20/02/2024 11:32 GMT+7

Bí ẩn vợ vua phải làm bánh bán dạo - Kỳ 2: Ngôi cao đổ sụp

"Thảm kịch thật sự xảy ra với một thiếu nữ rất thông minh, học giỏi, đàn hay, thông thạo cả tiếng Pháp, tiếng Latin, Hán văn và Việt ngữ, một giai nhân quốc sắc thiên hương một thời chính là lúc đức vua băng hà ngày 6-11-1925".

Sau khi phu quân Khải Định thăng hà, bà Ân Phi qua cung Diên Thọ hầu hạ Khôn Nguyên Hoàng thái hậu (Thánh Cung - mẹ đích của vua Khải Định) - Ảnh tư liệu

Sau khi phu quân Khải Định thăng hà, bà Ân Phi qua cung Diên Thọ hầu hạ Khôn Nguyên Hoàng thái hậu (Thánh Cung - mẹ đích của vua Khải Định) - Ảnh tư liệu

Tư liệu họ Hồ Đắc viết về khởi điểm chuyển sang bi kịch cuộc đời của bà Ân Phi như thế.

"Kể từ hôm đó (vua Khải Định băng hà), vị đệ nhất phu nhân (Ân Phi) đã trở thành một người điên, một bệnh nhân tâm thần phân liệt mà ngay cả anh bà là một vị bác sĩ giỏi bậc nhất của nước Đại Nam thời bấy giờ cũng phải đành chịu.

Trích Câu chuyện trong gia phả họ Hồ Đắc làng An Truyền

"Ra rìa" di chiếu

Sau khi vua Khải Định thăng hà, lúc tuyên đọc di chiếu khiến mọi người vô cùng hồi hộp. Nội cung lúc ấy có hai bà nhất giai. Bà Ân Phi Hồ Thị Chỉ được phong nhất giai khi mới nhập nội cung vào tháng 10-1917.

Bà Hậu Phi Hoàng Thị Cúc được tấn phong nhất giai vào tháng 3-1923. Ai cũng nghĩ di chiếu sẽ tấn phong Ân Phi làm đích mẫu (sẽ được vua kế tấn tôn Hoàng thái hậu) bởi vì Ân Phi là con của quan đại thần, có tám năm "làm mặt làm mày" cho vua trước quốc khách...

Vua Khải Định đã không để con trai nối ngôi trong cảnh "một cổ hai tròng" mẹ đích, mẹ đẻ với quá nhiều hệ lụy mình từng nếm trải. Ông cho chia nội cung làm hai nhóm để hầu hạ lưỡng cung (tức hai bà Hoàng thái hậu Thánh Cung - mẹ đích và Hoàng thái hậu Tiên Cung - mẹ đẻ) thay vì đưa lên lăng ở như các triều trước. Sau khi đưa vua vô thờ tại Thế Miếu thì các bà sẽ sang ở điện Phụng Tiên để lo hương khói các liệt thánh.

Di chiếu cũng viết: "...Sừ nhị Vĩnh Thụy mà đặng kế thống thì ta cho Hậu Phi vi hoàng mẫu". Có nghĩa: Hoàng thái tử Vĩnh Thụy mà được kế vị thì Hậu Phi sẽ làm mẹ vua. Ân Phi bị cho "ra rìa".

Nhật ký của một vị thượng thư có mặt lúc tuyên đọc di chiếu (xin chưa nêu tên vì con cháu chưa chủ trương phổ biến) viết: "Khi mở di chiếu ra đọc không nghe nhắc gì đến bà Ân Phi cả, lúc đó cụ (Hồ Đắc Trung - NV) rất thất vọng. Còn bà Ân Phi thay đổi thái độ, đau khổ lắm!".

Quan đại thần Hồ Đắc Trung thất vọng là dễ hiểu bởi vuột mất cơ hội dòng họ được triều đình lập ngoại từ đường thờ tự ở tầm quốc gia. Còn Ân Phi thì tương lai mờ mịt, viễn cảnh "xôi hỏng bỏng không".

Cái cảnh bà thứ phi họ Hoàng (Từ Cung) trở thành đấng mẫu nghi, ai ai cũng kính cẩn phục tùng càng làm cho bà nhất giai phi họ Hồ thêm cám cảnh bẽ bàng.

Nhà nghiên cứu Võ Hương An
Chùa Khải Ân được lập vào khoảng đầu thập niên 1930 cho bà Ân Phi tu tập sau khi rời cung - Ảnh: THÁI LỘC

Chùa Khải Ân được lập vào khoảng đầu thập niên 1930 cho bà Ân Phi tu tập sau khi rời cung - Ảnh: THÁI LỘC

Lập chùa tu hành, nhập nhà thương điên

Chùa Khải Ân nằm phía trước lăng vua Khải Định, trên quốc lộ 49A hướng ra sông Hương đoạn thượng nguồn. Con suối Chiêu Ê lượn trước lăng vua chảy đến tưới tắm cho khu vườn chùa trước khi đổ ra sông.

Hôm tôi ghé, một ni sư dẫn vào hậu điện và cho biết di ảnh trên bàn thờ phía trái là bà Ân Phi, pháp danh Trừng Ninh, là chủ tự đầu tiên của chùa này. Sư bà Huệ Thành, trụ trì chùa, cho biết chùa vốn nằm trên khu đất 10 mẫu của quan thượng thư Hồ Đắc Trung.

"Khi bà Ân Phi bị trầm cảm trong cung, gia đình lấy 2 mẫu đất xây chùa để bà tu và đặt tên Khải Ân, có ý ghép Khải Định và Ân Phi để lưu dấu", sư Huệ Thành kể.

Sau khi Hậu Phi được vua Bảo Đại tôn phong Đoan Huy Hoàng thái hậu (thường gọi Từ Cung) làm chủ hậu cung, ở trong cung, bà Ân Phi thường lảm nhảm về nỗi uất ức của mình. Người xưa kể nhiều lần bà đến nơi ở của "hoàng mẫu" Từ Cung chọc phá, tỏ ý coi thường và buông những lời rất khó nghe rằng bà Từ Cung không xứng đáng với ngôi vị hiện tại...

Nhiều vị ni sư là đệ tử của sư bà Diệu Không (em gái bà Ân Phi) mà chúng tôi gặp đều kể về lần bà Ân Phi đem chiếc áo được vua ban trong lần nhập cung đến trước mặt bà Từ Cung rồi vứt xuống đất: "Ta cho đó. Ta cho đó!". Vừa nói bà vừa giẫm chân lên áo, rồi ngoảnh mặt bỏ đi...

Sợ động chạm, gia đình đã xin cho bà Ân Phi rời cung để xuất gia, đồng thời lập chùa Khải Ân đưa bà đến tu. Sư bà Huệ Thành kể thời gian đầu bà Ân Phi một lòng tu tập. Sư cho biết: "Bà Ân có tư chất thông minh nên giỏi kinh kệ, dịch kinh Kim Cương rất hay. Thời gian bà tu ở đây, sư bà Diệu Không, người em gái, cũng đến ở lại, tu tập cùng".

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn, không quá 10 năm tu ở Khải Ân, Ân Phi tiếp tục lảm nhảm sự uất ức và đối thoại nhiều câu chuyện động chạm hoàng gia. Gia đình thấy không ổn nên đưa bà về ở riêng tại khu nhà bên sông An Cựu, nay là số 145 Phan Đình Phùng (Huế). Do bà tiếp tục lảm nhảm những điều dễ động chạm, gia đình đưa bà vô Sài Gòn theo kiểu đi tránh và dưỡng bệnh tâm thần.

Họa sĩ Hồ Đắc Từ - cháu gọi bà Ân Phi bằng cô ruột, hiện đang sống trong Thành nội Huế - nói không nhớ chính xác "bà cô phi" được đưa đi Sài Gòn năm nào. Ông chỉ biết chắc sau khi đưa bà vô Sài Gòn, gia đình có đưa bà về chữa bệnh tại Nhà thương điên Biên Hòa (nay là Bệnh viện Tâm thần trung ương 2) trong nhiều năm.

Ông nói: "Ban đầu bà vô Sài Gòn tá túc ở chỗ bác Hồ Đắc Ân. Sau bác Ân thấy bà loạn thần nên đưa xuống Nhà thương điên Biên Hòa. Sau vì sao đó bà về lại Huế, tôi không còn nhớ nữa".

Cải Phật theo Chúa

Di ảnh bà Ân Phi thờ ở chùa Khải Ân, Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Di ảnh bà Ân Phi thờ ở chùa Khải Ân, Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Xâu chuỗi các giai đoạn cuộc đời bà, chúng tôi xác định bà vào miền Nam và có dưỡng bệnh ở Nhà thương điên Biên Hòa khoảng sau năm 1936 đến trước 1963. Điều làm rúng động cả gia đình, dòng tộc là thời gian này bà cải sang đạo Thiên Chúa.

Rúng động bởi lẽ bà vốn chủ tự chùa Khải Ân. Gia đình Phật giáo toàn tòng với rất nhiều ni sư tu hành đạt đạo, xuất chúng như sư bà Diên Trường - người cô ruột, sư bà Diệu Huệ - chị ruột, sư bà Diệu Không - em ruột...

Tìm về Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 ở TP Biên Hòa, chúng tôi được các bác sĩ tạo điều kiện "lục tung" tư liệu lưu trữ. Rất tiếc chỉ có hồ sơ của bốn bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân đầu tiên Nguyễn Thị Điều, nhập viện ngày 21-1-1919 và của thi sĩ Bùi Giáng. Một số văn bản khác thì ít ỏi, rời rạc, chung chung.

Bác sĩ Nguyễn Lợi - nguyên trưởng khoa hồi sức cấp cứu, người tập hợp văn bản của bệnh viện để lưu trữ - cho biết hồ sơ về bà Ân Phi có thể không còn tồn tại bởi: "Nguyên tắc bảo mật hồ sơ bệnh án của bệnh nhân là rất nghiêm ngặt đối với người ngoài, sau 20 - 30 năm hồ sơ sẽ bị hủy bỏ. Bà Ân Phi thuộc một gia đình có vai vế đương thời nên chắc chắn gia đình sẽ giấu kín do những thành kiến không tốt đẹp về bệnh tâm thần".

Chúng tôi tìm gặp cụ Lê Văn Em, 87 tuổi, nhân chứng lâu nhất đang sống cạnh bệnh viện. Cụ cho biết từng làm kỹ thuật năm 1967 - 1868. "Hồi làm tại bệnh viện tui có nghe nói có một bà chúa từng chữa bệnh điên ở đây, mà không biết có đúng là bà hay không nữa!".

Cụ Em cho biết cùng với ngôi chùa vẫn còn, trong bệnh viện có một nhà nguyện Công giáo do các seur đảm trách tồn tại từ khi thành lập đến năm 1975. Rất nhiều bệnh nhân tâm thần có thể theo đạo Công giáo tại đây.

Những mong tìm được nhân chứng hoặc hồ sơ lưu trữ của bà Ân Phi theo đạo, tôi tìm đến các giáo xứ lân cận bệnh viện như Thuận Hòa, Thái Hiệp, Phúc Hải, Tân Lộc... để hỏi tài liệu lưu trữ. Các linh mục quản xứ đều lắc đầu, rằng xa xưa quá, không có lưu trữ.

Theo sư bà Diệu Ý, thị giả của sư bà Diệu Không: "Khi ở trong nớ (Nhà thương điên Biên Hòa), nghe nói mấy seur tới họ thích thêm người theo (đạo của) họ, thành ra họ trìu mến. Tự nhiên bà điên bà theo"...

******************

>> Kỳ tới: Bà phi đi bán bánh dạo

"Nếu gọi: "Mụ bán bánh!", hay gọi đơn giản: "Bánh!" thì bà ghé lại, ngồi xuống bán. Hễ có người biết, kêu: "Bà phi bán bánh", hay: "Bà phi" thì bà ngoảy đi. Dường như bà bán bánh vì một lý do nào đó, không hẳn do túng thiếu!".

Bí ẩn vợ vua phải làm bánh bán dạo - Kỳ 1: Đỉnh cao danh vọng của bà hoàngBí ẩn vợ vua phải làm bánh bán dạo - Kỳ 1: Đỉnh cao danh vọng của bà hoàng

Ân Phi Hồ Thị Chỉ từng được xem là "hoàng hậu" nước Đại Nam, từng lóng lánh ánh kim cương trước và sau mũi hài trong chốn hoàng cung. Nhưng cuộc đời bà "xôi hỏng bỏng không", mấy mươi năm điên dại, làm bánh lọc bán dạo chẳng khác gì một thường dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên