Liên minh Biển Đỏ và cuộc nổi loạn Houthi

SÁNG ÁNH 30/12/2023 07:08 GMT+7

TTCT - Mỹ vừa phải thành lập cả một liên minh quốc tế sau những mối đe dọa từ một nhóm nổi dậy vũ trang với tuyến hàng hải huyết mạch qua biển Đỏ.

Lực lượng Houthi đang gây nhiều xáo trộn với đường hàng hải trên Biển Đỏ. Ảnh: CNN

Lực lượng Houthi đang gây nhiều xáo trộn với đường hàng hải trên Biển Đỏ. Ảnh: CNN

Ngày 19-10, ba tên lửa từ Yemen bắn đi đâu không biết, bị chặn bởi hạm đội Mỹ đang tiến vào biển Đỏ. Sang 28-10, hai tên lửa cũng dạng vô chủ bay la đà rơi vào hai thị trấn của Ai Cập ven biển Đỏ giáp Israel khiến sáu người bị thương. 

Ngày 31-10 trong sa mạc Jordan có một trái rơi xuống phát nổ không gây thiệt hại. Sang 2-11, thị xã cực nam Israel Eilat bật còi báo động và cư dân nơi bờ biển hết sức yên lành này có dịp hiếm hoi tất tả xuống hầm trú ẩn.

Lực lượng phòng không sử dụng hệ thống Arrow chặn được hai tên lửa dạng máy bay không người lái (UAV) Samar 3 hay 4 gì đó, từ Yemen cách 2.000km bắn sang. 

Lực lượng Ansar Allah, còn gọi là Houthi, đang kiểm soát thủ đô cùng phần lớn lãnh thổ Yemen cho biết họ tuyên chiến trực tiếp với Israel, đánh thẳng luôn cả Mỹ chứ không qua tay sai nào hết, để tỏ lòng đoàn kết với Palestine.

Vũ khí đời mới

Khoảng cách giữa cảng Al Hudayda tại Yemen đến cảng Eilat của Israel là 2.000km. Vài ba năm trước, chuyện đánh một mục tiêu ở cách 2.000km khó cực kỳ. Nó đòi hỏi có chiến hạm đi xa, phi cơ oanh tạc từ mẫu hạm hay tiếp tế nhiên liệu trên không... Năm 1981, việc không quân Israel đánh lò hạt nhân tại Iraq cách 1.600km được coi là kỳ tích.

Giờ này, việc đó chỉ cần UAV dạng Samar mới nói, ráp tại chỗ với giá 10.000-15.000 USD. Động cơ một tên lửa Samar mua giá 1.000 USD trên mạng và có thể mang đầu nổ 20-25kg đi 1.500-2.000km với tốc độ 200-250km/g. 

Sức công phá của một UAV này khoảng gấp hai tên lửa Hellfire (bắn từ trực thăng) hay một trái đạn đại bác 155mm. Tuy bay chậm nhưng vì có thể bay thấp nên nó khó phát hiện bởi radar phòng không.

Vào tháng 9-2019, 20 tên lửa này do Houthi bắn sang giếng dầu Saudi Abqaiq-Khurais làm Saudi mất sản xuất 5,7 triệu thùng dầu lửa/ngày (tương đương 370 triệu USD). Mức sản xuất chỉ hoàn toàn phục hồi sau hơn hai tuần. 

Sau đó, Houthi bắn chơi sang phi cảng Ryadh (Saudi) và Dubai (UAE) để chứng minh hùng hồn hiệu quả của vũ khí mới giá rẻ này. Tháng 3-2021, Houthi bắn ba lượt tên lửa gồm 34 chiếc, tức tổng trị giá nửa triệu USD. 

Chuyện này khiến giá dầu thế giới tăng thêm 3-5 USD/thùng. Một nắm tên lửa này có thể làm tê liệt sân bay hạng nhì thế giới là Dubai với hậu quả kinh tế đi kèm.

Nó dám làm thế thì ta đánh nó chết ư? Thực tế là Saudi và UAE đã đánh Houthi không thành công từ chín năm nay. Nội chiến Yemen bùng nổ năm 2014 giữa chính quyền do Tây phương ủng hộ với quân Houthi do Iran giúp đỡ. 

Saudi và UAE mang quân và quân đánh thuê (Sudan) can thiệp, có cả Al Qaeda (thân Saudi) và ISIS (độc lập) rạch nát sơn hà. Chiến tranh không đi đến đâu ngoài việc gây ra nạn đói trầm trọng nhất thế giới khiến 250.000 người chết ngoài số 150.000 chết trực tiếp vì đạn bom, trong đó có vài chục ngàn thường dân ăn phải bom Saudi. Hiện nay bất phân thắng bại và ngưng bắn kéo dài với Houthi kiểm soát phần lớn lãnh thổ.

Ảnh: BBC

Ảnh: BBC

Houthi là ai?

Houthi là phong trào truyền thống mang tên bộ tộc cai trị khu vực bắc Yemen thời nơi đây còn là thuộc địa Thổ (Ottoman) và Tây phương. 

Yemen cho đến giữa thế kỷ 18 là nước độc quyền sản xuất cà phê (miền núi) và thời cận đại chia đôi ảnh hưởng với khu vực miền biển phát triển vì là lối thông thương của biển Đỏ ra Ấn Độ Dương, cho nên phân tranh không ngừng vì quyền lợi khác biệt cho đến ngày nay.

Saudi rất lo loạn Houthi vì vùng cao Yemen sát biên giới của họ và tộc này theo một phiên bản Hồi Shia giống với một thiểu số (15-20%) Shia tại Saudi (và bị đàn áp). 

Mặt khác, Saudi có 1 triệu người Yemen lao động (gia đình Osama bin Laden là một thí dụ người Yemen lao động tại Saudi). Năm 1990, họ từng trục xuất 900.000 người về nước và năm 2013 luật lao động mới tại Saudi trục xuất 300.000 nữa, góp phần gây ra hỗn loạn và nội chiến.

Cuối tháng 3-2023, Iran và Saudi dàn hòa và hợp tác. Phần Iran là vì muốn thoát vòng cô lập của Hoa Kỳ. Phần Saudi, với quỹ quân sự hàng thứ 5 thế giới (75 tỉ USD) và gấp 11 lần quỹ quân sự của Iran (6,8 tỉ USD), họ nhận ra chân lý là tiền không mua được tình yêu hay chiến thắng quân sự. 

Mọi việc đang yên lành và tốt đẹp đối với Saudi. Hòa Iran, tức là ngưng bắn với Houthi; gia nhập BRICS, tức là nhích nhích ra khỏi Mỹ; đồng thời sắp sửa bang giao với Israel như UAE và Bahrain. Nhưng sự cố Gaza khiến Saudi phải hoãn việc vui vẻ dở dang này.

Nhìn từ quan điểm Tây phương thì Houthi ở Yemen (hay Hezbollah ở Lebanon) chỉ là những con chốt của Iran, nhưng các con chốt này tự họ không nghĩ thế. Họ có quyền lợi của họ và chính cái quyền lợi đó đưa họ lại gần hay xa Iran. 

Houthi không phụ thuộc một cách máy móc vào Iran và giúp đỡ của Iran cũng giới hạn, bởi vị trí địa lý và những giới hạn của chính Iran về phương tiện kinh tế và quân sự.

Iran không phải là đối thủ của khối quân sự Tây phương, tiền chi cho quốc phòng chỉ thứ 34 thế giới. Tên lửa Samar hay Qasef của Houthi không cần Iran tiếp tế, mà chỉ cần một xưởng cơ khí dạng sản xuất xe công nông.

Khi bắn sang Israel và lúc rơi Ai Cập, Jordan, lúc bị chặn trên biển, trên trời, Houthi bèn nghĩ ra một kế khác. Đó là đánh các tàu buôn của Israel hay liên hệ với Israel ít nhiều, đi lại qua lối biển Đỏ.

Lực lượng Houthi đang kiểm soát phần lớn Yemen. Ảnh: AFP

Lực lượng Houthi đang kiểm soát phần lớn Yemen. Ảnh: AFP

Chiến dịch Biển Đỏ

Biển Đỏ dài 2.250km, chỗ rộng nhất là 355km và hẹp nhất 29km, diện tích khoảng gấp rưỡi Việt Nam. Nó được nối với Địa Trung Hải bởi kênh đào Suez ở một đầu và đầu kia là vịnh Aden của Yemen mở ra Ấn Độ Dương. 

Khoảng 12-15% tàu hàng trên thế giới đi qua biển này chuyên chở đủ thứ, nhất là dầu hỏa. Ngoài các cảng Saudi ra, các nước bên bờ là Ai Cập, Sudan, Eritrea, Djibouti không xuất nhập gì mấy. Israel có độc cảng Eilat là một thị trấn 50.000 dân và về mặt quân sự do một duyên đoàn với mấy tàu tuần trấn đóng. 

Về phòng không như đã thấy, ngày 2-11, hệ thống Arrow đã bắn hạ hai tên lửa Houthi nên cũng chẳng có gì đáng lo ngoài việc một tên lửa của Houthi giá 15.000 USD phải chận bằng Arrow giá 2 triệu USD một chiếc.

Ngược lại với đánh bom đánh pháo bệnh viện trường học chùa chiền đền thờ, việc đánh tàu hàng tiếp tế và buôn bán với địch là hợp lệ quốc tế. Ngày

20-11, biệt kích Houthi dùng trực thăng đổ xuống chiếc tàu Galaxy Leader và bắt mang về bến Al Houdayda. Đây là tàu mang cờ đăng ký quần đảo Bahamas do công ty Nhật quản lý và thủy thủ đoàn không có ai người Israel, tuy sở hữu tàu là công ty của một tỉ phú Israel. Tàu rời bến ở Thổ Nhĩ Kỳ không mang hàng gì và đang trên đường sang Ấn Độ thì bị Houthi bắt giữ.

Những ngày sau Houthi bắn tiếp tục vào một số tàu khác, trúng ba chiếc không gây tổn thất, một số UAV bị tàu Mỹ bắn hạ và Houthi nhắm tàu Mỹ đánh luôn, nhưng hai tên lửa cách tàu Mỹ tới 1,5km cho nên có thể chỉ là bắn dọa. 

Phản ứng đầu tiên về mặt kinh tế là các hãng bảo hiểm thương thuyền đồng loạt tăng giá, tuy chẳng bao nhiêu. Houthi bắn tiếp tục và 12 hãng thuyền buôn quốc tế quyết định không dùng lối biển Đỏ nữa mà đi vòng châu Phi, tức mất thêm 13 ngày đường và tăng giá mặt hàng chuyên chở lên 10-15%. Nói cách khác pizza ship đến nhà đã không nóng mà còn tăng giá.

Duyên đoàn 915 với mấy cái tàu tuần của Israel làm sao bảo vệ cả biển Đỏ được, cho nên Mỹ thành lập liên minh hải lực trong chiến dịch "Bảo vệ Thịnh vượng". Theo Hoa Kỳ, có 20 nước tham gia nhưng 10 nước muốn giấu tên! 

Ảnh: DW

Ảnh: DW

Trong 10 nước đưa tên thì Pháp bảo việc tham gia rất rắc rối nếu sử dụng chiến hạm Pháp. Ý thì tham gia nhưng vẫn giữ quyền chỉ huy tàu mình. Tây Ban Nha bảo tôi tham dự chứ không tham gia. Seychelles là quần đảo 100.000 dân thì tham gia hai tay bằng cách quan sát và thông báo! 

Các nước khác gửi hai hay sáu sĩ quan và nỗ lực chính là các tàu Anh và Mỹ. Tuy nhiên họ làm được gì? Ngăn chặn tên lửa là một khả năng, tuy nếu Houthi bắn vãi thì vẫn có thể qua lọt. Một khả năng khác là ngăn chặn việc bắt giữ tàu như trường hợp chiếc Galaxy Leader. Nhưng ngoài hai biện pháp đó thì liên minh hẳn không đánh bom đánh pháo cảng Al Hudayda, mà Houthi cũng chẳng sợ chuyện đó.

Phần Houthi thì hành động tuyên chiến với Israel và Mỹ mang lại lợi gì? Họ nhắc nhở sự hiện diện của họ với Iran sau khi Tehran trà đàm với Saudi. Đối với Saudi họ cũng cho thấy là thận trọng nhé. Với thế giới Ả Rập, phong trào Houthi giờ lại đâm ra oai mà mất có mấy tá tên lửa để bênh vực Palestine trong khi Saudi toan bán đứng kháng chiến.

Nhưng cái lợi đầu tiên và lớn nhất của việc này là ở trong nước. Houthi đang phải đối phó với kinh tế khó khăn và lương cho công nhân viên chức còn chưa trả được. 

Nhưng người dân ủng hộ việc đánh Israel và hàng chục ngàn người tình nguyện đầu quân, mang theo vũ khí cá nhân, có người còn giữ súng dài Lee Enfield của thời hơn 100 năm trước! Thành phần này Houthi đâu có gửi họ theo tên lửa vật vờ sang Israel được, nên tạm thời dùng ngay vào việc áp lực mặt trận nội địa tại miền nam. ■

Khi tuyên bố ủng hộ Palestine và tuyên chiến trực tiếp với Mỹ và Israel, phong trào Houthi muốn nói là họ không buồn đánh bọn tay sai như Saudi và UAE nữa để nghe cho oai, nhưng thật ra tên lửa đi xa 2.000km của họ là múa gươm biểu diễn để dọa Saudi và UAE thôi. Quan hệ giữa Iran và Houthi cũng rất mong manh nếu chỉ dựa trên đoàn kết tôn giáo vì giáo phái Zaydi Shia khác với hệ Shia ở Iran. Quan hệ này dựa trên quyền lợi chung khi Saudi đánh Houthi. Giờ đây, khi Iran hòa Saudi thì quyền lợi trở nên khác biệt và Iran có thể quên người em nhỏ, nên em lên tiếng nhắc.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận