Theo Bộ Giao thông vận tải, với các dự án đường cao tốc đã và đang đầu tư, đến năm 2026 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 554km đường cao tốc.

Dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ kiểm tra thực địa, tiến độ thi công dự án cầu Mỹ Thuận 2 và dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau ngày 30-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần thi công xuyên Tết và gửi gắm, chỉ đạo nhiều công việc cần kíp cho các bộ ngành, địa phương và người lao động.

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 1.

Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, khu vực miền Tây được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô 4 -6 làn xe, gồm:

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 2.

Đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn 1 (4 làn xe) với tổng chiều dài 171km gồm các đoạn tuyến cao tốc: Bến Lức - Trung Lương dài 40km (cao tốc này chính là TP.HCM – Trung Lương nhưng tính từ Bến Lức thuộc địa phận miền Tây, không tính gần 2km thuộc TP.HCM), Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km, Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài 29km, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km.

Trong đó đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ hiện tổ chức giao thông hỗn hợp, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sử dụng mặt đường láng nhựa để chờ lún. Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục đầu tư để khai thác theo quy mô cao tốc hai đoạn cao tốc này.

Hiện có 8 dự án đường cao tốc đang thực hiện thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng.

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 3.

Công nhân thi công cầu Mỹ Thuận 2 trong những ngày Tết Nguyên đán 2023 để công trình kịp tiến độ

Như vậy, đến năm 2026, khu vực miền Tây sẽ có khoảng 554km đường cao tốc, các tuyến cao tốc còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 4.
Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 5.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2: tổng chiều dài khoảng 6,61km qua địa phận 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Trong đó cầu chính dài 1,906km, đường và cầu dẫn dài 4,704km. Tổng mức đầu tư 5.003 tỉ đồng.

Đến nay thi công đạt 70,73% giá trị các hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Phần đường và cầu dẫn đã cơ bản hoàn thành, phần cầu chính hiện đã thi công xong trụ tháp, đã căng cáp dây văng cho đốt dầm đầu tiên.

Hoàn thành trong năm 2023.

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 6.

Cầu Mỹ Thuận 2 nối tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang dần hình thành

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1: dài 22,97km, đi qua địa phận 2 tỉnh Vĩnh Long (12,53km) và Đồng Tháp (10,44km). Tổng mức đầu tư dự án 4.826 tỉ đồng; quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h.

Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, nền đường rộng 17m, mặt bằng tuyến chính đã bàn giao 100%, riêng nhánh nút giao quốc lộ 80 còn vướng 25m thuộc Tỉnh dòng Don Bosco và 2 vị trí lưới điện 110kV chưa di dời.

Đến nay dự án thi công đạt khoảng 60% giá trị hợp đồng (đã cơ bản hoàn thành các cầu, đắp nền đường đến cao độ gia tải và đang theo dõi diễn biến lún), dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2023.

Đoạn Cần Thơ - Cà Mau: gồm 110,87km tuyến chính và 25,9km tuyến nối, tổng mức đầu tư 27.523 tỉ đồng được chia thành 2 dự án thành phần:

Đoạn Cần Thơ - Hậu Giang: với 37,7km tuyến chính và 9,3km tuyến nối, tổng mức đầu tư 10.370 tỉ đồng;

Đoạn Hậu Giang - Cà Mau: với 73,223km tuyến chính và 16,6km tuyến nối đi qua Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, tổng mức đầu tư 17.152 tỉ đồng.

Đầu tư giai đoạn đầu quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m. Toàn tuyến bố trí 11 nút giao liên thông (giai đoạn phân kỳ xây dựng 9 nút giao), 8 cầu vượt trực thông.

Đến nay các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 97,02/110,87km đạt 87,5%, đáp ứng tiến độ yêu cầu; đã hoàn thành lựa chọn công tác nhà thầu cho 4/4 gói thầu xây lắp, với 2 gói thầu khởi công ngày 1-1-2023, các nhà thầu đã bố trí 10 mũi thi công xuyên Tết.

Toàn bộ dự án sẽ phấn đấu hoàn thành 35% giá trị hợp đồng trong năm 2023, cơ bản nối thông tuyến vào cuối năm 2025, khai thác từ năm 2026.

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 7.

Thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 8.

Đoạn Mỹ An - Cao Lãnh (giai đoạn 1): dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 12-2021, tổng chiều dài khoảng 26,56km qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp; sơ bộ tổng mức đầu tư 4.770 tỉ đồng, giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, nền đường rộng 17m; thời gian thực hiện dự án 5 năm.

Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành công tác lập, thẩm định dự án đầu tư. Tuy nhiên, do tuyến đi qua khu vực địa chất phức tạp, chiều sâu đất yếu lớn, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao làm vượt tổng mức đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng cho tăng tổng mức đầu tư dự án từ 4.770 tỉ đồng lên 6.209 tỉ đồng.

Đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ: dài khoảng 28,8km, đi qua tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ. Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư tháng 9-2022 với tổng mức đầu tư 950 tỉ đồng để thảm tăng cường mặt đường, xây dựng hệ thống đường gom, hoàn chỉnh các nút giao, tổ chức lại giao thông trên tuyến để khai thác tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Hiện chủ đầu tư đang triển khai công tác khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến khởi công quý 3-2023 và hoàn thành năm 2024.

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 9.

Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km hiện tổ chức giao thông hỗn hợp, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sử dụng mặt đường láng nhựa để chờ lún

Đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi: dài khoảng 51,5km, đi qua thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang. Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 11-2022 với tổng mức đầu tư 750 tỉ đồng để thảm tăng cường mặt đường, mở rộng các đoạn dừng xe khẩn cấp, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông.

Hiện chủ đầu tư đang triển khai công tác khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến khởi công quý 4-2023 và hoàn thành trong năm 2024.

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 10.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: dài khoảng 189,48km, quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ 4 làn xe, nền đường rộng 17m, tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng.

Dự án đi qua 4 tỉnh, thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, chia thành 4 dự án thành phần do 4 địa phương làm cơ quan chủ quản. Mục tiêu hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027.

Hiện các địa phương đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng 180,6/188,2km (đạt 96%) và đang triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm.

4 dự án thành phần đang thực hiện công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn thuộc cấp quyết định đầu tư (UBND các tỉnh), dự kiến phê duyệt toàn bộ trước ngày 10-2-2023, khởi công toàn bộ vào ngày 30-6-2023 theo đúng yêu cầu của Chính phủ.

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 11.

Nút giao thông quốc lộ 1 - quốc lộ 91 - quốc lộ Nam Sông Hậu đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ

Đoạn Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1): dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 6-2022; tổng chiều dài khoảng 27,43km, đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.

Sơ bộ tổng mức đầu tư 5.886 tỉ đồng, giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m; thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến hết năm 2027.

Dự án được chia thành 2 dự án thành phần vận hành độc lập:

- Dự án thành phần 1 dài 16km với tổng mức đầu tư 3.640 tỉ đồng đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản;

- Dự án thành phần 2 dài 11,43km với tổng mức đầu tư 2.246 tỉ đồng, đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản.

Các địa phương đã tổ chức lập, trình thẩm định dự án đầu tư. Tuy nhiên, do tuyến đi qua khu vực địa chất phức tạp, chiều dày tầng đất yếu lớn (30 - 50m) cũng như chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao (đặc biệt phía tỉnh Tiền Giang) làm vượt tổng mức đầu tư được duyệt.

Hiện Bộ Giao thông vận tải đang hướng dẫn các địa phương rà soát, triển khai thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 12.

Cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương đưa vào sử dụng hơn 2 năm qua đã giúp giảm tải cho quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 13.

Theo Bộ Giao thông vận tải, với vật liệu đá, đất đắp cho các dự án đường cao tốc ở miền Tây cơ bản đủ trữ lượng, chất lượng, công suất khai thác đáp ứng nhu cầu các dự án.

Tuy nhiên, nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án đường cao tốc trong khu vực miền Tây triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 rất lớn, với khoảng 47,81 triệu m3. Các địa phương đã có kế hoạch bố trí đủ nguồn vật liệu đắp nền với các dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản.

Riêng dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau có tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng 18,5 triệu m3 (phải thi công trong khoảng thời gian 18 tháng để chờ lún), hiện mới có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác.

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 14.

Trong thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 400 - 500km đường cao tốc và ông kêu gọi các nhà đầu tư tranh thủ đầu tư vào khu vực này. Trong ảnh là nút giao thông Thân Cửu Nghĩa, thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang

Với tổng công suất khai thác của 24 mỏ cát tại các tỉnh miền Tây hiện khoảng 6,17 triệu m3/năm, nếu tăng công suất khai thác các mỏ thêm 50% trong 2 năm theo nghị quyết của Chính phủ và dành 100% phần tăng thêm (khoảng 6,17 triệu m3) thì vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của dự án (khoảng 11,1 triệu m3 trong năm 2023 và 7,4 triệu m3 trong năm 2024).

Theo báo cáo của tư vấn và các địa phương, tổng trữ lượng các mỏ trong quy hoạch ở miền Tây khoảng 215,58 triệu m3 cát. Trong đó tỉnh An Giang khoảng 54,54 triệu m3/13 mỏ, tỉnh Đồng Tháp khoảng 33,57 triệu m3/10 mỏ, tỉnh Vĩnh Long khoảng 42,3 triệu m3/10 mỏ, tỉnh Sóc Trăng khoảng 85 triệu m3.

Tuy nhiên, với các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng thuộc khu vực hạ lưu sông Tiền và sông Hậu, chất lượng cát kém do lẫn nhiều tạp chất, hàm lượng bùn sét lớn.

Để chủ động nguồn cát, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực miền Tây, dự kiến có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023.

Vì vậy, trước mắt trong năm 2023 và 2024 nguồn vật liệu san lấp cho các dự án chủ yếu vẫn là cát sông.

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 15.
Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 16.

Cầu Cần Thơ nhìn từ thị xã Bình Minh, Vĩnh Long. Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang dần nối tới đây, và từ đây các tuyến cao tốc đi An Giang, Cà Mau cũng đang được gấp rút triển khai

Hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, các vị trí tiếp cận đường vào để thi công vẫn còn vướng do các hộ dân còn chưa đồng thuận; một số hộ yêu cầu có nền tái định cư mới di dời.

Theo kế hoạch thực hiện xây dựng khu tái định cư của tỉnh Hậu Giang ban hành, dự kiến đến hết tháng 7-2023 mới cơ bản hoàn thành, khó đảm bảo bàn giao nền tái định cư cho các hộ dân để giao mặt bằng cho dự án trong quý 2-2023.

Công tác lập phương án triển khai di dời hạ tầng kỹ thuật nhìn chung còn chậm, đặc biệt di dời đường điện cao thế do thủ tục phức tạp, liên quan nhiều cơ quan, đơn vị.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, giải quyết các khó khăn, đáp ứng nhu cầu vật liệu đắp nền triển khai các dự án thành phần cao tốc, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng:

Về thủ tục đầu tư

UBND các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt các dự án thành phần còn lại trước ngày 10-2-2023. Triển khai các bước tiếp theo đảm bảo khởi công trước 30-6-2023.

UBND các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để trình Thủ tướng điều chỉnh chủ trương đầu tư với dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu trong tháng 2-2023.

Kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư với dự án Mỹ An - Cao Lãnh để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 17.

Chiều 29-1 (mùng 8 Tết Quý Mão 2023) do kẹt xe nên cảnh sát giao thông phải đóng một bên đường (phía Tiền Giang) để xe từ hướng Bến Tre về TP.HCM lưu thông một chiều, giải tỏa lượng xe bị kẹt quá nhiều phía bờ Bến Tre

Về giải phóng mặt bằng

UBND tỉnh Vĩnh Long khẩn trương xử lý dứt điểm để bàn giao phạm vi 25m thuộc Tỉnh dòng Don Bosco trước ngày 15-2-2023 và hoàn thành di dời 2 vị trí lưới điện 110kV trong quý 2-2023 tại dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Với dự án Cần Thơ - Cà Mau:

Các địa phương khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết vướng mắc, ưu tiên bàn giao mặt bằng tại các vị trí tiếp cận công trường đảm bảo đường tiếp cận cho xe máy, thiết bị thi công.

Đẩy nhanh tiến độ di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 2-2023.

Các dự án thành phần thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng:

UBND các tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng bám sát tiến độ đã lập để thực hiện các công việc liên quan, đảm bảo có thể bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu khởi công trước ngày 30-6-2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023.

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 18.

Cầu Mỹ Thuận 2 đang gấp rút thi công để kịp đưa vào sử dụng trong thời gian tới nhằm giảm tải cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu

Đến năm 2026 miền Tây sẽ có 554km đường cao tốc - Ảnh 19.
TUẤN PHÙNG
MẬU TRƯỜNG - CHÍ QUỐC
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên