02/02/2023 10:33 GMT+7

Về với má nghe con

Mấy mươi năm xa quê là chừng ấy tháng ngày đượm nhớ. Nỗi nhớ ấy khi cụ thể, rõ ràng khi lờ mờ xa khuất. Nó bám riết trong tâm trí tôi hình ảnh má xiết bao gần gũi, thân thương.

Về với má nghe con - Ảnh 1.

Lặng lẽ đón xuân của bà mẹ quê - Ảnh: HỮU HẠNH

Một má già lui cui, lụm cụm bên những lọn khói đùn quanh chái bếp sau cơn mưa rỉ rả lúc chiều buông. Cái khăn vắt vai chậm hoài chưa khô nước mắt, bàn tay sạm nắng, móng tay khuyết mòn theo năm dài tảo tần khuya sớm nuôi con. 

Khói làm bạn với má gần như suốt cả đời người, nó vờn bay, đùa giỡn, ve vuốt an ủi bà lão thích nấu cơm bằng củi lửa để giữ nếp nhà xưa. Mùi cơm cháy thơm ngon, giòn rụm là hương của hạt gạo quê nghèo, chan thêm vị mặn mồ hôi má nuôi tôi khôn lớn. 

Nhưng có lẽ giọt nước mắt lặng lẽ rơi của má những lúc ngồi bên mâm cơm trống vắng mới là mạch suối nguồn chảy mãi trong lòng khiến tôi xốn xang, ray rứt mãi không thôi. 

Cứ nhắc đến là sống mũi cay cay, là quay quắt nhớ. Tự lúc nào chẳng rõ tôi ấp ôm một nỗi niềm chưa dám bày tỏ cùng ai, là được trở về quê xứ vùi vào mùi đất thẳm sâu bên má.

Ai cũng có một miền quê để gửi gắm bao điều da diết ấy. Ai cũng có một mái nhà dù có đi đâu cũng đau đáu muốn trở về. 

Nơi lúc nào cũng có người mẹ dang rộng vòng tay ôm con cháu vào lòng cho thỏa nhớ mong, rồi nhìn chúng quây quần sau những cuộc đi xa, dầu dãi. Trái tim má là ngọn lửa than nồng ủ kín trong tro sưởi ấm các con mỗi khi gặp mưa sa, giá rét. 

Má sống gần trọn trăm năm trải qua những đói nghèo vất vả, không lời kêu than cả khi không có ba bên cạnh sẻ chia. Má âm thầm chịu đựng để các con hiểu trọn vẹn ý nghĩa của buổi tương phùng.

Nếu đến một ngày má phải rời xa, lòng bao dung là bài học má dạy tôi làm người nhân hậu. Má không rầy trách đứa con nào cả. Với má, tụi nó là núm ruột má rứt ra trong đớn đau mà ngập tràn hạnh phúc. 

Hồi nhỏ tụi nó không trách má thiếu sữa khi hết gạo không đủ cơm ăn thì bây giờ nó phải bươn chải với đời lẽ nào má lại trách mắng. Má rưng rưng nắm tay từng đứa con như sự níu giữ không muốn rời khi tụi nhỏ sắp "thưa má con đi", má dụi mắt "tụi bây đi rồi biết khi về có còn gặp má?".

Lần nào về thăm, má cũng làm trái tim tôi lỗi nhịp. Tôi biết bất cứ cuộc trở về nào cũng mang nhiều cảm xúc, bâng khuâng. Vui buồn gì cũng nước mắt chứa chan nên bịn rịn không nỡ rời xa má. Bởi sau mỗi cuộc sum vầy đều có giây phút chia tay.

Về với má nghe con!

Chỉ một câu nói đó thôi đã làm trái tim tôi vụn vỡ. Lòng có cứng rắn đến đâu cũng tan chảy bởi quá đỗi yêu thương nghe đến đã nghẹn ngào. Nó mãi theo tôi suốt cuộc đời được làm con của má. Người mẹ hiền từ, rộng lượng của tôi. 

Tôi không biết má học từ đâu vì má mồ côi từ tấm bé. Má học ở trường làng, đủ biết đọc chữ, ký tên. Có lẽ trường đời đã dạy má từ những bất công từng nếm trải! Má thua thiệt ở chợ đời đầy cay đắng tìm mãi chỉ thấy hai chữ bất nhân. 

Nhưng đâu đó vẫn có người thiện lương trong cuộc sống. Má cô đơn giữa cuộc đời cho đến lúc gặp ba. Ba cũng mồ côi như má. Hai người cùng hoàn cảnh đã tìm thấy sự đồng cảm mà thương. Ba đi làm thuê, má đi làm mướn nuôi các con khôn lớn thành người. 

Bảy mươi năm bên nhau chia sẻ những cay đắng, ngọt bùi, đến giờ vẫn còn đồng hành chưa chịu buông tay ra đó. Một ông cụ hơn chín mươi chân yếu tay run mỗi bữa đút cơm cho bà lão tròn chín chục ngồi yên một chỗ. 

Những bình dị đời thường mà ta gọi là hạnh phúc có người tìm cả đời cũng không gặp được đâu. Thỉnh thoảng má chọc ba "anh ơi rót giùm em ly nước". Ông nghễnh ngãng tai "hả hả gì vậy mình?". Cả nhà cùng cười biết má tếu táo cho ba vui, vì "má thấy ổng chăm má cực quá".

Tình yêu chung thủy, mặn nồng có đất trời chứng giám. Còn gì bằng khi thấy ba má hạnh phúc đến trọn đời. Là tấm gương cho con cháu noi theo. Những lúc xa gia đình, xa ba má, nơi đất khách quê người để mưu sinh là sự đánh đổi cơ hội được gần bên má. 

Biết bao buồn tủi tôi cứ nén chặt vào lòng như khi xưa má từng chịu đựng. Cũng có lúc muốn chạy về vùi vào lòng má như thuở bé thơ rồi khóc ngon lành, tức tưởi để được má an ủi, dỗ dành. Má bao giờ cũng là chiếc phao cho con giữa dòng đời xô đẩy. 

Má là cứu cánh giúp con hồi sinh sau những vấp ngã. Tôi không muốn mình là đứa con bạc nghĩa, vong ân ngồi khóc nghẹn bên nấm mồ vừa yên nghỉ. Tôi muốn ôm má vào lòng để cảm nhận trọn vẹn ơn nghĩa sinh thành. May mắn thay đến từng này tuổi tôi được ẵm má đi tắm rửa, thay đồ, đổ bô, thay tã. 

Giây phút ấy đâu phải ai trong đời cũng được đặc ân chăm sóc mẹ. "Con ơi! Gội đầu giùm má đi!". Tại sao má nhờ chớ không ra lệnh? Má sợ phiền các con chăm má quá lâu rồi. Có đứa con nào từ chối "quyền" được trả hiếu mẹ cha đâu! Má ngồi cho tôi tắm gội mà thấy lấp lánh một niềm vui trọn vẹn.

Năm nay, gia đình tôi có một ngày họp mặt đầy đủ nhất. Ý nghĩa nhất. Tất cả con cháu dâu rể đã tề tựu quây quần bên ba má, làm một tiệc nho nhỏ mừng thượng thọ cho ông bà. Đó là ước nguyện của chúng tôi dành tặng đấng sinh thành. Đâu ai biết còn có lần sau nữa? 

Nên ba má không đành lòng từ chối các con mình. Ngọn lửa than âm ỉ kia đang sắp lụi tàn. Bỗng má cầm tay tôi, rồi nói: "Về với má nghe con!". Phải chăng? Tôi nghe chấp chới một niềm đau. Không ai chờ đợi giây phút má buông tay! Tôi đã trở về!

Cảm ơn hơn 430 bạn đã gửi bài Về nhà

Tính đến ngày 2-2, cuộc thi đã nhận được hơn 470 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.

BAN TỔ CHỨC

Về với má nghe con - Ảnh 3.

Yêu thương ngày cũ vẫn còn đâu đâyYêu thương ngày cũ vẫn còn đâu đây

Ba mẹ tôi đông con cháu mà giờ tứ tán khắp nơi. Đứa mải lo cơm áo, người theo nghiệp sách đèn; đứa cuốn theo áo cơm trôi tận Đà Nẵng, Sài Gòn, người bạc màu áo với ruộng vườn chốn quê.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên