06/10/2023 10:24 GMT+7

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 4: Sài Gòn thuở đầu lên ảnh

Nhiếp ảnh - một sáng chế kỳ diệu của Louis Daguerre (Pháp), ra đời năm 1837. Đúng 22 năm sau, ống kính lạ lùng ấy bắt đầu "đổ bộ" vào Sài Gòn theo đội quân viễn chinh.

Ảnh toàn cảnh của Emille Gsell chụp hai bờ sông Sài Gòn, một bên là Thủ Thiêm, một bên là Bến Bạch Đằng ngày nay - Ảnh chụp khoảng sau 1865

Ảnh toàn cảnh của Emille Gsell chụp hai bờ sông Sài Gòn, một bên là Thủ Thiêm, một bên là Bến Bạch Đằng ngày nay - Ảnh chụp khoảng sau 1865

Berry Bennett, tác giả sách Early Photography in Viet Nam - Nhiếp ảnh thuở đầu ở Việt Nam, cho biết ông sưu tầm được một bức hình chụp một bến sông Sài Gòn, ghi năm chụp là 1859.

Hình ảnh trung tâm là ngôi nhà tranh lớn nhưng xung quanh đầy vẻ hiu quạnh. Người chụp là Paul Emile Berranger - nhà nhiếp ảnh tháp tùng Hải quân Pháp. Có lẽ, đây là bức ảnh của thuở đầu Sài Gòn lên ảnh.

Cảnh Bến Bạch Đằng và cảng Nhà Rồng thuở Émille Gsell chụp năm 1866

Cảnh Bến Bạch Đằng và cảng Nhà Rồng thuở Émille Gsell chụp năm 1866

Cảnh một đám cưới do Émille Gsell chụp năm 1866

Cảnh một đám cưới do Émille Gsell chụp năm 1866

Émile Gsell chụp ảnh trên bến dưới thuyền ở Chợ Lớn năm 1866

Émile Gsell chụp ảnh trên bến dưới thuyền ở Chợ Lớn năm 1866

Chàng trai Paris "chộp ảnh" thành phố mới

Tuy nhiên từ thập niên 1860 trở đi, Sài Gòn đã lên ảnh rất nhiều. Tại các trung tâm lưu trữ, bảo tàng và các bộ sưu tập cá nhân ở các nước phương Tây, hiện vẫn đang giữ các ảnh chụp Sài Gòn vào cuối thế kỷ 19.

Chúng là "tấm gương" vô giá giúp chúng ta "soi lại" chân dung thành phố buổi giao thời xưa cổ và hiện đại. Đặc biệt có nhiều bức ảnh độc đáo của một anh lính châu Âu, về sau trở thành nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Đi lính đến Đông Dương năm 26 tuổi, Émille Gsell - chàng trai Paris gốc Đức, được học nghề nhiếp ảnh trong quân ngũ. Anh say sưa vùng đất mới và đã "chộp" một loạt ảnh về cảnh quan, kiến trúc, con người Sài Gòn thuở mới chuyển hóa thành đô thị.

Nhiều bức ảnh được thực hiện công phu, bố cục chuyên nghiệp, đề tài phong phú, đủ giá trị báo chí và lịch sử.

Trong đấy, nổi bật nhất là ảnh chụp toàn cảnh bờ sông Sài Gòn, thể hiện góc rộng, không gian bao la từ phía Thủ Thiêm băng sang xưởng đóng tàu Ba Son và cột cờ Thủ Ngữ.

Các "nhân vật chính" của ảnh là những thương thuyền đồ sộ nước ngoài - tương phản ghe thuyền nhỏ bé của dân địa phương.

Kế đến là tòa nhà Cosmopolitan ba tầng, mang kiểu dáng mới mẻ (nay là tòa nhà hải quan) do một thương gia Singapore đầu tư để vừa làm khách sạn vừa là cao ốc văn phòng đầu tiên của Sài Gòn.

Xung quanh, rải rác ven bờ sông khi ấy chưa có bờ kè, xuất hiện nhiều tòa nhà một tầng ẩn hiện trong các tàng cây xanh. Xa xa cuối ảnh, có thể nhận ra ngọn tháp tu viện Sainte - Enfance (Saint Paul), được xây năm 1864.

Để chụp được bức ảnh bao quát lớn lao, chắc hẳn Émille đã chụp từ tầng thượng của tòa Nhà Rồng ở mũi tàu Khánh Hội. Thời đó, với chiếc máy ảnh kềnh càng, ghi hình trên kính, chàng trai trẻ phải mất nhiều công sức tính toán và chụp nhiều lần để có được bức ảnh hoàn hảo.

Đồng thời, Émille, còn có một bức ảnh rất đẹp với chú thích năm 1866, ghi nhận cảnh quan giao lộ Napoleon (Bến Bạch Đằng) và Catinat (Đồng Khởi) vừa mới hoàn thành. Qua ảnh, cột cờ Thủ Ngữ cao vút như cột buồm khổng lồ.

Phía sau là tòa Nhà Rồng hùng vĩ mà mái nhà được thiết kế theo lối Việt Nam với hình tượng hai con rồng oai vệ trên mái. Bên trái tòa Nhà Rồng là ba con tàu bề thế đang cập bến, phản ánh sinh hoạt nhộn nhịp của Thương cảng Sài Gòn mới mở.

Trong ảnh, ta còn nhận ra những hàng cây mới trồng được xếp thẳng tắp ven lề đường. Khá nhiều cây non đều có các cọc bao quanh gìn giữ. Bức ảnh chính là chứng tích cho thấy những hàng cây đem đến bóng mát và màu xanh đặc sắc của trung tâm thành phố đã được vun trồng từ hơn 160 năm trước!

Nhìn kỹ hơn, ta sẽ phát hiện các vỉa hè đã có gờ ngăn cách, phân biệt rõ lòng và lề đường. Ngoài ra, ở góc đường đã xây vuông vắn một hố ga thoát nước. Tiền cảnh bức ảnh còn cho thấy những khối đá xanh vuông vắn đang đặt trên nền đất, chuẩn bị cho xây cất nhà cửa.

Cả hai bức ảnh của Émille đã hé lộ chân dung một cảng thị hiện đại và thành phố công nghiệp quy cũ đang được kiến tạo ở châu Á. Ống kính Emille cũng ghi lại sống động nhiều công trình kiên cố tân thời của Sài Gòn từ các phố xá, chợ búa đến dinh thự, bệnh viện, quán cà phê...

Ảnh của Emille Gsell ghép chân dung người Sài Gòn và Nam Kỳ trong khoảng nửa cuối thập niên 1860 đầu 1870

Ảnh của Emille Gsell ghép chân dung người Sài Gòn và Nam Kỳ trong khoảng nửa cuối thập niên 1860 đầu 1870

Dấu tích Sài Gòn cổ

Không chỉ chụp các cảnh quan và kiến trúc đương đại, đáng quý hơn nữa, Émile còn tìm chụp các "cổ vật" và sinh hoạt truyền thống của đất Gia Định. Điển hình là bức ảnh đồn Cây Mai (hiện là khu vực quân sự trên đại lộ Hồng Bàng, quận 6).

Tại đây, Émile chụp hình một hàng quân đứng trước một tòa nhà hai tầng có hình dáng thanh thoát tương tự Khuê Văn Các ở Hà Nội.

Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) cho biết đồn Cây Mai thời xưa là nơi các vị quan thường đến ngắm hoa mai trắng và ngâm vịnh thơ phú.

Émille còn chụp ảnh Lăng Cha Cả - công trình xây dựng khoảng 1799. Đấy là lăng mộ và nơi thờ tự Giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine), được thiết kế theo kiểu đình Việt. Vẻ tráng lệ của nó không chỉ phản ánh đường nét kiến trúc mà còn là tập tục văn hóa của người Việt trước khi Pháp đến.

Mặt khác, qua nhiều bức ảnh, Émille giúp chúng ta nhận diện khu phố thương mại Chợ Lớn trên bến dưới thuyền với nhiều kiến trúc đậm nét Trung Hoa, đồng thời lưu lại hình ảnh các làng mạc nông nghiệp và thủ công xung quanh Sài Gòn, bao gồm các bến đò, ruộng lúa, lò gạch, đền chùa...

Qua những bức ảnh ấy, chúng ta có thể nhận ra đời sống cổ truyền ở Nam Kỳ, nhất là khung cảnh Sài Gòn nửa thôn, nửa thị đã bắt đầu mở mang đi vào công nghiệp hóa.

Chân dung người xưa đa dạng

Ngoài Sài Gòn và Nam Kỳ, Émill còn chụp ảnh Angkor, Phnom Penh, Huế, Hà Nội và Hải Phòng khi đi cùng các phái đoàn thám hiểm và sứ đoàn ngoại giao Pháp. Tuy nhiên, cuối cùng Émille đã chọn Sài Gòn làm nơi sinh sống lâu dài.

Ông mở hiệu ảnh mang tên mình, thực hiện các dịch vụ chụp ảnh chân dung, cũng như cung cấp bưu ảnh. Trong số bưu ảnh của Émille, có ít nhất là ba bức ghép chân dung của hàng chục người, rất kỳ công.

Cả ba bức đều được trình bày theo lối fantasy ngẫu hứng, không ngay hàng thẳng lối, thể hiện tính đa dạng cộng đồng bản xứ đa sắc tộc, đa văn hóa của Sài Gòn và Nam Kỳ. Xem ảnh, chúng ta nhận ra ngoài đông đảo người Việt, có thêm người Khmer, người Hoa.

Về nghề nghiệp, có người là quan chức, nhà nho, thầy đồ, sư sãi, nông dân, thợ thuyền, người bán hàng rong...

Đáng chú ý, gương mặt nhà giáo Petrus Trương Vĩnh Ký, người đồng niên với Émille với đôi mắt sáng và chiếc khăn xếp chỉn chu, luôn nằm giữa bức ảnh. Để có ba bức ảnh ghép hay lạ kể trên, Émille đã đi nhiều nơi chụp một loạt chân dung người địa phương từ ngoài trời đến trong nhà. Song, ông không để lại một ảnh chân dung nào của mình!

Émille Gsell mất ở Sài Gòn, khi mới 42 tuổi. Với hơn 100 ảnh chụp Sài Gòn và Đông Dương rất giá trị, ông xứng đáng là người viết sử bằng ảnh tiên phong của dải đất này cuối thế kỷ 19. Mong các ảnh của ông sẽ được giới thiệu kỹ lưỡng và trang trọng ở các bảo tàng Việt Nam.

-------------------

Ảnh nghệ thuật của Nguyễn Bá Mậu lặng lẽ đưa hình ảnh Đà Lạt đi xa, làm ngân dài những kỷ niệm đẹp trong lòng lữ khách ghé qua thành phố và gửi tới tương lai dư ảnh về một đô thị hiền hòa, thơ mộng.

Kỳ tới:Đà Lạt và sương khói hôm qua

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 3: Người lính nơi sông Hồng chảy vào nước ViệtChuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 3: Người lính nơi sông Hồng chảy vào nước Việt

Đó là hình ảnh người lính biên phòng vui đùa hồn nhiên cùng trẻ thơ miền sơn cước mà tôi không thể nào quên được dù 15 năm đã trôi qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên