20/02/2022 08:24 GMT+7

Tổng thống Mỹ tiếp tục quả quyết Nga sẽ tấn công Ukraine

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Căng thẳng biên giới Ukraine - Nga nóng trở lại khi Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa quả quyết ông tin là Nga sẽ tấn công Ukraine trong "tuần tới, những ngày tới" thay vì tìm giải pháp ngoại giao.

Tổng thống Mỹ tiếp tục quả quyết Nga sẽ tấn công Ukraine - Ảnh 1.

Người dân ở vùng Donetsk lên xe đi di tản ngày 19-2 - Ảnh: REUTERS

“Dù sao thì họ cũng sẽ trừng phạt (Nga). Dù họ có lý do, chẳng hạn liên quan đến các sự kiện ở Ukraine, hoặc không có lý do thì họ cũng sẽ tìm ra một cái”

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tuyên bố được ông Biden đưa ra chiều 18-2 sau khi điện đàm với Canada, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Romania, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vài giờ trước đó, phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine cho sơ tán dân thường ở khu vực này.

Bảo vệ đồng minh

"Chúng tôi có lý do để tin các lực lượng Nga có kế hoạch và ý định tấn công Ukraine trong tuần tới, trong những ngày tới. Vào thời điểm này, tôi tin ông ấy đã đưa ra quyết định (tấn công)", ông Biden phát biểu tại phòng Roosevelt của Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ khẳng định Nga sẽ nhắm vào mục tiêu là thủ đô Kiev của Ukraine.

Khi được hỏi làm sao biết trước điều này, ông Biden nói Mỹ có "năng lực tình báo đáng kể". Tờ New York Times cho rằng phát biểu của ông Biden là tín hiệu rõ nhất về nguy cơ xảy ra cuộc xung đột có thể lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, một số quan chức phương Tây trước đó dẫn nguồn tin tình báo Mỹ dự đoán Nga sẽ tấn công Ukraine ngày 16-2 nhưng điều đó đã không xảy ra.

Tổng thống Mỹ còn cho rằng những thông tin về việc các lực lượng Ukraine nã pháo vào vùng Donbass, vụ đánh bom một trường mẫu giáo Ukraine hay một số vụ nổ khác là những "mồi lửa" được Nga dàn dựng để lấy cớ tấn công, điều mà Washington đã cảnh báo "từ những tuần trước".

Ông Biden khẳng định dù Mỹ sẽ không gửi quân đến Ukraine nhưng Washington sẽ bảo vệ lãnh thổ của NATO và các đồng minh, cùng các đồng minh trừng phạt kinh tế Nga. Dù vậy, ông Biden nói Mỹ sẵn sàng đàm phán đến phút cuối.

"Việc ông Biden dự báo (Nga tấn công Ukraine) là một sự thay đổi đáng kể. Ông ấy dựa vào những đánh giá nào thì chúng ta không thể biết chắc (nhưng) ông ấy hẳn cũng thấy vẫn còn khả năng đàm phán để giải quyết khủng hoảng", cây viết Alan Fisher của Đài Al Jazeera bình luận.

Đổ lỗi ở Donbass

Vài giờ trước khi ông Biden phát biểu, phe ly khai thân Nga ở đông Ukraine nói có bằng chứng cho thấy quân đội Ukraine sắp mở cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực này và ra lệnh sơ tán người dân ở hai vùng Lugansk, Donetsk. Ukraine phủ nhận thông tin đó.

Trong ngày 18-2, phe ly khai và chính quyền Ukraine cũng đổ lỗi cho nhau về các vụ nổ ở Donbass. "Các cuộc pháo kích quy mô lớn của Ukraine vào lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk đã bắt đầu. Chỉ trong những ngày gần đây, quân đội của chúng tôi đã chặn một số nỗ lực tấn công khủng bố của các cơ quan đặc nhiệm Ukraine", Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Denis Pushilin, lãnh đạo lực lượng ly khai tại Donetsk, nói.

Phía Kiev khẳng định phe ly khai đã hơn 60 lần vi phạm lệnh ngừng bắn trong 24 giờ và cáo buộc lực lượng đặc nhiệm Nga đã cài chất nổ ở một số cơ sở hạ tầng tại Donetsk. Ngược lại, truyền thông Nga đưa tin về hai vụ nổ ở Luhansk và chiếc xe của một lãnh đạo vùng Donetsk phát nổ.

Nói về tình hình Donbass, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo đây là "những thông tin rất quan ngại" và có thể là "rất nguy hiểm". Trong khi đó, Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin khẳng định Matxcơva sẵn sàng bảo vệ công dân tại đây. Nga đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc sắp tấn công Ukraine và đưa ra những đề xuất hạ nhiệt với phương Tây, bao gồm yêu cầu vĩnh viễn không kết nạp Ukraine vào NATO.

Không chỉ ở biên giới Ukraine - Nga, căng thẳng cũng lan sang nhiều vấn đề khác. Ngày 19-2, Đại sứ quán Nga tại Mỹ chỉ trích cáo buộc của Mỹ về việc Nga đứng sau cuộc tấn công mạng vào các trang web ngân hàng và Chính phủ Ukraine là vô căn cứ. 

Còn tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng nhóm G20, Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin cho hay Nga và Trung Quốc cũng phản đối việc đưa vào tuyên bố chung nội dung cảnh báo "những căng thẳng hiện tại" có thể đe dọa kinh tế toàn cầu.

Những ngày qua, thành phố Lviv của Ukraine đã trở thành nơi "tạm trú" của nhiều nhà ngoại giao phương Tây. Theo báo Washington Post, ít nhất 5 nước, bao gồm Mỹ và mới đây nhất là Anh, đã dời một phần hoạt động ngoại giao về Lviv, cách Kiev khoảng 560km và gần biên giới Ba Lan.

Nga tập trận hạt nhân chiến lược

Chỉ vài ngày sau khi thông báo rút một số lực lượng gần biên giới với Ukraine, ngày 19-2 Nga bắt đầu cuộc tập trận hạt nhân chiến lược theo chỉ đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điện Kremlin cho biết Nga đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo, hành trình và siêu vượt âm mới nhất trong khuôn khổ cuộc tập trận đã lên kế hoạch này.

Truyền hình Nga phát các hình ảnh cho thấy ông Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngồi trong "trung tâm tình huống" ở Điện Kremlin để theo dõi cuộc tập trận. Bộ Quốc phòng Nga nói cuộc tập trận này có sự tham gia của gần như tất cả quân chủng nước này.

BẢO ANH

Donetsk cho biết có thường dân bị thương do pháo kích của Ukraine Donetsk cho biết có thường dân bị thương do pháo kích của Ukraine

TTO - Một nguồn tin của Sputnik cho biết một quả đạn pháo có thể đã phát nổ trên lãnh thổ quận Tarasovsky của vùng Rostov, cách biên giới giữa Liên bang Nga với Ukraine 1km.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên