26/04/2024 06:23 GMT+7

Tên lửa tầm xa ATACMS Mỹ vừa cung cấp giúp gì cho Ukraine?

BẢO ANH
và 1 tác giả khác

Với tầm bắn 300km, các tên lửa ATACMS Mỹ vừa cung cấp Ukraine sẽ có thể tấn công vào bất kỳ nơi nào thuộc các phần lãnh thổ của Ukraine mà Nga đang kiểm soát, trong đó có bán đảo Crimea.

Nguồn: Wall Street Journal - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: Wall Street Journal - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TUẤN ANH

Tại cuộc họp báo ngày 24-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel xác nhận Mỹ đã bí mật cung cấp cho Ukraine Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa theo chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden. Thông tin này thông báo ngay sau khi gói viện trợ 61 tỉ USD cho Ukraine được thông qua.

Tăng nhuệ khí cho Ukraine

"Tổng thống Biden đã âm thầm chỉ đạo đội ngũ an ninh quốc gia của mình gửi ATACMS đến Ukraine để sử dụng bên trong lãnh thổ của Ukraine hồi tháng 2. 

Họ đã bắt đầu chuyển đi, như một phần của gói viện trợ quân sự mà chúng tôi đã công bố vào ngày 12-3", ông Vedant Patel nói, và cho biết Ukraine đã nhận được loại vũ khí này trong tháng 4.

Báo Wall Street Journal bình luận các tên lửa ATACMS tầm xa này sẽ mở rộng khả năng của Ukraine trong việc tấn công các mục tiêu vượt xa tiền tuyến, đồng thời tăng nhuệ khí cho các lực lượng Ukraine trong lúc chờ đợi thêm viện trợ quân sự từ Mỹ.

Việc chuyển các tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine đánh dấu sự thay đổi chính sách to lớn của chính quyền ông Biden. 

Thời gian qua Washington vẫn thận trọng trong việc cung cấp loại vũ khí này cho Ukraine vì lo ngại xung đột leo thang. Trong khi đó, Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và các nước khác cấp cho Kiev vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu Nga.

Ông Vedant Patel giải thích Mỹ đã không công bố việc chuyển giao vũ khí này ngay từ đầu nhằm "duy trì an ninh tác chiến cho Ukraine theo yêu cầu của họ". 

Hãng tin Reuters đưa tin Lầu Năm Góc cũng lo ngại việc gửi các tên lửa tầm xa này cho Ukraine có thể gây tổn hại tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ do làm cạn kiệt kho dự trữ của Washington. 

Tuy nhiên vì Mỹ đã có thể giải quyết những lo ngại này hồi tháng 1 nên đã quyết định gửi ATACMS tầm xa cho Ukraine.

Ukraine cần ATACMS

Tên lửa ATACMS tầm xa mang đến cho Ukraine thêm một lựa chọn mới để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong phòng tuyến của Nga và củng cố kho vũ khí có hạn của Kiev. 

Ukraine đã sở hữu các tên lửa hành trình tầm xa do Anh và Pháp cung cấp, nhưng chúng được phóng từ máy bay. Trong khi đó ATACMS được phóng từ mặt đất, do đó mở rộng năng lực tấn công của Ukraine, giúp họ linh hoạt hơn.

Trước đây Ukraine đã nhận được các hệ thống tên lửa tầm xa phức tạp khác như tên lửa hành trình Storm Shadow từ Anh và Pháp hoặc HIMARS và M270 MLRS. 

Sau khi nhận hệ thống pháo phản lực HIMARS và M270 MLRS vào mùa hè năm 2022, Ukraine đã phá hủy thiết bị của Nga và làm hư hại trung tâm chỉ huy, hậu cần và doanh trại quân đội đối phương.

Theo báo New York Times, trước đây khi Mỹ cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, Ukraine đã có thể gây thiệt hại nặng nề cho phía Nga. 

Nhưng sau đó, Nga rút lực lượng và kho vũ khí của họ ra khỏi tầm bắn của những vũ khí này. ATACMS tầm xa nằm trong số những hệ thống vũ khí cuối cùng mà Kiev mong muốn nhưng Mỹ đã lưỡng lự cung cấp.

Mỹ bắt đầu chuyển phiên bản Block 1 tên lửa ATACMS cho Ukraine mùa thu năm ngoái sau nhiều tháng cân nhắc. 

Phiên bản này có tầm bắn 25 - 165km, mang đầu đạn chùm chứa 950 quả đạn con. Phiên bản ATACMS mới hơn - mà Mỹ vừa cung cấp cho Kiev - có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 300km.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan xác nhận "số lượng đáng kể" tên lửa ATACMS tầm xa đã được chuyển tới Ukraine và nói "chúng tôi sẽ gửi thêm". 

Ông cho biết phía Ukraine đã cam kết chỉ sử dụng vũ khí này bên trong lãnh thổ Ukraine, chứ không nhằm vào lãnh thổ Nga.

Ukraine đã sử dụng ATACMS tầm xa ít nhất hai lần, một lần nhằm vào sân bay quân sự ở bán đảo Crimea hồi tuần trước và một lần khác nhằm vào quân Nga ở thành phố cảng Berdyansk giáp biển Azov trong tuần này.

Giới chức Nga tuyên bố sẽ trả đũa nếu Kiev nhận được tên lửa ATACMS tầm xa. Tuy nhiên trước đây Nga đã không leo thang đáng kể cuộc chiến sau khi đưa ra những cảnh báo tương tự về tên lửa hành trình Storm Shadow, tên lửa chống tăng và các vũ khí khác do phương Tây cấp cho Ukraine.

Ngày 25-4, Điện Kremlin tuyên bố việc Ukraine nhận được các tên lửa ATACMS tầm xa từ Mỹ về cơ bản sẽ không làm thay đổi kết quả "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga, và rằng chính Ukraine sẽ gặp nhiều vấn đề hơn nữa.

Nếu Ukraine nhận từ 2 năm trước

Sau khi xuất hiện thông tin Ukraine tuần trước đã sử dụng các tên lửa ATACMS tầm xa để tấn công sân bay quân sự Nga ở Crimea, các chính khách Mỹ ủng hộ việc gửi vũ khí tiên tiến cho Ukraine đã ca ngợi năng lực của chúng.

Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) - Ảnh: AFP

Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) - Ảnh: AFP

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker ngày 24-4 nói: "Những cuộc tấn công này một lần nữa đã chứng minh rằng Ukraine có thể giành chiến thắng trên chiến trường khi được cung cấp các công cụ phù hợp. Ukraine có thể nhắm mục tiêu vào mọi khí tài quân sự của Nga ở Crimea, gồm cả kho đạn dược và nhiên liệu quan trọng. Hãy tưởng tượng chuyện gì diễn ra nếu họ có những tên lửa này từ hai năm trước".

Hậu trường giằng co vụ Mỹ quyết định gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho UkraineHậu trường giằng co vụ Mỹ quyết định gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine

Từ đầu cuộc chiến Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói với Tổng thống Joe Biden rằng có một loại vũ khí mà ông cần hơn tất cả là tên lửa tầm xa ATACMS.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên