18/05/2023 07:55 GMT+7

Đi tìm biểu tượng hữu nghị quốc tế của TP.HCM

Tính đến tháng 4 năm nay, TP.HCM hiện có quan hệ hữu nghị hợp tác với 54 địa phương trên thế giới, trải khắp cả 5 châu lục. Những địa phương kết nghĩa này vừa là nguồn lực vừa là động lực để giúp thành phố phát triển và vươn tầm ra thế giới.

Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ngày 17-4 - Ảnh: HỮU HẠNH

Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ngày 17-4 - Ảnh: HỮU HẠNH

Qua cuộc thi này, chúng tôi mong muốn mọi người biết rằng TP.HCM có quan hệ kết nghĩa với nhiều thành phố nổi tiếng như San Francisco, Busan, Lyon, Johannesburg, Toronto…".
Ông Trần Phước Anh (giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM)

Nhằm tôn vinh quan hệ hữu nghị hợp tác giữa TP.HCM với các địa phương nước ngoài, Sở Ngoại vụ TP.HCM lên ý tưởng tổ chức cuộc thi thiết kế biểu tượng hữu nghị quốc tế của TP.HCM. Ông Trần Phước Anh - thành ủy viên, giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM - chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ về ý tưởng này.

* Ý tưởng này xuất phát từ đâu, thưa ông?

- Lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến quan hệ hợp tác giữa TP.HCM với các địa phương nước ngoài, bằng cách dành nguồn lực cũng như sự quan tâm chỉ đạo để làm sao thúc đẩy và tôn vinh những mối quan hệ hợp tác này. 

Thực tế cho thấy rằng những mối quan hệ như vậy đem lại rất nhiều lợi ích cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Năm 2015, TP.HCM có đoàn lãnh đạo cấp cao sang thăm Hàn Quốc, trong đó có đến thành phố Busan, một địa phương kết nghĩa lâu năm với TP.HCM. Chương trình hoạt động của đoàn có đến thăm một công viên hữu nghị tại thành phố Busan. 

Ở đó, họ đặt một tảng đá khá to, trên tảng đá ghi nhận mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa TP.HCM và Busan với cờ của hai nước và năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi nhìn thấy công trình đó.

Năm ngoái, đoàn lãnh đạo của thành phố đến San Francisco (Hoa Kỳ) - một địa phương kết nghĩa với TP.HCM từ năm 1995. Tại sân bay, họ có đặt một biểu tượng ghi là Ho Chi Minh City (TP.HCM). Đó cũng là ấn tượng khiến tôi cảm thấy rất vui và tự hào.

Và, nếu làm được như vậy tại TP.HCM, đó là một cách để chúng ta thể hiện sự trân trọng quan hệ giữa TP.HCM với các địa phương nước ngoài. 

Khi bạn bè quốc tế, đặc biệt là những du khách từ các địa phương có quan hệ hữu nghị hợp tác với TP.HCM đến thành phố mình, hy vọng họ sẽ nhìn thấy và cũng có cảm nhận như vậy.

Do vậy, Sở Ngoại vụ có ý tưởng xây dựng một công trình mang tính biểu tượng về quan hệ hợp tác hữu nghị quốc tế của TP.HCM với các địa phương nước ngoài. Và việc thiết kế một công trình như vậy sẽ góp phần tạo một điểm nhấn, một đặc trưng, một nét mới để giúp thành phố vươn tầm ra thế giới.

Đây cũng là một sự tiếp nối cuộc thi hiến kế "TP.HCM nâng tầm quốc tế" mà Sở Ngoại vụ TP.HCM đã phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức vào năm 2021.

TP.HCM xuất hiện trên công trình tôn vinh tình hữu nghị giữa thành phố San Francisco (Mỹ) và các địa phương quốc tế ở San Francisco - Ảnh: Instagram madeleine.adkins

TP.HCM xuất hiện trên công trình tôn vinh tình hữu nghị giữa thành phố San Francisco (Mỹ) và các địa phương quốc tế ở San Francisco - Ảnh: Instagram madeleine.adkins

* TP.HCM muốn nhắn gửi thông điệp gì qua công trình biểu tượng này?

- Thành phố rất trân trọng quan hệ hữu nghị hợp tác với các địa phương nước ngoài. Thành phố cũng mong muốn tăng cường những hợp tác cụ thể với các địa phương có quan hệ hữu nghị hợp tác với TP.HCM, để làm sao chúng ta mang lại những lợi ích thiết thực cho cả đôi bên.

Một điều nữa là TP.HCM rất mong muốn mở rộng vòng tay với bạn bè quốc tế. Làm sao chúng ta vừa nâng tầm quốc tế của TP.HCM nhưng đồng thời đây là một nơi chào đón tất cả bạn bè quốc tế đến với thành phố, vì một thành phố ngày càng phát triển, thịnh vượng, an toàn và đáng sống cho tất cả mọi người. 

Tính quốc tế tại TP.HCM hiện nay cũng rất cao, khi mà mức độ hòa nhập với cộng đồng các địa phương thế giới, bao gồm cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống làm việc tại TP.HCM, ngày càng lớn.

Chúng tôi hướng đến một thiết kế mở bởi vì số lượng các địa phương hữu nghị hiện nay là 54, nhưng trong tương lai sẽ còn tăng lên nữa. Như vậy, công trình biểu tượng phải làm sao có thể mở rộng ra thêm khi số lượng các địa phương tăng lên.

Ngoài ra, chúng tôi mong muốn một biểu tượng mang tính sáng tạo, hấp dẫn bởi chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là điểm nhấn trong hệ sinh thái du lịch của TP.HCM, đặc biệt ở khu vực trung tâm. Vì vậy chúng tôi mong muốn công trình này vừa mở, vừa sáng tạo, mang nét đặc trưng của thành phố và tạo được điểm nhấn.

* Công trình này sẽ mang đến lợi ích và trải nghiệm gì cho người dân cũng như du khách đến với TP.HCM, thưa ông?

- Người dân địa phương hoặc du khách quốc tế khi đến thăm công trình sẽ cảm nhận được đó là một điểm mới mà họ có thể đến tham quan và thấy tên của địa phương mình ở trên đó. Hoặc đó cũng có thể là một điểm "check-in" cho các bạn trẻ và du khách đến với TP.HCM.

Thêm nữa, công trình biểu tượng này được kỳ vọng mang tính sáng tạo, trẻ trung, độc đáo, đặc biệt, khi chúng ta có thể ứng dụng công nghệ vào công trình này, cho thấy rằng TP.HCM là một thành phố trẻ trung, năng động, sáng tạo, luôn luôn hướng đến sự phát triển trong tương lai. 

Giả sử như chúng ta ứng dụng công nghệ trên màn hình hay bề mặt của công trình đó chẳng hạn, thì việc chúng ta thêm một địa phương mới vào, hoặc khi có những cột mốc kỷ niệm bao nhiêu năm quan hệ hợp tác hữu nghị với một địa phương nào đó, chúng ta có thể làm nổi bật tên của địa phương đó lên trong giai đoạn đó, hoặc thời điểm mà hai bên ký kết thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đồ họa: NGỌC THÀNH

* Vì sao thành phố lại muốn lắng nghe ý tưởng của tất cả mọi người?

- Bởi vì đây là cuộc thi về ý tưởng, cho nên khi càng có nhiều người, nhiều đối tượng tham gia, các ý tưởng sẽ phong phú đa dạng. 

Khi đó chúng ta có thể chọn lọc được những ý tưởng đáp ứng được các tiêu chí: sáng tạo, mở, đặc trưng, tạo được điểm nhấn, và có thể ứng dụng công nghệ để thể hiện được sức trẻ của TP.HCM.

Và với ý nghĩa quốc tế của thành phố, tôi cho rằng những người bạn nước ngoài, trong đó có người dân của 54 địa phương kết nghĩa với TP.HCM cũng sẽ quan tâm đóng góp chút gì đó cho mối quan hệ hợp tác quốc tế này.

* Có phải chính cuộc thi cũng mang ý nghĩa "nhắc nhớ" mọi người về tình hữu nghị của thành phố và các địa phương trên thế giới, bởi người tham gia phải tìm hiểu mới có thể lên ý tưởng và có thiết kế phù hợp với tinh thần của công trình?

- Đúng là như vậy. Thành phố mong muốn nhiều người, kể cả người dân ở trong nước hay khách quốc tế, biết về mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa TP.HCM với các địa phương.

Thông qua báo chí ở từng sự kiện khác nhau, có thể mọi người cũng có thông tin về con số 54 địa phương kết nghĩa, tuy nhiên có thể mọi người chưa chú ý nhiều. 

Qua cuộc thi này, chúng tôi mong muốn mọi người biết rằng TP.HCM cũng có quan hệ kết nghĩa với San Francisco, với Busan, Lyon, Johannesburg của Nam Phi, Toronto của Canada, hoặc các địa phương của Nhật Bản, Trung Quốc…

Khi mọi người biết nhiều về quan hệ kết nghĩa giữa TP.HCM với các địa phương nước ngoài, người ta có thể tìm hiểu thêm. Sở Ngoại vụ sẵn sàng cung cấp thông tin mà mọi người quan tâm để tham gia cuộc thi với ý tưởng của mình.

Việc chúng ta hiểu nhiều hơn về các địa phương nước ngoài, các bạn nước ngoài hiểu hơn về TP.HCM là một nền tảng hết sức tốt đẹp và vững chắc cho quan hệ hợp tác quốc tế giữa TP.HCM với các địa phương nước ngoài, giúp cho sự phát triển của tất cả các địa phương ngày càng mạnh mẽ hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Phối hợp với báo Tuổi Trẻ

Ông Trần Phước Anh cho biết Sở Ngoại vụ TP.HCM mong muốn phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi lần này, sau lần phối hợp tổ chức thành công cuộc thi "TP.HCM nâng tầm quốc tế".

"Báo Tuổi Trẻ với lượng độc giả và các kênh rất phong phú là một cách thức để truyền thông đến cho tất cả mọi người, không chỉ là độc giả đọc tiếng Việt mà còn là độc giả tiếng Anh" - ông Phước Anh cho biết.

Sở Ngoại vụ TP.HCM sẽ cung cấp thông tin cho hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để góp phần vào việc quảng bá cuộc thi.

Và các cơ quan đại diện của các nước tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội cũng là các kênh mà sở có thể thông tin rộng rãi đến công chúng về cuộc thi cũng như về công trình khi đã được hình thành.

Phòng triển lãm hữu nghị quốc tế Busan

Khu vực mặc thử trang phục các nước tại Phòng triển lãm hữu nghị quốc tế Busan được giới thiệu trên website thành phố Busan - Ảnh chụp màn hình

Khu vực mặc thử trang phục các nước tại Phòng triển lãm hữu nghị quốc tế Busan được giới thiệu trên website thành phố Busan - Ảnh chụp màn hình

Trên website của thành phố Busan (Hàn Quốc), có một mục đặc biệt về các địa phương có quan hệ kết nghĩa và hữu nghị với thành phố này.

"Một trong ba thành phố đô thị hàng đầu Việt Nam", trang web giới thiệu về TP.HCM, kèm thông tin kết nghĩa với Busan vào năm 1995. Trên trang web này còn có đường link dẫn về website của TP.HCM.

Theo thông tin từ trang web, tòa thị chính thành phố Busan còn có Phòng triển lãm hữu nghị quốc tế. Busan có quan hệ hữu nghị với 37 thành phố của 27 quốc gia.

Phòng triển lãm cho phép người dân trải nghiệm trang phục truyền thống của các quốc gia này, chẳng hạn như trang phục của Việt Nam, Trung Quốc hay Nhật Bản.

Kể từ khi mở cửa vào năm 2013, phòng triển lãm ở tầng một của tòa thị chính đã đón gần 100.000 du khách mỗi năm. Trong năm 2020, do đại dịch COVID-19, lượng khách giảm xuống còn 10.900, bằng 1/5 so với 51.930 du khách trong nửa đầu năm 2019.

Quan chức thành phố Busan cho biết phòng triển lãm này là cơ hội để mọi người xem, cảm nhận và hiểu biết về các thành phố khác nhau trên thế giới có quan hệ hữu nghị với Busan mà không cần phải đi đâu xa.

Hiến kế "TP.HCM nâng tầm quốc tế": Xây dựng biểu tượngHiến kế 'TP.HCM nâng tầm quốc tế': Xây dựng biểu tượng

TTO - Mặc dù TP.HCM đã có nhiều công trình lớn mang tầm cỡ khu vực và thế giới nhưng trong tương lai, những công trình đó vẫn chưa đủ sức giữ vững là một biểu tượng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên