08/09/2016 08:37 GMT+7

Tín phiếu cứu đói và hạt gạo miền Nam

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Ngoài những bao gạo chia nhỏ, hoạt động cứu tế của những người tham gia cách mạng trước năm 1945 còn có nhiều cách đặc biệt khác.

Ông Hoàng Giáp kể về chuyện cứu đói năm Ất Dậu - Ảnh: Q.V.
Ông Hoàng Giáp kể về chuyện cứu đói năm Ất Dậu - Ảnh: Q.V.

 

“Năm 1945, để xoay được giấy phép vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc thì không chỉ nỗ lực mà còn là kỳ tích. Chính tôi đã run tay vì cầm lá phiếu 1.000 tấn gạo Nam kỳ” - dù đã ở tuổi 92, ông Hoàng Tấn Anh, tức Hoàng Giáp (một cựu binh chiến trường Điện Biên Phủ), vẫn nhớ mãi những ngày giúp đỡ đồng bào bị nạn đói năm Ất Dậu...

Những tờ tín phiếu

Ngoài những bao gạo chia nhỏ, hoạt động cứu tế của những người tham gia cách mạng trước năm 1945 còn có nhiều cách đặc biệt khác. Trong đó có hình thức vận động bán tín phiếu cho những người có điều kiện kinh tế để lấy tiền và gạo giúp đồng bào bị đói.

Ông Hoàng Giáp kể: “Một tối, ông Tạ Hoàng Cơ, người đã dẫn dắt tôi tham gia Việt Minh, hỏi: Chú có thể vận động các cô bác trong nhà ta mua tín phiếu lấy tiền cho tổ chức hoạt động và cứu đói không? Tôi gật đầu, cầm mấy tờ tín phiếu trị giá 100, 500 và 1.000 đồng Đông Dương, và hứa sẽ cố gắng hết sức”.

Tìm đến nhà các người thân trong họ không đến nỗi đói kém, ông Giáp gợi chuyện yêu nước và nỗi khổ của đồng bào đang phải chịu chết dần chết mòn vì thiếu ăn.

Khi thấy người nghe tỏ thái độ đồng cảm, ông đặt vấn đề mua tín phiếu Việt Minh để ủng hộ phong trào cách mạng, mà trước là giúp đồng bào đang cần miếng ăn. Có người dè dặt, nhưng nhiều người đã ủng hộ ngay.

Chỉ sau vài hôm, ông Giáp đã bán được bốn tờ phiếu 500 đồng cho ông Trần Văn Loan - giám đốc Nhà bia Hommel, ông Lê Văn Ý - tham tá của Pháp ở phố Hàng Bạc, bà Cả Luân (ở Gia Ngư) và ông Hoàng Như Bách (ở phố Quán Thánh).

Nhắc nhớ câu chuyện khó quên này, ông Giáp cho biết ông Hoàng Như Bách còn chạy được một tờ công lệnh đặc biệt của Nhật cho phép vận chuyển 1.000 tấn gạo từ miền Nam ra Bắc.

“Phải khẳng định để có giấy phép vận chuyển lương thực vào thời điểm này là cả một kỳ tích, vì Nhật ban bố quân lệnh nghiêm cấm thông thương gạo giữa các vùng và kiểm soát chặt kho thóc gạo, để cung ứng cho quân đội của chúng.

Chính vì vậy, miền Nam dư thóc để đốt lò nhà máy điện trong khi dân miền Bắc lại chết đói”, ông Giáp nói.

Cha ông Bách là ông Hoàng Như Cảnh, tuần phủ Quảng Yên, rất có cảm tình với phong trào yêu nước, khai dân trí. Ông Bách được cha mình cho theo phong trào Đông Du, qua Nhật học, nên khi về nước sử dụng được tiếng Nhật lưu loát.

Ông Bách đã liên lạc với giới chức Nhật ở Hà Nội và xoay được một công lệnh của Cục quản lý ngũ cốc Bắc kỳ cho phép vận chuyển 1.000 tấn gạo cho miền Bắc rồi trao cho ông Giáp.

Ông Giáp bí mật trao lại nó cho ông Tạ Hoàng Cơ. Sau đó, giấy phép này được bán lại cho một thương nhân người Hoa, chủ hãng buôn Hợp Hinh Xương ở Hải Phòng, để đổi lấy tiền, gạo giúp đỡ phong trào cách mạng và đồng bào đang bị đói kém...

Nhân dân miền Nam vận động cứu tế miền Bắc - Ảnh tư liệu của T.Đ.T.
Nhân dân miền Nam vận động cứu tế miền Bắc - Ảnh tư liệu của T.Đ.T.

Chuyển gạo miền Nam ra Bắc

Ở Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Bửu Triều vẫn còn nhớ rất rõ ngay từ trước thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã có một phong trào sinh viên “Nam tiến” để kêu gọi miền Nam cứu đói đồng bào đất Bắc.

Các sinh viên ở Việt Nam học xá như Trần Văn Khê, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Cửu Kiến, Lưu Hữu Phước... rời Hà Nội, về Sài Gòn diễn thuyết, biểu diễn văn nghệ kêu gọi quyên góp giúp đồng bào miền Bắc đang gặp thảm nạn.

Ở Sài Gòn, một ban cứu tế được thành lập do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm trưởng ban, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch phó ban. Nhiều địa phương khác như Rạch Giá, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ... đều có ban cứu tế riêng.

Mặc dù đồng bào Nam bộ rất nhiệt tình đóng góp, nhưng thời gian đầu hạt gạo miền này ra Bắc gặp rất nhiều khó khăn.

Tháng 3-1945, quân đội Nhật sau đảo chính Pháp ở Việt Nam đã cản trở thông thương lúa gạo quy mô lớn nhằm kiểm soát lương thực phục vụ chiến tranh.

Ngoài trưng thu lương thực lập kho dự trữ khổng lồ riêng, quân Nhật và Pháp ở Sài Gòn còn sử dụng chính lúa chưa xay xát đốt thay than chạy nhà máy đèn.

Một lượng lúa rất lớn từ miền Tây Nam bộ chở lên Sài Gòn xay xát chuyển ra Bắc đã bị kẹt lại rồi bị đốt.

Trong khi đó, số gạo được cố gắng đưa ra Bắc bằng cả đường biển lẫn đường bộ đều gặp trở ngại do bị máy bay Đồng minh ném bom cản phá. Không quân Mỹ nghi ngờ đó là phương tiện vận chuyển hậu cần của Nhật.

Ông Trần Cửu Kiến, một sinh viên ở Việt Nam học xá về lại Sài Gòn bằng đường sắt để kêu gọi cứu đói, kể lại: “Trước kia xe lửa chạy từ Hà Nội về Sài Gòn hoặc ngược lại, gọi là tàu suốt hay tàu nhanh, chỉ có 40 tiếng. Tuy nhiên, do sợ máy bay Đồng minh nên xe lửa chỉ chạy ban đêm, còn ban ngày thì lủi vào dưới các bóng cây, nên tàu nhanh trở thành tàu chậm”.

Theo ông Trần Cửu Kiến, sau Cách mạng Tháng Tám, việc miền Nam giúp đỡ đồng bào miền Bắc bị đói mới có hiệu quả rõ rệt. Lúc này, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm trưởng Ban cứu tế thay bác sĩ Thinh.

Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Trần Văn Giàu soạn diễn văn kêu gọi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn quyên góp cứu đồng bào miền ngoài.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Phượng trẻ, đẹp, ăn nói có duyên, con của một lương y nổi tiếng ở Sài Gòn, được cử lên đọc diễn văn thu hút sự chú ý của đồng bào về thảm nạn miền Bắc.

Đó là một đêm hội kháng chiến ở chợ Đệm, Trung Quận (nay là Bình Chánh), thu hút gần cả ngàn người đến tham dự, gồm nhiều trí thức, công chức, nhà buôn, công nhân, nông dân...

Cô giáo Phượng chưa dứt lời thống thiết, bên dưới đã có tiếng khóc vì người dân quá xúc động. Nhiều người quyên góp ngay tại chỗ tiền mặt, vàng bạc.

Không chỉ tập trung ở thành phố, phong trào quyên góp lúc ấy lan rộng ra khắp miền Nam. Ông Trần Cửu Kiến kể: “Theo lời bác Dương Quang Đông, tức Năm Đông, kể lại trưa 25-8-1945, Xứ ủy Nam bộ họp bàn thấy có hai việc lớn phải làm ngay: cứu đói miền Bắc và rước tù chính trị từ Côn Đảo về.

Bác Năm Đông kể rằng Xứ ủy phân công bác Năm Đông phụ trách cứu đói, vì bác đã hoạt động khắp 21 tỉnh Nam kỳ nên quen biết nhiều. Bác gọi điện cho các tỉnh lo cứu đói miền Bắc và rước tù chính trị.

Riêng Trà Vinh, đồng chí Hồ Văn Biện, thường vụ Tỉnh ủy, tổ chức nhiều chiếc ghe biển lớn chở gạo ra miền Bắc, nơi nào cho ghé vào thì ghé, từ Thuận An trở ra. Bác Năm còn nhớ tên các chủ ghe và tên các ghe như Quốc Trì, Bạch Hổ, Thăng Long...”.

Về lượng gạo của vựa lúa miền Nam gửi giúp đồng bào miền Bắc, cuốn lịch sử Tây Nam bộ kháng chiến tập 1 (1945 - 1954) viết: Một trong những việc đầu tiên của chính quyền cách mạng các tỉnh là tịch thu kho lúa trong các đồn điền của thực dân Pháp trước kia, kho lúa của Nhật lập ra ở Sóc Trăng và vận động các điền chủ, người giàu có để cấp gạo cứu trợ cho các hộ đang thiếu đói.

Các tỉnh miền Tây còn gửi gạo ra Bắc bộ và Bắc Trung bộ để tham gia khắc phục hậu quả khủng khiếp ở ngoài ấy...

Việc gửi gạo ra Trung và Bắc bộ chỉ được thực hiện trong hơn một tháng. Đến tháng 9-1945, Pháp gây chiến thì việc này bị tắc nghẽn. Tính ra trong hơn một tháng, số gạo gửi ra qua đường sắt là hơn 30.000 tấn và đường thủy là 16.000 tấn...

_________

Kỳ tới: Nhiệm vụ sinh tử: phá kho thóc

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên