04/08/2023 08:50 GMT+7

Chất alcaloid trong quả hồng châu gây ngộ độc chết người có trong những loại cây nào?

11 trẻ ở Hà Giang bị ngộ độc alcaloid khi ăn quả hồng châu, 1 trẻ đã tử vong, 3 trẻ nặng được chuyển xuống Bệnh viện Nhi trung ương. Chất alcaloid gây độc ra sao và có trong những loại cây nào để phòng tránh?

Trẻ bị ngộ độc khi ăn quả hồng châu tại Hà Giang - Ảnh: BVCC

Trẻ bị ngộ độc khi ăn quả hồng châu tại Hà Giang - Ảnh: BVCC

Độc tố mạnh, nhai hạt có thể gây tử vong tại chỗ

Theo tiến sĩ Lê Ngọc Duy - trưởng khoa cấp cứu - chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho các trường hợp bị ngộ độc hồng châu mà chủ yếu là điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng.

Quả hồng châu có thành phần chính là alcaloid, axit amin, axit cacboxylic, flavonoid, polyphenol… Độc tố chính của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch. Một số hoạt chất khác có thể gây tổn thương các cơ quan khác như gan, thận…

Phân tích về độc tố alcaloid trong quả hồng châu, dược sĩ Trần Xuân Thuyết, nguyên chuyên gia dược học Công ty Dược liệu Trung ương 1, cho biết độc tố chính của quả hồng châu chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả, tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp. Nếu trẻ ăn quả hồng châu cả hạt, thậm chí nếu nhai nát hạt thì có thể tử vong ngay tại chỗ vì trụy tim mạch, suy hô hấp.

Kết quả thử nghiệm độc tố alcaloid trong quả hồng châu trên động vật cho thấy liều tối thiểu gây chết (LDmin) qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng (động vật chết do suy hô hấp và trụy tim mạch).

Theo dược sĩ Trần Xuân Thuyết, alcaloid là những chất độc để cây tự vệ, chống sự phá hoại của người và súc vật. Có người cho rằng đó là một dạng chất dự trữ trong cây, vì chúng được sử dụng khi hạt nảy mầm...

Alcaloid là những hợp chất hữu cơ phức tạp, chứa nitơ (bắt buộc), ngoài carbon, hydro, thường chứa oxy. Những alcaloid chứa oxy thường là những chất có dạng rắn. Một số alcaloid không chứa oxy thường ở dạng lỏng, dễ bay hơi như nicotin, anabazin... Các alcaloid có phản ứng kiềm và có tác dụng dược lực mạnh với liều nhỏ.

Trong cây, các alcaloid thường ở dạng muối của các axit hữu cơ như axit malic, limonic, oxalic, succinic... Dưới dạng này, chúng dễ tan trong nước nên dễ hấp thu qua bộ máy tiêu hóa của người và động vật và gây độc mạnh.

Khi ở dạng tự do (dạng base), các alcaloid khó tan trong nước nhưng lại dễ tan trong các dung môi hữu cơ như rượu, ête, cloroform.

Alcaloid có trong nhiều loại cây và thuốc

Dược sĩ Thuyết phân tích, alcaloid có rất nhiều loại và người ta chưa phân biệt alcaloid trong cây hồng châu là loại gì. Tuy nhiên, trong các loại alcaloid có nhóm các alcaloid đặc biệt - glycoalcaloid là những chất gây độc mạnh.

Trong nhóm này, alcaloid là phần aglycon của glycosid tương ứng. Điển hình của loại này là solanin trong mầm khoai tây. Khi thủy phân, solanin sẽ cho solanidin T (alcaloid) và 3 đường (glucose, ramnose và galactose).

Alcaloid cho kết tủa với một số axit như axit silicotungstic, axit phosphomolipdic và tanin. Lợi dụng tính chất này, người ta dùng axit tanic hoặc nước sắc các cây chứa tanin (chất chát) để giải độc khi bị ngộ độc alcaloid.

Trong một cây thường đồng thời có nhiều alcaloid, chẳng hạn trong cây thuốc phiện có hàng chục alcaloid; ở hạt mã tiền có 3 - 4 alcaloid. Ngược lại, một alcaloid có thể tìm thấy ở nhiều cây khác nhau, như berberin có ở hàng chục loài, thuộc ít nhất 5 họ thực vật khác nhau.

Hàm lượng alcaloid trong cây rất khác nhau. Ngày nay, với những phương pháp hiện đại, có độ nhạy cao, người ta có thể phát hiện được vi lượng alcaloid trong nhiều loài. Nhưng theo quy ước, chỉ những cây có hàm lượng alcaloid lớn hơn một phần vạn mới được xem là cây có alcaloid. 

Tỉ lệ alcaloid trong nhiều cây chiếm từ một vài phần nghìn đến một vài phần trăm (so với trọng lượng khô của cây), vỏ cây canhkina là một trường hợp đặc biệt, có thể chứa tới 10 phần trăm alcaloid.

Dược sĩ Thuyết cho biết thêm, đã có nhiều ý kiến tranh luận về vai trò của alcaloid trong cây. Có người cho rằng alcaloid là những chất độc để cây tự vệ, chống sự phá hoại của người và súc vật. 

Có người cho rằng đó là một dạng chất dự trữ trong cây, vì chúng được sử dụng khi hạt nảy mầm. Có ý kiến khác lại cho rằng alcaloid là sản phẩm cặn bã của quá trình trao đổi chất trong cây... Đến nay, chưa ý kiến nào được thừa nhận rộng rãi.

Một số cây độc chứa alcaloid như: cây thuốc phiện, cây ô đầu, cây mã tiền, cây cà độc dược...

Những alcaloid này được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người rất hiệu quả như alcaloid của cây thuốc phiện (morphine làm thuốc tiêm để giảm đau, codein làm thuốc giảm ho...) Những loại thuốc này đều do bác sĩ kê đơn, không được tự ý sử dụng vì sẽ sinh ngộ độc nguy hiểm tính mạng.

"Gia đình khi thấy con ăn phải quả hồng châu cần cho con uống nhiều nước và gây nôn, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất bằng xe cơ giới (tuyệt đối không để trẻ đi bộ).

Hiện đang là mùa quả hồng châu chín (tháng 6, 7, 8), để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là trẻ em, các cấp chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của quả hồng châu cũng như các loại quả dại khác, tuyệt đối không ăn thử dù chỉ một lần nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra" - tiến sĩ Lê Ngọc Duy khuyến cáo.

11 trẻ ngộ độc quả hồng châu, 1 em chết, 3 em nguy kịch11 trẻ ngộ độc quả hồng châu, 1 em chết, 3 em nguy kịch

Liên tiếp trong hai ngày 31-7 và 1-8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang tiếp nhận 11 trẻ bị ngộ độc quả hồng châu, trong đó 1 trẻ đã tử vong, 3 trẻ nguy kịch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên