của anh Ray Kuschert (người Úc) và chị Vũ Thị Loan được thực hiện theo nghi thức Việt Nam - Ảnh: NVCC

Một chuyện nữa tôi muốn nói đến là khái niệm về sự riêng tư.

Ở quê, việc mọi người ngủ cùng nhau hoặc ở chung phòng là chuyện hết sức bình thường, điều này tạo nên một mức độ gần gũi vượt xa những gì tôi từng trải qua, ngay cả khi sống cùng gia đình mình ở Úc.

Ban đầu, tôi thấy khó chịu vì phải tương tác thường xuyên với người khác. Rồi tôi cố gắng tìm cách cân bằng, thay đổi thái độ, cùng sự thấu hiểu từ vợ mình, sau 3 năm chung sống và tổng cộng 5 năm bên nhau, tôi đã hiểu được mối liên hệ chặt chẽ và sự quan tâm trong gia đình vợ mình.

Lấy vợ Việt: Không chỉ là gắn kết cá nhân

Tôi biết mỗi gia đình đều khác nhau và không thể khái quát hóa văn hóa Việt Nam chỉ bằng cách nhìn vào một gia đình.

Tôi chắc chắn rằng nhiều người nước ngoài cũng có những trải nghiệm rất khác với tôi, vui có buồn có, nhưng nhìn chung, tôi thấy mình thực sự may mắn khi được chấp nhận và đối xử tử tế bởi những người quan tâm và yêu thương mình.

Gia đình mới của tôi, đặc biệt là người mẹ vợ tuyệt vời, đã giúp tôi ngày càng hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam và tôi mãi mãi biết ơn điều đó.

Tôi học được rằng lấy vợ Việt không đơn giản là gắn kết với một cá nhân, mà là kết nối tâm hồn mình với cả một dòng tộc.

Đó là sự kết hợp được dệt một cách sống động nên bằng các nghi lễ, ẩm thực, giá trị và tình yêu thương vượt xa “chuyện của hai người”.

Với bất kỳ ai được hòa nhập vào nền văn hóa này, hãy mở lòng mình ra để trải nghiệm, đắm chìm trong những lời dạy dỗ, chấp nhận các nghi lễ văn hóa.

Bạn đã có được trái tim của một người Việt Nam, và trái tim đó sẽ đưa bạn đến với cốt lõi của nền văn hóa - một thế giới sôi động mà bạn sẽ mãi biết ơn khi được gọi đó là văn hóa của mình.

Dâu Tây, rể ngoại học ăn Tết ViệtDâu Tây, rể ngoại học ăn Tết Việt

TTO - Trước khi lấy chồng Việt, Rachel Louise Soubra, 26 tuổi - một nàng dâu người Úc - nghĩ rằng Tết chán lắm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên