01/04/2023 08:00 GMT+7

Cá hồi Na Uy là bài học cho thủy sản Việt

Ông Lê Hà Luân - bí thư Thành ủy Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) - nói rằng Việt Nam phải học hỏi Na Uy khi họ thống kê mỗi năm có bao nhiêu bữa ăn cá hồi, con cá từ trong trứng lên đến bàn ăn đều được đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cá hồi Na Uy là bài học cho thủy sản Việt - Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại hội thảo sáng 31-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng 31-3, hội thảo "Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt" đã diễn ra tại Vũng Tàu ghi nhận hơn 20 ý kiến tham luận của những người quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến. Tất cả các ý kiến đều thể hiện sự tâm huyết, đề xuất giải pháp phát triển ngành thủy sản Việt Nam.

Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo Tuổi Trẻ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đồng tổ chức. Đây là hội thảo thứ ba nằm trong chuỗi diễn đàn với chủ đề Phát triển công nghiệp thủy sản: khai thác bền vững - đẩy mạnh nuôi trồng, do Tuổi Trẻ khởi xướng.

Theo đó, thủy sản Việt Nam có nhiều thách thức, vướng mắc nội tại từ chuyện con giống, quy hoạch vùng nuôi đến chế biến, xuất khẩu. Tuy vậy "thủy sản Việt Nam còn rất nhiều không gian để chế biến sâu, phát triển thương hiệu, phát triển thị trường" như lời chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan gửi đến hội thảo.

Bài học từ cá hồi Na Uy

Ông Asbjørn Warvik Rørtveit (giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hội đồng Hải sản Na Uy) cho biết thủy sản của Na Uy là một mặt hàng toàn cầu, được bán cho 149 thị trường vào năm 2022. Giá cá hồi được Na Uy xuất khẩu ở mức 10 USD/kg, nhưng theo khảo sát giá bán mặt hàng này tại Việt Nam là 30 USD/kg. 

"Nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán gấp 3 lần là do giá trị thương hiệu của Na Uy, vì khách hàng sẵn sàng trả giá đó. Chính vì vậy các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều cá hồi Na Uy hơn, chúng tôi không nhất thiết cứ đẩy sản lượng mà tập trung vào chất lượng", ông phân tích.

Ông cũng thông tin rằng Chính phủ Na Uy luôn đặt ra trần sản xuất và đánh bắt hải sản chung, không thể tăng sản lượng tùy ý. Ngành thủy sản Na Uy đặc biệt chú trọng đến tính bền vững, chất lượng và an toàn thực phẩm. Và để có được điều này đã có một khung pháp lý đủ mạnh để đảm bảo hải sản từ khi thu hoạch đến khi chế biến, vận chuyển phải theo các tiêu chuẩn cao nhất. "Đây cũng là điều mà Việt Nam cần lưu ý để phát triển nuôi trồng thủy sản, tăng giá trị", ông lưu ý.

Từ câu chuyện trên, ông Nguyễn Hoàng Anh - chủ tịch Công ty đầu tư thủy sản Nam Miền Trung - thắc mắc vì sao cá hồi ở Na Uy chỉ 10 USD/kg mà sang Việt Nam lên đến 30 USD người tiêu dùng vẫn chọn mua. Đó là họ có tiêu chuẩn, có tiêu chí sản phẩm, có chất lượng sản phẩm nên họ tự tin đưa sản phẩm của mình ra thế giới. 

"Trong khi ngành tôm Việt Nam từ hơn 10 năm chỉ loay hoay ở con số 3-4 tỉ USD. 10 năm mà con số cũng chỉ có vậy thì lợi nhuận đâu ra, trượt giá đã hết rồi", ông Hoàng Anh nói.

Ông Lê Hà Luân - bí thư Thành ủy Hồng Ngự (Đồng Tháp) - nói rằng Việt Nam phải học hỏi Na Uy khi họ thống kê mỗi năm có bao nhiêu bữa ăn cá hồi, con cá từ trong trứng lên đến bàn ăn đều được đảm bảo an toàn thực phẩm. 

"Bài học của Na Uy cho thấy sản lượng không phải là tất cả. Việc chế biến sâu nâng cao chuỗi giá trị sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho toàn ngành thủy sản Việt Nam", ông Luân khẳng định.

Liên kết tạo ra lợi thế cho thủy sản Việt

Ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký VASEP - nhận định: "Thủy sản Việt Nam có nhiều lợi thế như sản phẩm đa dạng, phát triển theo mô hình kinh tế xanh, có điều kiện sản xuất sản phẩm mới từ các phụ phẩm". 

Nhưng ngành thủy sản cần phải tăng cường liên kết theo chuỗi để tạo ra sản phẩm phù hợp, tăng cường liên kết trong chế biến để đa dạng chuỗi sản phẩm cho nhiều thị trường và cũng như tăng cường liên kết hệ sinh thái để kiểm soát chất lượng và phát triển thị trường. 

"Cần có những thương hiệu mạnh, mô hình khép kín để khẳng định chất lượng, giá trị gia tăng, giúp thương hiệu thủy sản Việt Nam phát triển hơn nữa trên thị trường thế giới", ông Hòe nói.

Ông Võ Đức Trí - phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Thủy sản Việt Úc - lấy một ví dụ điển hình về chuỗi liên kết còn thiếu của ngành thủy sản Việt Nam, thiếu ngành phụ trợ cho ngành tôm. Đó là dù con tôm được nuôi "hoàn hảo", không sử dụng kháng sinh nhưng nước đá để ướp tôm đến nhà máy, ra thị trường lại không đảm bảo thì mầm bệnh có thể xâm nhập. Do đó tập đoàn này phải đặt nhà máy chế biến sát bên vùng nuôi. 

"Phải nghiêm khắc, loại khỏi cuộc chơi những cơ sở không lành mạnh, những con sâu làm rầu nồi canh", ông Trí nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ghi nhận mức tăng trưởng cao của ngành thủy sản những năm qua. Tuy vậy, ông Tiến cũng nhìn thẳng vào những khó khăn, đặc biệt là hạ tầng thủy sản mà ngành đang đối mặt. 

Theo ông, để đạt được chỉ tiêu đề ra, ngành nông nghiệp phải nâng cao cạnh tranh về con giống, thức ăn, an toàn sinh học, đặc biệt là các chủng loại được nuôi trồng chủ đạo như tôm, cá tra...

Ngoài ra, phải đẩy mạnh xúc tiến vào các thị trường lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trong giai đoạn xem xét các dự án khoa học công nghệ để phục vụ được yêu cầu của sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt phát triển hạ tầng. Phải đi theo hướng nuôi trồng theo chuỗi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm từ sản xuất đến bàn ăn... để đảm bảo tiêu chí cho thị trường xuất khẩu.

"Sắp tới Thủ tướng sẽ làm việc với ngành nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản để cải thiện các vấn đề, đạt được các mục tiêu xuất khẩu ngành", ông Tiến cho hay.

Nhà báo Lê Thế Chữ (tổng biên tập báo Tuổi Trẻ):

Đồng hành xuyên suốt cùng ngành thủy sản

Những phát biểu tại hội thảo lần này và hai hội thảo lần trước tại Sóc Trăng và Bình Định là cơ sở để báo Tuổi Trẻ tiếp tục đồng hành xuyên suốt cùng ngành thủy sản, trên hành trình phát triển, nâng tầm giá trị thủy sản Việt Nam. Chúng tôi sẽ mang những tiếng nói đầy trách nhiệm đến từng tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tuổi Trẻ cũng sẽ tiếp tục triển khai thêm các tuyến đề tài về thủy sản Việt Nam để tạo ra những diễn đàn thảo luận, đóng góp thêm tiếng nói vào mục tiêu và giải pháp phát triển ngành công nghiệp thủy sản. Chúng tôi dự kiến sẽ triển khai giai đoạn 2 diễn đàn "Phát triển ngành công nghiệp thủy sản Việt Nam" ở một tầm mức sâu rộng hơn, liên quan đến nhiều đối tượng hơn, gia tăng kết nối, tạo cơ hội hợp tác, đầu tư giữa các bên liên quan.

Ông Nguyễn Công Vinh (phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao là một trong bốn trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Để phát huy hết tiềm năng, để ngành thủy sản phát triển bền vững tỉnh đang và sẽ tập trung khai thác thủy sản vùng lộng, vùng ven gắn với nuôi trồng và du lịch sinh thái. Ngoài ra sẽ mạnh mẽ chuyển đổi các nghề khai thác xâm hại đến nguồn lợi thủy sản.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chú trọng phát triển nuôi thủy sản lồng bè theo hướng công nghệ cao, đồng thời tinh chế các mặt hàng để nâng cao giá trị…

Không thiếu vốn cho phát triển thủy sản

Bà Nguyễn Thị Phượng - phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - cho biết tổng dư nợ cấp tín dụng của Agribank hiện nay là 1,5 triệu tỉ đồng, trong đó cho vay trong lĩnh vực thủy sản chỉ có 40.000 tỉ đồng - chiếm 2,5% tổng dư nợ.

"Nguồn vốn chúng tôi không thiếu, cơ chế chính sách không thiếu. Hiện nay chúng tôi có nguồn vốn cho các dự án xanh, các dự án đảm bảo về môi trường, phát triển bền vững được cho vay với lãi suất rất ưu đãi", bà Phượng nói.

Theo đại diện Agribank, trong 40.000 tỉ đồng vốn vay cho thủy sản thì ngành nuôi trồng chiếm trên 83,5% nhưng khách hàng doanh nghiệp chỉ chiếm 3,7%, còn lại là khách hàng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.

Để phát triển ngành thủy sản Việt Nam, bà Phượng đề xuất bộ, ngành và các địa phương có biển quan tâm đến quy hoạch, vùng sản xuất. Trong đó cần có cụm công nghiệp kinh tế biển, có cơ chế thu hút nhà đầu tư cho hạ tầng, đảm bảo môi trường nuôi trồng đồng nhất, thu hút các nhà đầu tư về ươm giống, thức ăn, sơ chế, chế biến…

Bà Phượng chia sẻ rằng quản lý rủi ro về môi trường, quy trình, chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng với ngân hàng thương mại. Điều này tạo nên mô hình khép kín. Lúc này các công ty bảo hiểm mới dám vào bảo hiểm rủi ro, các dự án mới được bảo hiểm thì các ngân hàng sẵn sàng đầu tư bởi rủi ro đã giảm thiểu.

Doanh nghiệp thủy sản đẩy nhanh chế biến hàng giá trị gia tăngDoanh nghiệp thủy sản đẩy nhanh chế biến hàng giá trị gia tăng

Trước cạnh tranh gay gắt về thủy sản nguyên liệu, thủy sản chế biến thô, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, chế biến hàng giá trị gia tăng để tăng tốc xuất khẩu, đem lại lợi nhuận cao hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên