09/03/2023 08:40 GMT+7

Trung Quốc: 'Dám đấu tranh' thay 'ẩn mình chờ thời'

"Dám đấu tranh" dường như đã trở thành khẩu hiệu mới của Bắc Kinh, thay cho chủ trương lâu dài "ẩn mình chờ thời" có từ thời nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.

Ông Tần Cương phát biểu trong chuyến thăm một trường học ở thành phố Dallas, bang Texas (Mỹ) vào tháng 5-2022, khi ông còn là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - Ảnh: China News Service

Ông Tần Cương phát biểu trong chuyến thăm một trường học ở thành phố Dallas, bang Texas (Mỹ) vào tháng 5-2022, khi ông còn là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - Ảnh: China News Service

Cuộc họp báo về chính sách đối ngoại của ngoại trưởng Trung Quốc là một trong những sự kiện nổi bật của kỳ họp "lưỡng hội" hằng năm. Tại cuộc họp báo ngày 7-3, ông Tần Cương - người vừa thay ông Vương Nghị làm ngoại trưởng Trung Quốc được hơn hai tháng - đã nhắc nhiều tới Mỹ với những thông điệp đáng chú ý.

"Nếu gặp sói sẽ đối đầu"

Cuộc họp báo tại kỳ họp "lưỡng hội" năm nay là lần đầu tiên sau ba năm ngoại trưởng Trung Quốc gặp trực tiếp báo chí, cũng là cuộc họp báo đầu tiên của ông Tần trên cương vị ngoại trưởng. Trong vòng 114 phút, ông Tần đã trả lời tổng cộng 14 câu hỏi, trong đó giải thích mục tiêu và nhiệm vụ ngoại giao của Trung Quốc, đồng thời thể hiện rõ lập trường của nước này về quan hệ nước lớn, ngoại giao láng giềng và các vấn đề nóng.

"Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra, đó là tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi, để theo đuổi mối quan hệ lành mạnh và ổn định với Mỹ", ông Tần nêu rõ trong họp báo. Ông cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng các cam kết của mình và hợp tác với Trung Quốc một cách hài hòa vì lợi ích hai nước và thế giới.

Một số người cho rằng việc ông Tần trở thành ngoại trưởng Trung Quốc là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang rời xa "ngoại giao chiến lang" và áp dụng cách tiếp cận mềm mỏng hơn trong chính sách ngoại giao của mình, nhất là trong quan hệ với Mỹ. Tháng 3-2021, Trung Quốc thậm chí từng đem "ngoại giao chiến lang" đến Alaska (Mỹ) trong cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung.

Khi phóng viên báo Straits Times hỏi có phải lúc này Trung Quốc sẽ áp dụng cách tiếp cận mềm mỏng hơn hay không, ông Tần dẫn lại một câu nói của Khổng Tử: "Dụng thiện hành hồi báo thiện hành" (Dùng hành động tốt để đáp lại hành động tốt).

Ông Tần nhấn mạnh: "Trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc không thiếu thiện chí và lòng tốt. Nhưng nếu phải đối mặt với chó rừng hoặc sói, các nhà ngoại giao Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối đầu trực diện với chúng và bảo vệ tổ quốc mình".

Rạn nứt Mỹ - Trung càng lớn

Quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã leo thang trong vài năm qua với việc Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump tung ra nhiều đòn thuế quan nhằm vào Bắc Kinh.

Gần đây hơn, chính quyền Tổng thống Joe Biden nhận định nước Mỹ đang trong một cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và Washington đã hạn chế các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với các đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn. Mỹ cũng đang củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác để kiềm chế ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh, theo Đài CNN.

Bà Shannon Tiezzi, chuyên gia về Trung Quốc và hiện là tổng biên tập của tạp chí The Diplomat, nhận định trong bối cảnh Bắc Kinh thấy được con đường phát triển liên tục của họ đang đối diện với mối đe dọa ngày càng tăng, "dám đấu tranh" dường như đã trở thành khẩu hiệu mới, thay cho chủ trương "ẩn mình chờ thời" của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.

Báo cáo của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội 20 vào tháng 10 năm ngoái từng gây chú ý với cụm từ "dám đấu tranh, giỏi đấu tranh", được coi là nguyên tắc định hướng cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong "kỷ nguyên mới".

Một bài viết đăng trên Nhân Dân Nhật Báo sau Đại hội 20 đã mô tả khái niệm "dám đấu tranh" là "thể hiện sự không sợ hãi". Theo tờ báo này, khi đối mặt với những rủi ro lớn và những đối thủ hùng mạnh, việc luôn muốn trải qua những ngày yên bình và không muốn đấu tranh là chuyện phi thực tế.

Tạp chí Diplomat nhận định phần lớn cuộc đấu tranh nói trên sẽ nhằm vào nước Mỹ. Bởi vì như Ngoại trưởng Tần Cương đánh giá, Mỹ "muốn kiềm chế và chèn ép Trung Quốc trên mọi phương diện và khiến hai nước bị cuốn vào một trò chơi có tổng bằng không".

"Nếu Mỹ không hãm phanh mà tiếp tục tăng tốc trên con đường sai lầm, thì không có hàng rào bảo vệ nào có thể ngăn chặn sự trật bánh và chắc chắn sẽ có xung đột và đối đầu", ông Tần cảnh báo. Trong khi đó bình luận trên tờ Washington Post ngày 8-3, cây bút Ishaan Tharoor cho rằng vết rạn nứt Mỹ - Trung sẽ chỉ ngày càng lớn hơn.

Mỹ không muốn xung đột với Trung Quốc

Ngày 7-3, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby dường như đã bác bỏ các tuyên bố của Bắc Kinh sau bài phát biểu của ông Tần Cương, theo báo Washington Post.

"Chúng tôi muốn một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc nhưng chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Chúng tôi nhắm đến việc cạnh tranh và giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đó với Trung Quốc. Chúng tôi hoàn toàn chỉ muốn duy trì nó ở cấp độ đó", ông Kirby nhấn mạnh.

Trung Quốc: ‘Bàn tay vô hình’ ở Ukraine, Nga: "Không vô hình, bàn tay Mỹ đó"Trung Quốc: ‘Bàn tay vô hình’ ở Ukraine, Nga: 'Không vô hình, bàn tay Mỹ đó'

"Có lẽ ở chỗ này chúng tôi không đồng ý với những người bạn Trung Quốc. Không có bàn tay vô hình nào. Thực chất, khá rõ ràng, đó là bàn tay của Mỹ, bàn tay của Washington" - phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói nửa đùa nửa thiệt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên