06/03/2024 11:46 GMT+7

Thành phố dễ thương - Kỳ 5: Nhẹ nhàng cho đi, chẳng nghĩ ngày nhận lại

15 năm làm thiện nguyện, hai lần lập nhóm từ thiện, nhưng đến giờ An Trần vẫn kiên định với những quyết định và con đường sẻ chia yêu thương mà mình đã chọn.

An Trần trao tặng tiền cho một đồng bào bị khiếm thị - Ảnh: NGỌC ÁNH

An Trần trao tặng tiền cho một đồng bào bị khiếm thị - Ảnh: NGỌC ÁNH

Phải đánh đổi nhiều thứ nhưng anh vẫn nhẹ nhàng cho đi mà không bao giờ nghĩ ngày nhận lại gì cho mình.

Chuyến đi định mệnh

Ban đầu, cứ nhìn cái tướng ốm yếu, lỏng khỏng của Trần Văn An (38 tuổi), trưởng nhóm từ thiện Liên Hoa Tâm, chẳng ai nghĩ anh lại là "thủ lĩnh" của nhiều chuyến đi từ thiện gần khắp cả nước.

Nhiều người quen vẫn chọc vui: "Chắc nhìn thấy nó ốm vậy nên nhiều người thương, cho tiền và ủng hộ làm từ thiện". An Trần chỉ cười.

Không ai có thể hình dung ra ngày xưa anh chàng như "dân nghiện" này từng là tài xế xe tải, luôn thủ "hàng" bên người để xử ai dám đụng đến mình. An Trần vui vẻ kể ngày trẻ, khi nghỉ học, anh đi phụ làm hồ rồi được những đàn anh quen biết dạy cho nghề lái xe.

Hơn 20 tuổi, anh là tài xế cho một công ty chuyên bán kính xây dựng tại quận Tân Bình (TP.HCM), chở hàng đi giao ở khắp cả nước.

Năm 23 tuổi, anh được giao chở hàng ra Đà Nẵng. Chuyến đi gặp sự cố dọc đường như điềm báo trước. Liên tục bể bánh xe, ghé đổ xăng cũng bị sự cố ba lần... khiến mấy ngày mà tài xế và hàng vẫn chưa đến nơi.

Rồi chuyện không muốn đến cũng xảy ra. Đang chạy xe, An Trần bỗng mất lái, lao xuống vực dưới chân cầu Phú Quý tại TP Phan Rang (Ninh Thuận). Mở mắt ra, anh thấy mình đã nằm ở bệnh viện, sau khi được người dân cứu đưa ra khỏi xe.

Sau sáu tháng được điều trị chân trái, anh lại tiếp tục lái xe đi giao hàng. Nhưng hai tháng sau, khi kiểm tra, chụp chiếu lại chân, anh tài xế trẻ bị sốc nặng khi nghe bác sĩ kết luận: "Hoại tử xương chân".

Trong suốt cả tháng nằm chờ phẫu thuật, anh chỉ có một ước muốn duy nhất: được tự đi vệ sinh một mình, dù có lết cũng được.

Nhìn quanh mình, thấy nhiều người nghèo khổ, bệnh tật từ các tỉnh khác đến, không có tiền ăn nói gì đến tiền viện phí, anh thầm nghĩ rằng nhất định sau này khi có điều kiện mình sẽ làm thiện nguyện, nhất là trị bệnh không lấy tiền.

An Trần ghé thăm một hộ nghèo ở vùng cao  - Ảnh: NGỌC ÁNH

An Trần ghé thăm một hộ nghèo ở vùng cao - Ảnh: NGỌC ÁNH

Làm từ thiện "không giống ai"

Sau khi được lắp xương chân nhân tạo, cơ duyên đến với An Trần khi công ty anh chuyển trụ sở xuống Long An, gần nhà của một người đàn ông hay làm từ thiện. Thế là cứ mỗi lúc rảnh anh sang nhà "sư phụ" để phụ việc. Khi thì đi chở đồ từ thiện, lúc lại phụ làm thuốc Đông y để cho người nghèo...

An Trần dần dần bị cuốn theo những việc thiện nguyện lúc nào không hay. Nhưng anh chỉ thật sự làm từ thiện nhiều hơn từ khi... làm chủ quán ăn chay trước chùa Giác Lâm (quận Tân Bình, TP.HCM) và lập nhóm từ thiện Những vòng tay nhỏ.

Anh nhớ lại: "Nhờ hai năm bán đó mà tôi có tiền để làm từ thiện và cũng kêu gọi mọi người hỗ trợ thêm. Ban đầu cũng chỉ mua được 50 hay 100 phần quà rồi đi trao cho người nghèo thôi nhưng nhớ lại ai cũng thấy vui cả".

Rồi quán nghỉ bán, nhóm từ thiện cũng ít duyên hội tụ. Không dừng lại, An Trần tiếp tục lập nhóm Liên Hoa Tâm và ngày càng dành thời gian làm thiện nguyện nhiều hơn. Thấy con suốt ngày chỉ đi làm thiện nguyện, ba mẹ và người thân đều lo lắng cho An Trần.

"Ba má vợ tương lai cũng cản, không muốn cho con gái quen tôi. Sau này, khi hết ngăn được, mẹ tôi bảo thôi thì cái nghiệp của nó, cứ để nó làm vậy...", An Trần cười nhẹ nhàng kể tiếp câu chuyện.

Duyên phận cưới được người vợ cùng chí hướng, An Trần nghỉ việc ở công ty cũ, chuyển sang lái taxi, muốn được tự do hơn về thời gian làm việc thiện. Anh hết đưa người nghèo đi khám bệnh, chở cấp cứu miễn phí đến chở đồ từ thiện...

Rồi ước mơ được chữa bệnh miễn phí cho mọi người của anh cũng được thực hiện khi học trung cấp y học cổ truyền xong, anh được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ, mở phòng trị liệu xoa bóp, bấm huyệt tại nhà (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Ai có lòng muốn hỗ trợ tiền sau khi điều trị anh đều từ chối, chỉ xin nhận đóng góp đó nếu có chuyến đi từ thiện.

Có không ít người bệnh nghèo đến điều trị còn được "thầy An" tặng thêm một ít tiền bồi bổ sức khỏe.

"Nếu tôi khó khăn thì tiền đó được trích từ quỹ của nhóm từ thiện. Nên quỹ hay bị âm là vậy. Chỉ có những người thân ruột thịt mới biết là vợ chồng tôi nghèo, chẳng có tiền. Nhưng bà con, họ hàng ai cũng nghĩ là làm gì vợ chồng tôi không "ăn tiền từ thiện", "mượn đạo tạo đời", An Trần tâm sự.

Những chuyến đi "khó có lần thứ hai"

Mỗi năm, An Trần đều tổ chức mấy chuyến từ thiện đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung. Ngoài quà từ thiện trao tặng cho đồng bào nghèo, trẻ em, An Trần đều mời nhiều lương y mình quen đi cùng để khám bệnh và phát thuốc Đông y cho người nghèo vùng sâu vùng xa.

Những người thiện tâm muốn đi góp sức nhưng nghèo, không có khả năng góp tiền xe cũng được An Trần hoan hỉ, không thu tiền.

Đặc biệt, chuyến đi nào đoàn cũng tiết kiệm, hạ trại, tự nấu nhanh "dã chiến" một vài món chay cho cả đoàn cùng ăn. Đêm đến, cả đoàn ngủ ở hội trường ủy ban xã hay tại trường học, sau khi phân quà cả đêm, chuẩn bị cho việc trao quà cho bà con vào sáng hôm sau.

An Trần thuê xe chở hàng mấy chục tấn hàng từ thiện gồm quần áo cũ, mì gói, gạo, áo ấm, nước tương... và cùng lo cho nhiều thành viên trong đoàn là một trọng trách không nhỏ, nhất là đến những vùng núi, đường nhỏ và xấu, xe lớn khó vào.

Như vào tháng 3-2023, đoàn Liên Hoa Tâm đến xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vào lúc 4 giờ chiều. Xe tải không thể vào điểm phát quà cách đó gần 20km, An Trần hết thuê xe tải nhỏ đến buộc phải thuê xe ben chở hàng vào do đường sụt lún, không như lần đi tiền trạm. Mãi đến tận sáng hôm sau mới chuyển hàng xong.

"Nhiều người nói chở chi cho nhiều đồ, đi nhiều người cho cực. Chỉ cần trao một ít quà, thêm chút tiền, cho gọn nhẹ rồi chụp hình đưa lên mạng là cũng đã kêu gọi người ta góp tiền được rồi.

Nhưng tôi không nghĩ vậy. Mình cố một chút thì bà con có được thêm chai dầu ăn, bịch bột ngọt... Gặp nhau lần đó chắc gì có cơ hội gặp lần sau nên cố được cứ cố thôi", An Trần giải thích cho chuyện "cố quá" của mình.

Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, gặp được nhiều người hữu duyên giúp mình làm thiện nguyện 15 năm qua, An Trần nghĩ làm từ thiện là "duyên" của cuộc đời mình. "Tôi sẽ làm từ thiện khi còn có nhiều nhà hảo tâm ủng hộ mình, sẽ thuận theo duyên vậy. Chứ giờ tôi cũng không thể nói trước được con đường mình sẽ đi", An Trần nhẹ nhàng trải lòng.

Tâm sự xong, anh chàng tài xế này lại đi chở quần áo cũ của một người quen đưa về kho, dù lúc này đã hơn 21 giờ tối. Anh đã hứa sẽ tiếp tục đem áo ấm lên cho trẻ thơ vùng cao đang mùa rét buốt...

Chuyện "ăn bờ, ngủ hội (trường)" là quá quen thuộc với những ai đi làm thiện nguyện chung với An Trần.

Nhưng lạ một điều là nhiều người, có cả những cụ U80 đi lần đầu rồi lại tiếp tục tham gia chuyến thứ hai, thứ ba... và giờ không nhớ là đã đi bao nhiêu chuyến. Có những lương y từ Hà Nội, Hòa Bình... nghe người quen kể về đoàn từ thiện của An Trần cũng vào để được đi cùng đoàn đến với đồng bào nghèo.

----------------

2 giờ sáng, Long trằn trọc chưa ngủ, chợt thấy màn hình điện thoại sáng đèn: "Có ai còn thức không, sang nhà số... giúp. Mẹ mình đau tim, khó thở cần cấp cứu, mà mình thì vừa rời nhà về quê". Long bật dậy. "Có, tôi còn thức. Tôi sẽ sang ngay".

Kỳ tới: Chung cư tối lửa tắt đèn có nhau

Thành phố dễ thương - Kỳ 4: Những gói bánh trao đi và gian hàng 0 đồngThành phố dễ thương - Kỳ 4: Những gói bánh trao đi và gian hàng 0 đồng

Sau Tết, thấy nhiều nhà ê hề thức ăn, bánh kẹo chưa dùng đến trong khi nhiều gia đình, trẻ em lại không có, một nhóm bạn trẻ thiện nguyện nhận quyên góp thực phẩm và trao đi với mong muốn chuyền tay niềm vui...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên