18/01/2024 12:58 GMT+7

Đạo thầy trò - Kỳ 6: Thầy gọi là chúng con có mặt

Mặc cho thế sự cứ diễn ra những chuyện xót xa về tình thầy trò sa sút đến đau lòng, sư môn võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do ở Huế vẫn cứ bình yên qua bao năm tháng bằng đạo nghĩa mà thầy trò họ tôn kính và thực hành mỗi ngày.

Lễ nghĩa của thầy trò Nghĩa Dũng - Ảnh: M.TỰ

Lễ nghĩa của thầy trò Nghĩa Dũng - Ảnh: M.TỰ

Chuyện thầy trò Nghĩa Dũng phải viết vài pho sách mới hết. Ở đây, tôi xin kể vài chuyện để ấm lòng nhau mà tin vào đạo thầy trò giữa phong ba thời thế.

"Bất cứ lúc nào thầy gọi, con sẽ có mặt!"

Theo lịch trình thường niên của võ đường Nghĩa Dũng, ngày cuối tháng 6 hằng năm là thầy trò họ cùng nhau hành quân lên đỉnh núi Bạch Mã - ngọn núi cao ở phía nam Huế mà võ đường này chọn làm biểu tượng.

Đó là bài thi dành cho các tân huyền đai và cũng là dịp để huynh đệ Nghĩa Dũng từ các nơi tìm về hội ngộ trên đỉnh núi mà họ đã từng được sư phụ Nguyễn Văn Dũng thắt lên người chiếc đai màu đen.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng và học trò - một hình ảnh biểu tượng của đạo thầy trò Nghĩa Dũng - Ảnh: M.TỰ

Võ sư Nguyễn Văn Dũng và học trò - một hình ảnh biểu tượng của đạo thầy trò Nghĩa Dũng - Ảnh: M.TỰ

Đêm 30-6-2018, hơn 200 võ sinh tân huyền đai và các sư huynh, sư đệ đang quây quần quanh sư phụ để chuẩn bị cho buổi sinh hoạt tập thể. 8h tối, nhìn quanh không thấy sư huynh Lê Thanh Phong (hiện đang sống và làm báo ở Sài Gòn), ai cũng xuýt xoa, có lẽ anh Phong bận lắm mới không về.

Thì ngay lúc đó, anh Phong cũng vừa xuất hiện, như thể trên trời rơi xuống.

Người võ sư to cao vạm vỡ bước tới cúi chào sư phụ. Tôi hỏi mới biết anh vừa xong việc lúc cuối buổi chiều ở Sài Gòn thì bay ngay ra Huế rồi tìm xe để vượt qua chặng đường gần 40 cây số đi thẳng lên đỉnh núi Bạch Mã, nơi đoàn quân Nghĩa Dũng đang cắm trại. Anh cười tươi sung sướng và cúi chào toàn thể huynh đệ mình.

Khi sư phụ mời anh tâm sự đôi lời với các em tân huyền đai, người đàn ông mạnh mẽ, can trường ấy đã nghẹn ngào rất lâu rồi nói: "Con về đây vì lời hứa: Bất cứ khi nào thầy gọi, con sẽ có mặt! Về đây để có mặt cùng các em, cùng các huynh đệ thân thương của Nghĩa Dũng".

Ca sĩ Quang Lý hát cùng thầy trò Nghĩa Dũng trong ngày sinh nhật thầy - Video: M.TỰ

Bay hơn nửa vòng Trái đất để về với thầy

Ngày 16-7-2017, vợ chồng sư phụ Nguyễn Văn Dũng, người sáng lập võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do, kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Học trò Lê Thanh Phong tự nguyện đứng ra cùng anh em tổ chức ngày lễ cho thầy cô mình.

Hai tháng trước đó, anh đã về Huế lo xong mọi việc. Nhưng hai ngày trước lễ kỷ niệm, Phong vẫn đang còn ở Mỹ do công việc chưa xong. Vậy mà sáng 15-7, anh đã có mặt ở Huế, vừa đủ thời gian để cử hành "hôn lễ" của thầy trong sự bất ngờ của cả võ đường.

Để về kịp Huế trong ngày 15-7, anh đã bay từ Los Angeles đến San Francisco (Mỹ). Từ đó, anh bay về Quảng Châu (Trung Quốc). Do gặp thời tiết xấu nên máy bay phải đáp xuống sân bay Vũ Hán, rồi từ Vũ Hán đi Quảng Châu.

Sau đó, bay từ Quảng Châu về Tân Sơn Nhất 4h sáng, lấy chuyến bay đầu tiên đi thẳng ra Huế luôn. Tổng cộng anh phải bay năm chuyến, qua sáu sân bay, hết 48 giờ, để về kịp trước một ngày.

Một chuyến đi quá vất vả vì liên tục quá cảnh, qua hơn nửa vòng Trái đất để về Huế chỉ vì "Bất cứ lúc nào thầy gọi, con sẽ có mặt!". Và có mặt đúng ngày giờ! Đêm đó, 16-7-2017, tôi không phải là môn sinh Karate-Do nhưng đã được sống trong bầu không khí ấm áp của thầy trò Nghĩa Dũng.

Ở Nghĩa Dũng Karate-Do, chúng tôi không chỉ học võ mà còn trưởng thành nhân cách nhờ được dạy những điều hay lẽ phải. Những điều này đều có trong sách, nhưng quan trọng hơn, đó là thầy đã làm, đã sống để chúng tôi học theo.
PGS.TS - bác sĩ Lê Đình Khánh, Trường đại học Y Dược Huế, võ sư đệ lục đẳng Karate-Do, môn sinh Nghĩa Dũng

Trò đưa thầy đi khắp thế gian

Thầy trò Nghĩa Dũng hành quân lên núi Bạch Mã. Võ sư Dũng là người đi giữa các học trò -  Ảnh: M.TỰ

Thầy trò Nghĩa Dũng hành quân lên núi Bạch Mã. Võ sư Dũng là người đi giữa các học trò - Ảnh: M.TỰ

Người ta thường dùng thành ngữ "đi khắp năm châu bốn biển" để ví von về kẻ lãng du đi lại nhiều nhất thiên hạ.

Nhưng thầy Dũng thì thật sự đi qua năm châu, bốn biển. Lão võ sư vốn là thầy giáo dạy văn, từng làm hiệu trưởng trường THPT, thanh tra giáo dục, đồng sáng lập Đại học Phú Xuân, lại gây bất ngờ khi tâm sự: "Tôi là tín đồ của đạo lãng du".

Thầy đã soi bóng mình xuống những dòng sông lớn của năm châu. Dấu chân thầy đã lưu lại trên những ngọn núi cao của thế giới.

Trong lời "Cảm ơn đôi cánh" mở đầu cuốn du ký Nhớ con sông quê nhà, lão sư phụ tâm tình: "Con chim bay được nhờ đôi cánh. Non phần tư thế kỷ qua, tôi có cơ hội đi đó đi đây nhiều nơi trên thế giới là nhờ bạn bè, học trò, và con cái. Họ như là đôi cánh cho tôi không chỉ bay lên mà còn bay cao và bay xa".

Là bởi vì trước đó, thầy đã luyện võ lực, đã truyền võ đạo, đã nâng cao tâm hồn, đã rèn giũa những đôi chân vững chãi cho bao lứa học trò đi khắp thế giới. Môn đồ của thầy có rất nhiều người. Võ đường Nghĩa Dũng đã mở ra khắp nơi trong nước và nhiều nơi trên thế giới.

Thầy đi đến đâu cũng có học trò ra đón. Chính họ đã giúp thầy thực hiện giấc mơ lãng du qua năm châu bốn biển. Tôi không thể kể hết những cuộc hạnh ngộ tuyệt vời của thầy trò họ bên bờ sông Danube hay trên núi Phú Sĩ.

Bạn cứ đọc hết bộ sách du ký (Đi tìm ngọn núi thiêng, Linh Sơn mây trắng, Lời tự tình của một dòng sông, Nhớ con sông quê nhà) của võ sư - văn sĩ Nguyễn Văn Dũng thì sẽ hiểu lời của cô giáo Tịnh Thy, một môn đồ Nghĩa Dũng: "Thầy đưa trò đi ra thế giới, trò đưa thầy đi khắp thế gian!".

Những lời trò chuyện của thầy Dũng với môn sinh đã được in thành sách, như thể sách giáo khoa về đạo lý làm người - Ảnh: M.TỰ

Những lời trò chuyện của thầy Dũng với môn sinh đã được in thành sách, như thể sách giáo khoa về đạo lý làm người - Ảnh: M.TỰ

Thầy vừa là sư vừa là phụ

Môn sinh Nghĩa Dũng về thăm ngôi nhà xưa của thầy Dũng ở làng Mỹ Á, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. - Ảnh: NGHĨA DŨNG

Môn sinh Nghĩa Dũng về thăm ngôi nhà xưa của thầy Dũng ở làng Mỹ Á, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. - Ảnh: NGHĨA DŨNG

Tháng 10-2018, võ sư Nguyễn Văn Dũng cùng học trò đi tặng sách cho học sinh nông thôn ở tỉnh Phú Yên. Trên đường ghé Quảng Ngãi, ông quyết tìm cho bằng được một người đã quá lâu rồi không gặp.

Ông nói đây là "ân nhân học trò tôi". Ân nhân đó là một vũ sư, tên là Ánh, từng là quán quân khiêu vũ ở miền Nam. Thầy Dũng mời thầy Ánh về dạy khiêu vũ cho học trò võ của mình. Những năm thập niên 1980 nghèo khó, thầy vẫn tìm cho được băng nhạc hay, bộ amply thật chuẩn để học trò khiêu vũ.

Ông vũ sư Ánh ôm thắm thiết võ sư Dũng, nói: "Tui chưa thấy ai như ông thầy này, bắt võ sinh phải biết nhảy đầm thật điệu nghệ để người ta không coi võ sinh là võ biền".

Không chỉ mời thầy dạy khiêu vũ, thầy còn mời ca sĩ Quang Lý về hát, nhà thơ Nguyễn Duy đọc thơ cho võ sinh nghe.

Lập tủ sách ở mỗi võ đường để bàn tay nắm đấm của võ sinh biết cầm cuốn sách. Thầy dạy học trò cách bắt tay, chào hỏi, cách cầm dao nĩa khi dự dạ tiệc, ăn món tây, cách cầm ly rượu vang khác với cầm ly rượu whisky, cách thắt cà vạt...

Võ sư Đoàn Chí Đạo, chủ tịch Liên đoàn Karate-Do Đà Nẵng, thốt lên: "Ui chao, thầy dạy không thiếu thứ gì.

Dạy cách ăn, cách nói, cách cảm ơn, xin lỗi, đúng giờ, đúng hẹn, làm việc chi phải xong việc nấy; dạy cách khen, cách chê, cách lắng nghe, lúc nào thì ngẩng đầu, lúc nào thì phải biết cúi đầu...". Võ sư - nhà báo Lê Thanh Phong rưng rưng: "Thầy dạy dỗ chúng tôi như người cha dạy con. Thầy vừa là sư vừa là phụ!".

Trong buổi lễ "đám cưới vàng" của vợ chồng võ sư Nguyễn Văn Dũng, nhà văn Bửu Ý đã kể lại những chuyến lãng du cùng ông bạn võ sư. "Vừa đến đầu động Thiên Đường, đã thấy học trò ra đón thầy.

Xe rời khỏi Quảng Bình rồi mà học trò vẫn còn chạy xe theo, xin phép được mời thầy và bạn thầy bữa cơm.

Tôi cũng làm nghề giáo, nhưng không được hạnh phúc như thầy Dũng. Tôi nghiệm ra, cũng do học trò của thầy vừa học võ vừa được học văn, rèn võ thuật nhưng phải luyện võ đạo. Văn võ gì cũng phải có đạo thì mới có nghĩa có tình!".

---------------------

Năm ấy, một nam học trò ngỗ ngược đã chửi thề và đánh thầy. Ban giám hiệu định đuổi học, nhưng chính người thầy ấy lại xin cho cậu học trò này được đi học tiếp "vì không muốn em bị dở dang tương lai".

Kỳ tới: Những chuyện ấm lòng ở Trường Nguyễn Thượng Hiền thân thương

Đạo Thầy Trò - Kỳ 5: Thầy cô ơi, chúng em đã về đây!Đạo Thầy Trò - Kỳ 5: Thầy cô ơi, chúng em đã về đây!

20 năm trước, năm 2003, khóa học trò Trường THPT Nông Sơn (Quảng Nam) chúng tôi rời trường. Thời đó khó khăn vô cùng, để đi học đại học là chuyện khó (vì không dễ đỗ đại học như bây giờ).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên