25/06/2021 08:30 GMT+7

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6: Dạy môn mới như thế nào?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Môn khoa học tự nhiên, môn địa lý và lịch sử, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm... là những môn học lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình lớp 6 từ năm học 2021-2022 này.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6: Dạy môn mới như thế nào? - Ảnh 1.

Giáo viên cốt cán các trường trung học dự tập huấn triển khai chương trình mới - Ảnh: VĨNH HÀ

Việc dạy và học những môn mới này ra sao là mối quan tâm của thầy cô, học sinh và phụ huynh.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (hay còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông mới) sẽ bắt đầu thực hiện ở bậc THCS vào năm học 2021-2022 với những môn học rất mới đang được Bộ GD-ĐT hướng dẫn chuẩn bị thực hiện.

Mở mã ngành đào tạo giáo viên tích hợp

Môn khoa học tự nhiên là một môn học mới ở bậc THCS, trước đây chưa từng có. Đây là môn học tích hợp với các phân môn vật lý, hóa học, sinh học. Hiện tại một số trường sư phạm mới đang chuẩn bị mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy khoa học tự nhiên, còn trước đây chỉ đào tạo đơn môn tương ứng các môn học riêng rẽ: vật lý, hóa học, sinh học.

Văn bản hướng dẫn triển khai chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 vừa được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ ban hành nêu: Chương trình môn khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời.

Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), với chương trình mới, hiệu trưởng các trường sẽ chủ động trong việc xây dựng phân phối chương trình, xếp thời khóa biểu phù hợp với điều kiện hiện có để đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Với môn mới như môn khoa học tự nhiên, do các chủ đề được xây dựng theo logic khoa học nên tùy thứ tự chủ đề phù hợp với giáo viên phân môn nào thì xếp thời khóa biểu cho giáo viên phân môn đó dạy theo thứ tự.

Như vậy nếu giáo viên vật lý được bố trí dạy trước các chủ đề của môn khoa học tự nhiên lớp 6 thì giáo viên hóa học, sinh học có thể được bố trí dạy lớp 7, 8, 9 và lần lượt được bố trí tráo đổi phù hợp. Nên không lo chuyện giáo viên bị dư thừa, ngồi chơi xơi nước khi các môn độc lập được tích hợp vào khoa học tự nhiên.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các hiệu trưởng cũng có thể xếp dạy đồng thời các chủ đề của môn học trong cùng một học kỳ, nhưng phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm. Có nghĩa chỉ xếp dạy đồng thời các chủ đề không bắt buộc phải theo thứ tự phù hợp với tiến trình nhận thức của học sinh.

Với các chủ đề tích hợp có phần nội dung của cả 3 môn học, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn cùng xây dựng kế hoạch dạy học/hoạt động trải nghiệm/thực hành. Nội dung nghiêng về môn nào hơn sẽ giao cho giáo viên môn đó đảm nhiệm hoặc giao cho giáo viên có năng lực phù hợp đảm nhiệm.

Tương tự ở môn lịch sử và địa lý, gồm phân môn lịch sử và địa lý được thiết kế theo mạch nội dung riêng, bên cạnh nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau.

Bộ GD-ĐT hướng dẫn hiệu trưởng các trường trung học phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Mỗi phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.

Phù hợp với thực tế

Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định bắt buộc thực hiện thời lượng dành cho nội dung giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.

Tương tự, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bao gồm các nội dung hoạt động được tổ chức trong và ngoài nhà trường với các hình thức hoạt động chủ yếu là sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ.

Căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, hiệu trưởng phân công cán bộ quản lý, giáo viên đảm nhận việc tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp với năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên.

Theo hướng dẫn cụ thể về lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT, các nhà trường phải xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn. Giáo viên phải có kế hoạch giáo dục của giáo viên và kế hoạch bài dạy (giáo án) theo định hướng mới: dạy học phát triển năng lực phẩm chất người học.

Nhưng sẽ chỉ bắt buộc thực hiện với giáo viên sẽ dạy lớp 6 năm học 2021-2022 (dạy chương trình mới). Giáo viên dạy các lớp 7, 8, 9 (chương trình cũ) sẽ tiếp cận dần với định hướng mới trong xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy.

* Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH (vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT):

Tham khảo, học hỏi chứ không copy, mua bán giáo án

Nhiều giáo án "4 bước" được chia sẻ trên mạng xã hội dài 18-20 trang/bài không đúng với yêu cầu, tinh thần hướng dẫn. Bộ GD-ĐT khuyến khích các cộng đồng giáo viên cùng thực hiện, chia sẻ và trao đổi việc xây dựng kế hoạch bài dạy các môn học để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình thiết kế bài dạy của mỗi giáo viên.

Nhưng không đồng tình với việc mua bán, copy giáo án chỉ để đối phó với kiểm tra. Các tổ chuyên môn ở mỗi nhà trường cần phát huy vai trò trong thảo luận, nghiên cứu hướng dẫn, cùng giáo viên tháo gỡ khó khăn khi tiếp cận với định hướng mới trong triển khai chương trình giáo dục 2018.

Tránh vận dụng máy móc dẫn đến đối phó

Tháng 12-2020, Bộ GD-ĐT có công văn 5512/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục. Đi kèm theo đó là các phụ lục, trong đó có phụ lục xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án).

Nhiều cấp quản lý và lãnh đạo nhà trường không chỉ đạo đúng khiến giáo viên thực hiện hình thức, đối phó, chỉ soạn giáo án để trình báo kiểm tra trong thời gian ngắn, gây bức xúc với những người mong muốn hướng đến dạy học thực chất.

Nhiều cấp lãnh đạo khi kiểm tra kế hoạch bài dạy của giáo viên đã vận dụng văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT một cách máy móc. Cụ thể bắt buộc giáo viên phải soạn giáo án bài dạy với 4 hoạt động, mỗi hoạt động có 4 bước.

Một số nhà trường yêu cầu giáo viên phải trình giáo án "4 bước" trong thời gian ngắn ngay sau khi hướng dẫn 5512 ban hành, không tổ chức cho giáo viên nghiên cứu hướng dẫn, thảo luận trong tổ chuyên môn. Thời gian gấp gáp, không được tập huấn, kiểm tra máy móc dẫn tới việc thực hiện yêu cầu trong công văn 5512 ở nhiều nơi chỉ mang tính hình thức.

Giáo viên lớp 6 phải soạn giáo án theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới Giáo viên lớp 6 phải soạn giáo án theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới

TTO - Bộ Giáo dục và đào tạo vừa ban hành hướng dẫn triển khai chương trình giáo dục cho năm học sắp tới, đặc biệt có những lưu ý trong việc tổ chức dạy học ở lớp 6, như phải soạn giáo án theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên