Cơ hội nào cho Hà Nội?

PHẠM QUANG VINH 21/09/2018 02:09 GMT+7

TTCT - “The world is watching us” hay “Cả thế giới đang xem chúng tôi” là câu khẩu hiệu khá khiêu khích, nhưng rất đúng mà Malaysia đã sử dụng khi nói về giải đua xe F1 được tổ chức hằng năm ở nước này.

Toàn cảnh đường đua trên phố ở Singapore. Ảnh: F1 Fansite
Toàn cảnh đường đua trên phố ở Singapore. Ảnh: F1 Fansite

 

Tôi nhớ cảm giác của thành phố Kuala Lumpur những mùa đầu tiên tổ chức, hình ảnh F1 xuất hiện ở mọi quán bar, cà phê, tụ điểm công cộng. Chúng tôi gặp những thông tin kiểu như “Bạn có biết một tay đua sút đi bao nhiêu kilogram sau mỗi vòng đua?”, hay “Mỗi tay đua phải phanh bao nhiêu lần trong cả chặng đua và không lần nào được làm sai?”, hoặc “Lực tác động lên vai của các tay đua khi vào cua là bao nhiêu kilogram?”. Thành phố như một ngày hội, cổ động viên các đội đua có mặt ở mọi điểm công cộng.

Dù là nơi đầu tiên ở liên bang Malaysia tổ chức đua xe từ năm 1962 (khi đó Singapore vẫn còn là một bang của Malaysia), kể từ giải đua cuối cùng tổ chức ở trường đua Thomson Road năm 1974, quốc gia láng giềng Singapore đã “tránh xa” môn thể thao tốn kém này trong nhiều năm.

Khi Malaysia muốn đưa giải đua xe thường niên GP Malaysia đến Sepang và trở thành một chặng đua F1 vào năm 1999, tỉ phú người Singapore gốc Hoa Ong Beng Seng (Vương Minh Tinh) - chủ một công ty đầu tư vào khách sạn và nhiều ngành kinh doanh khác - đã được coi là người có đóng góp đáng kể để đem sự kiện thể thao danh giá ấy đến Sepang.

Khi chính quyền Singapore thấy lợi ích của việc đưa môn thể thao đắt đỏ và đình đám bậc nhất thế giới này quay lại, họ đã nhớ đến và cần những kinh nghiệm của Ong với GP Malaysia và quan hệ thân mật với ông chủ lớn của F1: tỉ phú Bernie Ecclestone.

Cái bắt tay của ông Ong và chính quyền Singapore cùng vai trò của nhà tỉ phú trong việc chắp nối với Ecclestone đã giúp Singapore đưa F1 trở lại. Lựa chọn tổ chức đua trên đường phố ở vịnh Marina vào ban đêm khiến Singapore nổi bật trên bản đồ của giải đua xe danh giá. Cả thế giới lại nhìn về những đường đua sáng đèn đêm đêm quanh vịnh Marina từ năm 2008, dù từ 15 chặng đua năm 1999 giờ đây đã lên tới 21 chặng mỗi năm và từ chỉ hai nơi tổ chức, châu Á giờ đã phủ kín bởi các GP F1 ở Trung Quốc, Azerbaijan, Bahrain...

Sau khá nhiều đồn đoán và dù báo chí nước nhà khá im tiếng, nhiều tờ báo nước ngoài từ cuối năm ngoái đã dè dặt nói về một chặng đua mới ở Hà Nội, Việt Nam. Đến gần đây thì có vẻ mọi thứ đã định hình rõ hơn khi tại họp báo của Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông báo Thường trực Chính phủ đã đồng ý để Hà Nội tổ chức giải đua xe F1, dự kiến ở khu vực Mỹ Đình, sử dụng ngân sách xã hội hóa.

Nếu được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam là quốc gia nghèo nhất trong số những quốc gia đang tổ chức hoạt động thể thao tốn kém này. Khi Malaysia tổ chức giải F1 đầu tiên ở Sepang năm 1999, nền kinh tế này có tổng sản phẩm quốc nội 79 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người hằng năm khoảng 3.500 USD (tương đương hơn 5.200 USD hiện tại). Việt Nam hiện có quy mô kinh tế khoảng 240 tỉ USD nhưng thu nhập bình quân đầu người hằng năm thấp hơn, khoảng 2.500 USD. Đối với Malaysia, sự “khỏe mạnh” của người khổng lồ Petronas cùng tầm nhìn quốc tế và những tham vọng của tập đoàn dầu khí quốc gia này là chỗ dựa cho giải đấu suốt 18 năm, cho đến giải cuối cùng vào năm ngoái (từ năm nay, Malaysia không còn tổ chức F1 nữa).

Ở Singapore, chính quyền tạo ra một mô hình hợp tác công tư để có được hoạt động thể thao tầm thế giới này. Một liên doanh giữa tỉ phú Ong với chính quyền đã đứng ra tổ chức và nguồn tiền thuế từ tăng giá khách sạn cùng các dịch vụ phát sinh nhờ cả trăm nghìn khách du lịch đến đảo quốc vì F1 được chính phủ sử dụng để bù đắp, còn tỉ phú Ong được đảm bảo một khoản lãi tối thiểu.

Việc này thật sự không đơn giản với Hà Nội. Chúng ta không có được một hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo để kết nối thành phố với khu vực Mỹ Đình và việc vận chuyển hơn 200.000 người xem (dự kiến) đến - rời khỏi điểm đua trong ba ngày cuối tuần thật sự là một thử thách lớn, lớn hơn cả việc bố trí để có đủ hơn 200.000 phòng khách sạn cho lượng khách tăng đột biến này...

Nhưng cơ hội tất nhiên là rất nhiều.

Trước hết là cơ hội để được giải những bài toán lớn, mà nếu giải được thì năng lực tổ chức, quản lý đám đông và các sự kiện thế giới sẽ được nâng lên. Chắc chắn Hà Nội sẽ sớm hấp dẫn không chỉ các sự kiện thể thao, mà cả văn hóa, giải trí nếu thành phố chứng minh được đủ năng lực tổ chức những hoạt động như vậy. Cơ hội nữa, có thể thấy ngay là phục vụ, bán hàng cho người xem và bạn bè, gia đình cùng đi, chia sẻ cơ hội với các tỉnh, thành lân cận là qua họ mang đến nhiều khách du lịch khác tới Hà Nội...

Có vẻ như cơ hội để Hà Nội thật sự có tên trên bản đồ F1 không phải là ảo tưởng. Cùng với F1, sẽ có nhiều thứ để có thể hi vọng và tôi nghĩ chính quyền Hà Nội thật sự đã có những nỗ lực đáng nể để mang F1 về Việt Nam. Có nhiều thứ đáng để trông chờ từ những quyết tâm như vậy. ■

Không dùng tiền ngân sách

Gần như chắc chắn giải đua xe F1 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2020. Toàn bộ kinh phí tổ chức cuộc đua hàng trăm triệu USD mỗi năm sẽ được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa. Tối 27-8, đoàn công tác của UBND TP Hà Nội do Chủ tịch Nguyễn Đức Chung dẫn đầu đã sang Vương quốc Anh để đàm phán về việc đăng cai tổ chức giải đua xe F1. Đi cùng với ông Chung có ông Tô Văn Động, giám đốc Sở VH-TT TP. Về phía ngành thể thao có ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, một người có mặt trong đoàn công tác cho biết tại cuộc làm việc ở Anh, hai bên đã ký các thỏa thuận bước đầu việc đưa F1 về Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả thông tin đến thời điểm này đang trong vòng bí mật. Dự kiến tháng 10 tới, UBND TP Hà Nội sẽ cung cấp thông tin cụ thể về sự kiện này. “Đưa F1 về Hà Nội là sự kiện thể thao chuyên nghiệp lớn và tốn kém nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam. Số tiền dự kiến bỏ ra mỗi năm để tổ chức cuộc đua F1 lên tới vài trăm triệu USD, nên chắc chắn phải có các doanh nghiệp mạnh đi cùng thì chính quyền mới có thể làm được...” - một người có trách nhiệm cho biết.

Sau khi khảo sát, ban tổ chức đã xác định địa điểm tổ chức có thể là khu vực trước sân vận động Mỹ Đình. Ngày 30-8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết theo Luật thể dục thể thao (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, thẩm quyền cho phép tổ chức các giải thể thao quốc tế, giống như F1, thuộc chủ tịch UBND tỉnh, TP. Mặc dù vậy, ông Mai Tiến Dũng cho biết sau khi UBND TP Hà Nội có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã đồng ý về chủ trương này. Hiện Thủ tướng giao Bộ VH-TT&DL, Bộ Kế hoạch và đầu tư đánh giá tác động, đặc biệt là dân cư tại nơi tổ chức dự kiến. “Tổ chức đua xe F1 tại Hà Nội sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa toàn bộ, không dùng tiền ngân sách để lo việc này” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

KHƯƠNG XUÂN

21 giải GP ở 21 thành phố 2018

1. Melbourne (Úc)

2. Sakhir (Bahrain)

3. Thượng Hải (Trung Quốc)

4. Baku (Azerbaijan)

5. Montmeló (Tây Ban Nha)

6. Monaco

7. Montreal (Canada)

8. Le Castellet (Pháp)

9. Spielberg (Áo)

10. Silverstone (Anh)

11. Hockenheim (Đức)

12. Mogyoród (Hungary)

13. Stavelot (Bỉ)

14. Monza (Ý)

15. Singapore

16. Sochi (Nga)

17. Suzuka (Nhật Bản)

18. Austin (Mỹ)

19. Mexico City (Mexico)

20. Sao Paulo (Brazil)

21. Abu Dhabi

Như vậy, có 7/21 GP diễn ra ở châu Á (tính cả Úc), 10 giải diễn ra ở châu Âu (bao gồm Sochi, Nga) và 4 ở châu Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận