Đà Nẵng - Thành viên mới của “câu lạc bộ” kẹt xe, tắc đường

HỮU KHÁ 19/02/2019 07:02 GMT+7

TTCT - Người dân các tỉnh miền Tây vừa phải đối mặt với tình trạng kẹt xe kinh khủng tại các tuyến quốc lộ, cầu, phà khi trở lại TP.HCM sau dịp lễ, tết. Còn tại các đô thị lớn, áp lực cũng đang đè nặng lên hạ tầng giao thông do lượng xe cộ tăng nhanh mà quỹ đất giao thông không tương ứng. Thiệt hại cho phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều giải pháp khả thi, và mỗi nơi đang loay hoay một cách.

Nguồn: Tổng hợp - Đồ họa: L.T.

Từng được xem là hình mẫu của đô thị với quy hoạch bài bản nhưng Đà Nẵng cũng đang bị đẩy vào vấn đề giao thông đô thị hóc búa nhất hiện nay: kẹt xe, tắc đường. Làm sao để “cứu” Đà Nẵng thoát khỏi bi kịch kẹt - tắc mà TP.HCM và Hà Nội đang chịu đựng?

Thời gian gần đây, tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng, nhất là vào giờ cao điểm. Một số tuyến phố như Yên Bái, Lê Lợi, Nguyễn Chí Thanh, Ngô Gia Tự, Hùng Vương, Hải Phòng, Lê Duẩn, Trần Phú... còn cho ôtô con đậu đỗ, xe du lịch lớn cũng được cho vào trung tâm TP, tất cả khiến giao thông ở những tuyến đường này trở nên hỗn loạn, kẹt cứng.

Ở đường Trần Phú hoặc các nút giao thông cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý (ở cả hai phía đông và tây), cầu Tuyên Sơn... lượng xe từ các trục đường đổ về quá đông, luôn gây ra cảnh xe cộ chen chúc vào lúc chiều tối. Một số tuyến đường trước đây khá thông thoáng như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên Giáp, nay người đi đường buộc phải chạy xe kiểu “rùa bò” vì mật độ xe cộ quá đông.

Chưa tận dụng không gian ngầm

Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kẹt xe bát nháo hiện nay là việc TP Đà Nẵng cho phép ôtô du lịch lớn vào trung tâm TP. Những xe này đón trả khách, đậu đỗ bất chấp Luật giao thông.

Theo ghi nhận của TTCT, vào giờ cao điểm, hàng trăm xe 45 chỗ tập trung đưa đón khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nhà thờ Chính Tòa (nhà thờ Con Gà), Trung Hưng Bảo Tòa gây tắc đường cục bộ.

Tại các tuyến phố có nhiều điểm tham quan du lịch và dịch vụ mua sắm dành cho khách như Hùng Vương, Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Thanh, trước Bệnh viện C Đà Nẵng... nhiều xe du lịch lớn đậu chiếm lòng đường và che khuất tầm nhìn của người đi đường.

Anh Nguyễn Hoàng, nhà ở đường Hùng Vương (gần Nhà hát Trưng Vương), phàn nàn: “Ngày thường cũng như ngày nghỉ, hàng chục chuyến xe du lịch qua lại quần thảo liên tục”.

Còn bà Nguyễn Thị Xuyến (đường Ngô Gia Tự) bức xúc: “Xe du lịch vô tư đón trả khách ngay giữa lòng đường hoặc đậu xe ngay trụ đèn đỏ nhưng không thấy công an hay thanh tra giao thông xử lý”.

Đà Nẵng hiện có khoảng 1,2 triệu người, trong đó gần 40% tập trung ở 2 quận Thanh Khê và Hải Châu. Mật độ đường cấp khu vực chỉ đạt từ 6,15 - 7,25 km/km2, so với quy định 10,5 - 14,5 km/km2. Trong khi đó, nhu cầu đi lại trên địa bàn 2 quận này rất lớn do tập trung nhiều hoạt động hành chính, thương mại - dịch vụ của TP.

Ông Lê Văn Trung, giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết hiện quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng rất hạn chế, nhất là khu vực trung tâm. Cộng thêm tình trạng dừng, đỗ xe tràn lan trên các tuyến phố chính... xảy ra thường xuyên, tất cả gây cản trở lớn tới giao thông đô thị TP.

“Theo dự báo, giao thông Đà Nẵng sẽ rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng trước năm 2020” - ông Trung lo lắng.

Cũng theo ông Trung, tỉ lệ đất dành cho giao thông ở Đà Nẵng thấp, phân bố không đều giữa các quận trung tâm và các quận ven, chưa có hệ thống đường vành đai và xuyên tâm hoàn chỉnh để kết nối vùng ngoại ô với trung tâm TP.

“Hầu hết các tuyến đường trong nội đô còn nhỏ hẹp, khoảng cách giữa các nút giao thông ngắn ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ di chuyển của xe cộ. Tỉ lệ đất dành cho đậu đỗ xe trong nội đô chỉ chiếm 0,2% diện tích đất đô thị và đáp ứng 2,6% nhu cầu”.

Những năm qua, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại TP Đà Nẵng đã và đang tạo ra áp lực rất lớn về hạ tầng. Quỹ đất bề mặt của TP lại gần như cạn kiệt, không gian xanh, không gian công cộng ngày một thu hẹp. Do vậy, việc phát triển đô thị phải hướng đến việc tận dụng cả chiều cao lẫn không gian ngầm của đô thị.

Nhưng hiện Đà Nẵng lại chưa thật sự quan tâm nhiều đến không gian ngầm, theo ông Trung. Và cũng vì chưa có quy hoạch tổng thể cũng như các quy định về phát triển, quản lý không gian ngầm nên khi nghiên cứu, đầu tư xây dựng các công trình ngầm (các tuyến metro ngầm, bãi đỗ xe ngầm...) đã phát sinh hàng loạt vấn đề, làm đau đầu các nhà tư vấn, đầu tư...

“Việc khai thác hợp lý không gian ngầm sẽ giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nguồn vốn đầu tư và hướng đến việc phát triển đô thị bền vững” - ông Trung nói.

Tính toán sử dụng đất hợp lý

Ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng, cho biết hiện tốc độ di chuyển các phương tiện bình quân giờ cao điểm tại Đà Nẵng chậm hơn 17 km/h, bằng với Hà Nội.

Xe buýt chỉ đáp ứng 2% nhu cầu đi lại. Điểm dở nhất trong công tác quy hoạch hiện nay của TP là chưa ưu tiên dành đất cho phát triển hạ tầng giao thông mà lại ưu tiên dành quá nhiều đất cho phát triển nhà ở.

Ông Trung cho biết từ nay đến năm 2025, TP sẽ xây dựng và thực hiện đề án kiểm soát việc phát triển phương tiện cá nhân (trong đó có xe máy) nhằm hạn chế xe cá nhân tham gia giao thông trên một số trục đường, một số khu vực trung tâm TP.

Hiện diện tích đất xây dựng đô thị của TP là 17.500ha, chỉ đủ sức chứa khoảng 1,3 triệu người. Điều đau đầu khác là TP phải tính toán việc sử dụng đất cho hợp lý.

Ông Trung cho biết TP đã dành quỹ đất để phát triển đất giao thông, đảm bảo đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông (giao thông động và giao thông tĩnh) phải đạt 15-20% đất đô thị (hiện nay 4,2%).

Trong khi đó, ông Vũ Quang Hùng, giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho rằng tình trạng quá tải giao thông tại các cây cầu kết nối đôi bờ Đông - Tây sông Hàn cần được nghiên cứu thấu đáo.

Ông đề xuất xúc tiến nghiên cứu giao thông công cộng nội đô và kết nối Hội An cùng với việc ban hành chính sách, lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc. Bên cạnh đó nghiên cứu đầu tư công trình giao thông ngầm, nút giao thông khác mức, tiến tới nghiên cứu không gian ngầm trung tâm đô thị.

Còn ông Lê Tự Gia Thạnh, viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP Đà Nẵng, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch mới phân lô tại các khu tái định cư theo hướng dành quỹ đất để bố trí các phân khu chức năng, khu vực công cộng, công viên đảm bảo tiêu chuẩn.

Ngoài ra cho phép được ghép các lô đất thành lô đất lớn, tạo điều kiện cho việc bố trí khu vực đậu đỗ xe, công trình công cộng tại nhà hàng, khách sạn...

Mục tiêu là đến năm 2030, đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông (bao gồm cả giao thông động và giao thông tĩnh) đạt bình quân 21m2/người với tỉ lệ khoảng 13% đất xây dựng đô thị.

Kiến trúc sư Bùi Huy Trí, trưởng phòng quản lý quy hoạch và phát triển đô thị Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết TP Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch về giao thông tĩnh, trong đó hơn 150 điểm đỗ xe và bãi đỗ xe, riêng quận Hải Châu là 22 điểm. Nhưng đến nay, số điểm đỗ xe được đầu tư chưa nhiều, nhất là khu vực trung tâm do quỹ đất hạn chế.

Hiện Sở GTVT đã kẻ vạch trên một số tuyến đường để đỗ xe, quy định đỗ xe theo ngày chẵn ngày lẻ... Đối với các công trình có quy mô lớn lâu nay khi cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng đều yêu cầu phải dành diện tích bãi đỗ theo đúng quy định. Đà Nẵng cũng đang triển khai chương trình xe buýt nhanh...■

Ông Huỳnh Đức Thơ (chủ tịch UBND TP Đà Nẵng):

Dành đất làm bãi đỗ xe

Bức xúc của người dân ở lĩnh vực giao thông là rất lớn và đang ngày càng gia tăng. Cả khu vực trung tâm mà chưa có một bãi đỗ xe. UBND TP đã chặn đứng việc bán các nhà công sản cho tư nhân và quy hoạch toàn bộ nhà công sản, kể cả khu vực đắc địa để làm bãi đỗ xe. Sắp tới một số khu phố, khu vực hạ tầng yếu kém cũng phải chỉnh trang giải tỏa, thu hẹp không gian lại để dành không gian phát triển công cộng, trong đó có bãi đỗ xe...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận