​Tự kiểm lúc nhàn

TRẦN HUIỀN ÂN 01/02/2015 03:01 GMT+7

Trong một bài viết về những kỷ niệm thời niên thiếu tôi có nói đến hai loại nhạc cụ thuở ấy là kèn lá và trống lỗ, cho rằng tiếng đất là một trong ngũ cung. Một thời gian sau đọc lại thấy mình sai, tiếng đất là một trong bát âm: thạch, thổ, kim, mộc, trúc, bào, ti, cách (đá, đất, kim, gỗ, trúc, vỏ quả bầu, tơ, da).

Tranh: LÊ THIẾT CƯƠNG

Năm nọ, viếng cảnh thành Tây Giai, gặp đền thờ bà Bình Khương, nhớ lại chuyện hồi nhỏ đọc trên Giáo Dục tạp chí, lại thấy bên thành có bia nhỏ, mừng quá, moi đất, phủi bụi đọc “Trần triều Cống sinh Bình Khương nương đại quân chi... (chữ cuối bị lấp đất, tôi nghĩ... chắc chắn là chữ) mộ”.

Về, cứ phân vân hai chữ “đại quân”, tra Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh: “Quân có năm nghĩa: Vua - Làm chủ - Người đồng bối gọi nhau là quân - Vợ gọi chồng - Thiếp gọi thê”.

Theo nghĩa thứ năm, tôi đoán: có lẽ sau khi Lê Lợi lên làm vua, đất nước yên ổn, một người thiếp của Cống sinh đến lập mộ cho Bình Khương nương và ghi như vậy. Cho rằng mình có lý, tôi đưa ý này vào một bài viết, đăng báo.

Rồi chợt giật mình: Phải chăng không phải “đại quân” mà là “phu quân”? Chữ “phu” bị mòn mất một nét ngang, tôi lầm là chữ “đại”? Vậy đây là mộ của ông, bia được lập sau, để “đánh dấu di tích”, do không biết tên ông chỉ ghi: Trần triều Cống sinh (Bình Khương nương phu quân)?

Mới đây, đọc trên trang “Sách Xưa”, bài Nhuận Hồ tiểu sử của Thiện Đình đăng trên Nam Phong tạp chí số 151 tháng 6-1930, ở trang 599 có đoạn nói về bà Bình Khương: “...Phàm những người có tâm huyết đi qua (di tích) đó ai chả động lòng thương xót...

Khoảng năm Đồng Khánh có một người hương hào ở xã Đông Môn... đêm thuê người thợ đá đục hòn đá ấy (có vết lõm tương truyền là dấu đập đầu và hai bàn tay bà Bình Khương) đem chôn xuống dưới ruộng...

Khoảng năm Thành Thái, ông Đoàn Văn Chước, tri phủ Quảng Hóa, nhân rỗi việc quan đi du lịch qua đó, hỏi ra mới biết... bèn quyên tiền bổng các quan, thuê thợ đào hòn đá ấy lên xây lại như cũ, mặt trước khắc chữ “Trần triều Cống sinh Bình Khương nương phu nhân chi thạch”.

Lại lập cái mộ chí bên thành chỗ Cống sinh bị chết khắc chữ rằng “Trần triều Cống sinh Bình Khương nương phu quân chi biếm”. Vậy, ngoài cái lầm chữ phu thành chữ đại, tôi còn đoán ẩu về chữ cuối bị che khuất và mới thấy có một bia phu quân, chưa thấy bia phu nhân.

Tôi nghĩ các bài viết trên mặc dù đăng trên báo có số lượng độc giả đông, biết đâu chẳng mấy ai đọc. Hoặc có người đọc nhưng đọc lướt cho qua, không để ý, không thấy chỗ sai. Hoặc có người đọc, thấy chỗ sai nhưng không bận tâm, không thèm nói ra làm gì cho mệt! Biết đâu, cũng có tác giả khác “bị” như vậy. Đó là chỗ thiệt thòi cho người cầm bút.

Trên các báo hiện nay rất ít bài điểm sách, phê bình sách. Phần nhiều là bài của bạn bè quen biết nhau, khen nhau, chỉ nói đến cái hay trong sách, lại còn tặng mỗi tác phẩm một “phụ đề” rất “nên thơ” khiến người đọc có cảm tưởng quyển tiểu thuyết nào, tập truyện ngắn nào cũng “mang đầy chất thơ”.

Ngược lại với lối phê bình thù tạc này là lối phê bình trù dập, đánh hội đồng, dành cho những tác phẩm thấy có vấn đề “khác khác”. Nói chung đều thiếu chính trực, không thiên vị thì ác tâm. Người đọc dễ bị lôi cuốn theo sự hướng dẫn ấy, không cảm nhận được tác phẩm một cách trung thực.

Hồi tôi còn niên thiếu, nơi bàn viết trong căn nhà vùng quê, cha tôi có dán mấy dòng chữ Hán để thay bài “châm”, câu đầu “Nhàn trung kiểm điểm bình sinh sự...”.

Theo ý cha tôi: “Nhàn chẳng phải là chơi không ngồi rồi, tâm trí vẩn vơ, dẫn tới những việc sai quấy. Nhàn là giây phút thanh tịnh thân tâm, lòng ta lắng xuống, thật tỉnh táo mới nhìn thấy rõ cái được và chưa được của mình. Nhàn là khoảng thời gian được sắp xếp để dành cho một công việc, như người xưa từng nói, phải biết đủ và biết nhàn”.

Tôi cố học điều này, hiểu chữ “nhàn” theo cách của cha tôi, thường xuyên sắp xếp để có “những lúc nhàn”. Gần như quên hết tất cả xung quanh, thời gian ngưng lại, mơ hồ tưởng rằng mình đang ở vào năm đó, tại nơi đó, từng tuổi đó, khung cảnh đó... Thật là giây phút tuyệt vời để mở đầu cho phần “kiểm điểm”.

Không có cái sai nào sửa được nữa. Có những cái sai mình chỉ biết “rút kinh nghiệm” để không tái diễn. Có những cái sai đành tự hiểu, thật lòng ân hận, nhưng không còn cơ hội sửa.

Thế nhưng vẫn còn những chi tiết sai trong chữ nghĩa như nêu trên, nếu có ai đó, đã (và sẽ) mắng là “dốt đặc”, tôi thật lòng xin cảm ơn, tiếp nhận, hay chữ “lỏng” thì “bụng làm dạ chịu”. Chỉ sợ một điều, có đôi bạn trẻ cả tin, không đọc với tinh thần phản biện, không nhận ra chỗ sai sót, nghe theo, rồi bỗng có lúc nào đó viết theo thì quả là tai hại, tai hại quá!         

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận