30/11/2023 11:57 GMT+7

Bí ẩn mỹ nhân nội cung vua Khải Định - Kỳ cuối: Nỗi nhớ nhung vua của người vợ 'Tiếp liều'

Chuyện xưa kể rằng bà Tiệp Dư (Tiếp Du) Trần Thị Khuê thường đánh bài trong cung vua Khải Định. Có bận thua bài liền tù tì, nợ nần nhiều quá bị người ta đòi, bà liều mình nhảy xuống giếng nên được gán biệt danh "Tiếp liều"...

Nếp nhà xưa trong sân chùa Hồng Ân - nơi ở và tu tập của bà Tiếp Dư Trần Thị Khuê, cây lệ chi bà trồng vẫn xanh tốt - Ảnh: THÁI LỘC

Nếp nhà xưa trong sân chùa Hồng Ân - nơi ở và tu tập của bà Tiếp Dư Trần Thị Khuê, cây lệ chi bà trồng vẫn xanh tốt - Ảnh: THÁI LỘC

"Tính cách của (sư) bà Từ Hòa có chút ngang tàng, hiên ngang lắm. Nhưng đúng là người trong cung, dáng dấp, cử chỉ của bà thể hiện vẻ quý phái, thanh tao.

Sư bà Diệu Đạt (trụ trì chùa Đông Thuyền, Huế)

"Tiếp liều"

Sự bộc trực, thẳng thắn, có chút "liều" của bà Tiếp Du có lẽ xuất thân thuộc dòng dõi một vị võ tướng nổi tiếng của triều Nguyễn. Theo văn bản tư liệu của gia đình họ Trần (số 51 Nguyễn Công Trứ, TP Huế), ông nội của bà là Trần Văn Hòa, quê ở Cầu Kè (Vĩnh Long), "là một sĩ phu yêu nước đã đứng lên cùng ông Đốc Kiều chống thực dân Pháp và đã hy sinh ở Nam Bộ.

Hiện còn miếu thờ tại tỉnh Vĩnh Long". Năm ông Hòa hy sinh (1864), cha của bà Tiếp Du là Trần Văn Liên (1857 - 1932) mới 7 tuổi, cùng hai chị gái là Trần Thị Nguyên và Trần Thị Dung được người mẹ Tôn Nữ Thị Hạnh đưa từ miền Nam ra Huế sinh sống.

Bà Trần Thị Dung trở thành vợ của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (sinh ra ba vua là Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh). Nhờ sự nuôi nấng, dìu dắt của chị và mẹ, ông Trần Văn Liên nối gót cha trở thành một võ quan.

Đứng đầu đội bảo vệ nhà vua, Trần Văn Liên là người mở cửa cho vua Duy Tân vượt khỏi hoàng cung khi kế hoạch khởi nghĩa của nhà vua với Việt Nam Quang phục hội bị phát giác. Nhờ vào gia thế của người chị gái Trần Thị Dung mà ông được xử nhẹ, chỉ giáng hầu hết chức và cho về hưu.

Chính sử triều Nguyễn không thấy ghi chép việc nhập nội cung của bà Trần Thị Khuê. Tên, giai thứ, pháp danh của bà có trong danh sách thí chủ đóng góp làm lại mộc bản kinh Lăng Nghiêm ở quốc tự Diệu Đế năm 1922: "Kim triều Tiệp Dư Trần Thị, pháp danh Trừng Lý cúng ngân nhất nguyên (Bà Trần Thị, Tiệp Dư đương triều Khải Định... cúng 1 đồng bạc)". Tư liệu gia đình ghi bà: "Sinh năm 1903, lớn lên vì có sắc đẹp và con quan triều đình Huế nên đưa vào Đại nội là cung phi cho vua Khải Định, không có con".

Để nhập vào nội cung, bà được dạy phép tắc, lễ nghĩa rất bài bản. Thế nhưng bà vẫn thể hiện bản tính bộc trực, xởi lởi và ít nhiều bỗ bã của mình. Bà Trần Thị Như Ý, cháu gọi bằng cô ruột, kể: "Kỳ xưa, cô Tuần cứ phê bình cô Tiếp: "Em răng mà đã vô trung cung rồi không nghiêm túc chi hết, cứ ăn nói lung tung". Cô Tuần là Trần Thị Nga (gọi theo chức vụ người chồng là quan Tuần Phủ Phan Văn Phúc), chị ruột của bà Khuê.

Chuyện xưa kể rằng bà Tiệp Dư Trần Thị Khuê thường xuyên hầu bài hai bà Hoàng thái hậu Thánh Cung (Nguyễn Hữu Thị Nhàn), Tiên Cung (Dương Thị Thục) và đánh bài cùng nhiều vị khác trong nội cung. Có bận thua bài liền tù tì, nợ nần nhiều quá bị người ta đòi, bà liều mình nhảy xuống giếng rồi được vớt lên. Biệt danh Tiếp "liều" gắn chết với bà kể từ đó.

Bà Tiếp Dư Trần Thị Khuê (người cầm nón lá) chụp hình cùng thứ phi Mộng Điệp của vua Bảo Đại tại Nha Trang năm 1951 - Ảnh tư liệu

Bà Tiếp Dư Trần Thị Khuê (người cầm nón lá) chụp hình cùng thứ phi Mộng Điệp của vua Bảo Đại tại Nha Trang năm 1951 - Ảnh tư liệu

Vào chùa tu

Theo tư liệu gia đình: "Sau Cách mạng Tháng Tám về ở nhà một thời gian, 1954 đi tu tại chùa sư nữ Hồng Ân... mất ngày 2-3 năm Tân Mùi, tức 16-4-1991". Tuy vậy, hành trạng của bà được bà Trần Thị Như Ý cho biết khi rời cung, bà cùng hoàng gia mà dẫn đầu là bà Từ Cung sang ở tại biệt cung An Định. Người em trai của bà là Trần Quang Lang, vốn là thị vệ của vua Bảo Đại, cũng theo cùng.

Bà Như Ý, con gái của ông Trần Quang Lang, từng ở tại biệt cung này với cha mẹ từ 1951 - 1954 nên biết rõ. Sau năm 1955, chính quyền họ Ngô quốc hữu hóa biệt cung An Định, mọi người tứ tán, bà Tiệp Dư về nhà cha mẹ (nay là số 51 Nguyễn Công Trứ, Huế) một thời gian, sau đó lên tu ở chùa Hồng Ân.

Tôi ghé chùa Hồng Ân để tìm hiểu giai đoạn bà tu ở đây. Một vị ni sư dẫn tôi đến án thờ phía bên phải hậu điện: "Bà thờ ở hàng trên cùng đó!". Di ảnh của bà khoảng lúc 70 tuổi, vẻ mặt khá tươi và đầy đặn, đầu vẫn để tóc, trùm khăn; dưới ảnh đề: "Ni sư Thích Nữ Từ Hòa, mất ngày 1-3 âm lịch".

Theo bà Trần Thị Như Ý, khi xuất gia, người cô ruột Trần Thị Khuê được gia đình đưa một ngôi nhà rường ba gian to lớn dựng ngay bên sân chùa để bà tu tập. Nhiều vật dụng cần thiết đều được đưa lên từ nhà. Cả người hầu gái cũng theo lên chùa để cung phụng giai đoạn đầu.

Chính tay bà Từ Hòa trồng cạnh nhà trong chùa một cây ổi và một cây vải. Bà chăm tưới nên cả hai cây tươi tốt, ít lâu sau đã cho trái rất ngon, làm niềm vui của rất nhiều người tu trong chùa. Cây vải bà trồng ngày nay vẫn phủ bóng một phần ngôi nhà, vẫn cho trái ngon ngọt đều đặn mỗi mùa.

Trước năm 1964 bà đã là tỳ kheo, thọ 5 giới với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Thuộc trường hợp "bán thế xuất gia", ở trong chùa bà không có đệ tử. Bà ở riêng, ăn riêng, thường gửi tiền cho người đi chợ mua giúp thực phẩm. Sư bà Diệu Không cử người thay phiên phụ việc nấu nướng giúp bà. Nhiều người phụ việc trong số đó sau này làm ni trưởng, trụ trì nhiều ngôi chùa lớn ở Huế và trên khắp miền Nam.

Theo sư bà Diệu Ý: "Bà Từ Hòa tính tình rất dễ gần, dễ thương lắm, cho nên hễ nấu món chi ngon tui thường đưa qua mời bà ăn". Sư Diệu Ý cũng cho biết bà Từ Hòa giỏi Nho học, lo tu tập cho nên bà giảng kinh Pháp Hoa với những ý tưởng sâu sắc, rõ ràng, rất hay.

Nỗi nhớ nhung vua

Trong nội cung, Tiệp Dư thuộc hàng khá thấp trong hệ thống cửu giai. Cũng như các vị khác, bà chưa hề được gần gũi thể xác với vua Khải Định. Sau năm 1975, có lần người cháu rể Trần Toàn dẫn nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lên chùa Hồng Ân thăm bà. 

Ngoài nhiều câu chuyện ở trong cung cấm, ông Sơn gặng hỏi chuyện chăn gối của đức phu quân. "Bà trả lời rằng: "Đức kim thượng như tiên rứa! Chuyện nớ ngài như tiên rứa!". Lúc đó, tui bấm tay ông Sơn dụng ý đừng hỏi chuyện tế nhị nớ, nhưng ông cứ hỏi, và bà cũng vui vẻ trả lời như rứa!", ông Trần Toàn kể.

Theo sư bà Diệu Đạt, bà Tiệp Dư Trần Thị Khuê kể rằng hồi ở trong Tử Cấm thành, bà rất hay chơi với bà Tân Điềm - Nguyễn Đình Thị Bạch Liên. Sau này khi lên chùa Hồng Ân, bà Tân Điềm cũng thường ghé thăm và ở lại tâm sự, chuyện trò.

 "Bà cũng thỉnh thoảng hay kể chuyện ở trong cung. Có khá nhiều câu chuyện liên quan tới bà Tân (Điềm). Nhiều lần bà Tân cũng hay lên chơi với bà. Họ nói chuyện với nhau, mấy lần cô cũng lắng nghe, nhưng chỉ thoáng qua thôi vì khi nớ còn nhỏ. Nói chung cách họ nói, tâm sự chi mà có vẻ buồn lắm!", sư bà Diệu Đạt chia sẻ.

Theo lời của sư bà Diệu Ý: "Khi vua Khải Định mất, mới hăm mấy tuổi, tôi nghe bà kể là có người ni ưa (yêu), người khác ưa. Rồi bà vô chùa tu. Bà ở trong chùa, lâu lâu tui cũng qua nói chuyện chơi với bà. Tui hỏi vì răng hồi đó bà trẻ đẹp rứa mà bà không lấy chồng (lại). Bà nói là "Ai cũng không bằng ông Khải Định hết". Rồi bà kể xưa ở trong tam cung lục viện, lâu lâu ngài Khải Định tới thăm, dù ghé qua rồi ông về lại. Rứa mà cả tháng sau bà còn nhớ. Bà ưa ông Khải Định lắm".

Cũng theo sư bà Diệu Ý: "Nghe ông Khải Định bệnh chi đó, thành ra ít ưng đàn bà. Bà Tiếp kể có những lần tới cung hầu, gặp vua, chỉ hỏi "Thưa ngài có sức khỏe không?", rồi về lại thôi. Rứa mà nhớ nhung cả tháng rứa!".

Bí ẩn mỹ nhân nội cung vua Khải Định - Kỳ 5: Thực tế đau xót của mỹ nữ hậu cungBí ẩn mỹ nhân nội cung vua Khải Định - Kỳ 5: Thực tế đau xót của mỹ nữ hậu cung

Ông Nguyễn Đình Hòe đã dâng cháu gái vào cung làm vợ vua và được nhà vua đồng ý. Tháng giêng năm Khải Định thứ 7 (1922), nhà vua tấn phong bà làm ngũ giai Điềm Tần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên