27/11/2023 11:57 GMT+7

Bí ẩn mỹ nhân nội cung vua Khải Định - Kỳ 3: Từ người giúp việc đến bậc mẫu nghi

Từ một người giúp việc, một người phụ nữ đã thăng tiến lên ngôi cao nhất và làm chủ hậu cung, được đánh giá xứng đáng là bậc mẫu nghi.

Đoan Huy Hoàng thái hậu cùng gia đình Hoàng đế Bảo Đại trước năm 1945 - Ảnh tư liệu

Đoan Huy Hoàng thái hậu cùng gia đình Hoàng đế Bảo Đại trước năm 1945 - Ảnh tư liệu

Đó là câu chuyện của bà Hoàng Thị Cúc - nhất giai Hậu Phi của vua Khải Định, Đoan Huy Hoàng thái hậu thời Bảo Đại, thường được gọi một cách tôn kính là "đức Từ Cung".

Dòng dõi "quan tàn"

Từ đường Nghi Quốc Công, còn được gọi là phủ Ngự Viên (số 68 Nguyễn Du, TP Huế), phía trước là cổng tam quan bề thế hướng về kinh thành Huế. Bước qua khoảng sân rộng vào trong, chúng tôi bất ngờ bởi kiến trúc gỗ cổ ba gian hai chái chạm trổ công phu, tuyệt đẹp, được giữ gìn nguyên vẹn.

Ấn tượng hơn cả là hệ thống trang trí và thờ tự - từ hoành phi, câu đối, hương án, lỗ bộ, khám thờ, bài vị... - được chạm trổ, sơn thếp hoặc khảm ốc xà cừ tinh xảo, vẹn nguyên.

Ông Hoàng Thế Hiệp, thủ từ, giới thiệu công trình xây năm Bảo Đại thứ 8 (1933) để thờ Nghi Quốc công Hoàng Văn Tích, cha của bà Từ Cung, cũng là ông nội ông.

Cha ông Hiệp là Hoàng Trọng Đồng, em trai "đức cô" Từ Cung, người từng theo phò vua Bảo Đại du học ở Pháp từ 1922 - 1925, đồng thời sáng lập gánh "ca Huế Kim Sanh" một thời rất nổi tiếng.

Ông Hiệp kể: "Ba tôi hay nói: Con ơi, nhà mình tuy làm quan nhưng mà... quan tàn"... Theo đó, dòng họ Hoàng của ông ở làng Mỹ Lợi (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) từng có ông Hoàng Văn Tuyển, ông nội bác của bà Từ Cung, đỗ đạt ở khoa thi Tân Hợi (1851) được khắc tên trên bia Văn Miếu Huế.

Ông nội bà Từ Cung từng làm quan tri phủ. Cha bà là cụ Hoàng Văn Tích làm quan tri huyện. Cụ Tích mất sớm nên mấy anh em bơ vơ, sống nương tựa nhau rất khổ cực. Chuyện xưa kể rằng cô bé Hoàng Thị Cúc xoay đủ thứ việc, từ mót củi, làm thuê làm mướn, lăn lộn khắp nơi buôn bán hàng vặt...

Hồi đó, mẹ con ông "hoàng Cả" (tức Phụng Hóa công, sau là vua Khải Định) nổi tiếng ham mê bài bạc. Anh đầu bà Từ Cung là Hoàng Trọng Khanh thường xuyên qua phủ Phụng Hóa đánh bài, có khi thâu đêm suốt sáng.

Cô em Hoàng Thị Cúc lân la đến chỗ người anh đánh bài để bán hàng vặt cho các con bạc. Thấy cô gái sạch sẽ, hoạt bát, đảm đang nên bà Dương Thị Thục, mẹ đẻ ông hoàng, kêu vô giúp việc trong nhà.

Bà Hoàng Thị Cúc, nhất giai Hậu Phi của vua Khải Định, sau được tấn tôn làm Đoan Huy Hoàng thái hậu - Ảnh tư liệu

Bà Hoàng Thị Cúc, nhất giai Hậu Phi của vua Khải Định, sau được tấn tôn làm Đoan Huy Hoàng thái hậu - Ảnh tư liệu

Trong một lần hứng tình hiếm hoi, ông "hoàng Cả" kêu đòi bà Cúc đáp ứng. Lần ấy có thai, bà khai ông hoàng là "tác giả".

Người mẹ không tin nên cho người đào hố, bắt nằm úp cho cái thai lọt xuống hố rồi đánh đập, tra khảo. Bà một mực khai như ban đầu. Bản thân ông "hoàng Cả" thì khóc lóc, tuyệt thực gây sức ép với người mẹ.

Ngày 22-10-1913, bà Cúc sinh hạ bé trai, sau này là vua Bảo Đại. Vì ngày sinh hợp lý theo lời khai ban đầu cùng nhiều dữ kiện được tìm hiểu thuyết phục, không chỉ người mẹ đồng ý mà hội đồng họ Nguyễn Phước cũng chấp nhận nhập bé trai vào thế phả mình...

Làm chủ hậu cung

Sau khi lên ngôi, tháng 2 năm Khải Định thứ 2 (1917), nhà vua tấn phong bà Cúc làm tam giai Huệ Tần. Vua dụ rằng: "...Xét thấy mấy người thiếp từ khi trẫm còn chưa lên ngôi vẫn hầu phụng trẫm đã nhiều năm, đáng nên thương đến mà vinh danh.

Trong đó Hoàng Thị Cúc nguyên là người được Từ chỉ của Hoàng thái phi tuyển vào hầu hạ của dinh hoàng tử, rất được lòng bề trên, lại sớm ứng điềm mộng lành mà sinh con trai, truyền tấn phong làm tam giai Huệ Tần".

Cuối năm 1918, nhà vua tấn phong bà làm nhị giai Huệ Phi. Đến đầu năm 1923, nhà vua lại tấn phong làm nhất giai Hậu Phi.

Năm 1925, trước khi vua Khải Định băng hà, các quan đại thần có hỏi ý kiến thì vua trả lời gọn lỏn: "Tử quý mẫu vinh" (con quyền quý thì mẹ được vinh hiển).

Di chiếu được tuyên đọc sau đó cũng ghi rõ: nếu Hoàng thái tử Vĩnh Thụy được làm vua thì chỉ một mình bà Cúc làm "hoàng mẫu". Sau hồi loan chấp chính, năm 1933 vua Bảo Đại đã tấn tôn bà làm Đoan Huy Hoàng thái hậu; bà chính thức làm chủ hậu cung.

Cha mất từ nhỏ, ít học hành, đi buôn bán sớm cho nên khi vào cung bà Từ Cung rất chịu khó học tập, học tiếng Pháp, chữ Hán, kinh kệ và chữ nghĩa thánh hiền.

Hồi ký bà Trần Thị Như Mân, hiền thê học giả Đào Duy Anh, viết về người chị Như Thiều từng vào cung dạy bà Từ Cung.

"Khi Bảo Đại lên ngôi, bà Từ Cung trở thành Hoàng thái hậu, nhưng vì xuất thân từ con nhà bình dân, nên bà không rành cách ăn ở trong nội phủ và ít được học hành. Vì rứa bà cho người đến gọi chị tôi vô trong nội dạy cho bà học... Chị tôi vô nội, không những phải dạy cho bà Từ Cung học chữ Hán, học làm thơ mà còn bày vẽ cho cả cách cư xử, ăn nói cho hợp với cung cách của một bà hoàng trong nội phủ"...

Triều Nguyễn cáo chung, bà Từ Cung tiếp tục góp phần sửa chữa lăng mộ và cúng giỗ các vua chúa nhà Nguyễn - Ảnh tư liệu

Triều Nguyễn cáo chung, bà Từ Cung tiếp tục góp phần sửa chữa lăng mộ và cúng giỗ các vua chúa nhà Nguyễn - Ảnh tư liệu

Những đóng góp lớn

Sau Cách mạng Tháng Tám, bà Từ Cung cùng hoàng gia sang cung An Định ở một thời gian. Khi cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng (1949), bà trở lại hoàng cung sinh sống.

Năm 1954, bà lại rời hoàng cung sang cung An Định. Đến năm 1955, chính quyền họ Ngô quốc hữu hóa cung An Định khiến bà phải sống tạm ở phủ Kiên Thái Vương cạnh bên một thời gian.

Trước đó, bà mua lại khu nhà số 145 Phan Đình Phùng (Huế) từ gia đình họ Hồ Đắc (từng làm nơi ở của bà Ân Phi). Bà cho sửa chữa khu nhà này và dọn sang ở cho đến cuối đời.

Bà Từ Cung thừa hưởng khối tài sản rất lớn của hoàng gia để lại sau khi triều Nguyễn kết thúc. Những người thân thuộc đều chứng kiến bà luôn nghiêm khắc với cháu chắt thân tộc, có lẽ ngại mang tiếng.

Lăng mộ bà Từ Cung ở Thủy Xuân, TP Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Lăng mộ bà Từ Cung ở Thủy Xuân, TP Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Bà dùng phần lớn tài sản để chăm lo mọi công việc của gia đình chồng và công tác Phật sự. Mỗi lần lăng tẩm hoàng gia và nhiều công trình thờ phụng xuống cấp, hư hỏng, hội đồng họ Nguyễn Phước thường đến "níu áo" bà.

Thế là những tài sản, cổ vật được bán dần để lấy tiền sửa chữa, cải tạo. Đầu thập niên 1970, bà bán một hội quán do bà sở hữu góp phần lớn để họ Nguyễn Phước dựng lại Thái Tổ miếu thờ các chúa Nguyễn.

Bà tổ chức cúng tế các vua chúa nhà Nguyễn một cách đầy đủ, bài bản. Một "đội ngự thiện" chuyên chế biến và chuẩn bị phẩm vật để cúng tế được duy trì.

Đoàn nhạc Ba Vũ được bà hỗ trợ một thời gian nhằm trình tấu lễ nhạc cúng tế liệt thánh. Sau đó, nhờ bà tác động mà Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa chính quyền Sài Gòn đã chi trả để đoàn nhạc hoạt động tiếp nối. Nhờ vậy mà nhã nhạc, múa và tuồng cung đình được bảo tồn cơ bản cho đến ngày nay.

Từ ngôi cao trong cung cho đến khi hoàng triều không còn, những ai từng làm việc, tiếp xúc với bà Từ Cung đều rất tôn trọng và cảm mến ở sự cương trực, khuôn phép, chừng mực, xứng đáng một bậc mẫu nghi. Bà hành trì kinh kệ mỗi ngày và hết lòng hỗ trợ Phật giáo trong giai đoạn khốn khó.

Vị Hoàng thái hậu cuối cùng của nhà Nguyễn qua đời ngày 10-11-1980, an táng tại khu lăng ở vùng đồi Thủy Xuân, TP Huế. Lời bài bản ca Huế khóc tế của nghệ sĩ Bửu Lộc dường như nói hộ nhiều người đương thời.

Nó thể hiện cách nhìn nhận, tình cảm và sự kính trọng về một "bậc mẫu nghi": "Cảm thương thay một vị dâu hiền/Chừ đây cung lăng miếu điện/Ai giữ gìn khói hương... Khói hương vây kín xuân thành/Nghe lòng thiên hạ khóc tình mẫu nghi".

"Ai đã có dịp tiếp xúc với bà Từ Cung đều công nhận rằng trong cung cách ứng xử, bà rất đáng bậc mẫu nghi", nhà nhiên cứu Võ Hương An

"Dặn con ghi dạ, chớ nên nguôi

Dẫu bực đế vương nữa cũng người

Phải nhớ cương thường luân lý cũ

Thương dân, thương nước, ích cho đời" - trích thơ bà Từ Cung gửi con trai Bảo Đại đang du học ở Pháp.

-----------------------

Là người hiếm hoi rời cung từ rất sớm, tứ giai Du Tần Võ Thị Dung vốn giỏi giang nữ công gia chánh và tham gia nhiều hoạt động xã hội. Song ẩn sâu trong vẻ bề ngoài phong lưu là những nỗi niềm biết tỏ cùng ai...

Kỳ tới: Nỗi niềm “cung oán” của tứ giai Du Tần

Bí ẩn mỹ nhân nội cung vua Khải Định - Kỳ 2: Bà hoàng ly dị, lập chùa đi tuBí ẩn mỹ nhân nội cung vua Khải Định - Kỳ 2: Bà hoàng ly dị, lập chùa đi tu

Thời chưa làm vua, ông hoàng Bửu Đảo đam mê cờ bạc nên nợ nần chồng chất, lấy của nhà vợ nướng vào những canh bạc liên tù tì. Người vợ đầu hết chịu nổi đã phải 'ly dị' lập chùa đi tu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên