08/04/2024 09:27 GMT+7

Hội thi giỏi nghề có thêm phần trắc nghiệm tiếng Anh

Qua các vòng tranh tài, nhiều gương mặt trẻ dự hội thi "Học sinh, sinh viên giỏi nghề" dần lộ diện một lớp thợ lành nghề, sẵn sàng tham gia thị trường lao động.

Thí sinh thực hành lắp ráp hoàn chỉnh bộ máy điều hòa phần thi tay nghề điện lạnh - Ảnh: C.T.

Thí sinh thực hành lắp ráp hoàn chỉnh bộ máy điều hòa phần thi tay nghề điện lạnh - Ảnh: C.T.

Kéo dài trong một tháng, hội thi Học sinh, sinh viên giỏi nghề năm 2024 được Thành Đoàn cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên thực hiện đã thu hút gần 800 thí sinh của 181 đội thi từ nhiều trường.

Năm nay, lần đầu tiên hội thi có phần trắc nghiệm tiếng Anh với từng đề riêng phù hợp đặc điểm nghề và trình độ thí sinh.

Tại hội thi, các doanh nghiệp có đánh giá tệ cũng là điều rất hữu ích để thí sinh có dịp nhìn lại khả năng của mình. Vì lúc này doanh nghiệp chê còn có cơ hội để sửa, chứ khi ra trường đi làm mà bị chê là chuyện khác rồi.
VÕ ĐÌNH PHÚC (thí sinh hội thi)

Những bóng hồng nổi bật

Khá thu hút trong nhóm thí sinh tại hội đồng thi Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức là Lê Phạm Tuyết Ngân. Bạn đang là sinh viên năm nhất Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 TP.HCM, là thí sinh nữ duy nhất giữa dàn thí sinh nam. Ngân theo học ngành cơ khí chế tạo vốn khá kén với nữ.

Ngân có tâm lý vững vàng, thể hiện tự tin. Việc được các thầy cô tin tưởng chọn vào đội tuyển ngay khi mới năm đầu là động lực giúp Ngân càng tự tin hơn. Với cô gái ấy, được đại diện cho trường tham gia hội thi tranh tài cùng các đội thi khác là cơ hội quý nên quyết tâm ôn luyện, nỗ lực "hỗ trợ tốt nhất cho các thành viên cùng đội".

"Đây là dịp để mình luyện kiến thức, rèn bản lĩnh nghề nghiệp hiệu quả mà chắc khó có bài học, phần thi nào ở trường thay thế được. Mình cũng muốn khẳng định rằng việc nam giới làm được thì nữ giới tụi mình cũng có thể làm và còn làm giỏi nữa kìa" - Ngân cười.

Lê Thị Thu Mai (Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM) là một bóng hồng khác nổi bật không kém tại hội thi năm nay. Mai dự thi nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin.

Lanh lợi, sắc sảo là những gì các bạn cùng thi nói về nữ thí sinh này. Không kém cạnh các đồng đội nam, ngay từ đầu hội thi Mai đã tỏ ra khá thuần thục, xử lý một vài phân đoạn có phần vượt trội hơn.

Cô gái nói không cần vượt qua mọi người, đoạt giải cao hay để lại ấn tượng với ai khi đến hội thi này. Mai đặt mục tiêu nỗ lực hết mình để vượt qua các phần thi một cách tốt nhất. Có vậy mới biết mình còn thiếu sót ở đâu, cần bổ sung gì để khắc phục, tập trung hơn, sẵn sàng tâm thế gia nhập thị trường lao động không lâu nữa.

"Sẽ nỗ lực hết mình qua từng phần thi. May mắn có giải sẽ là món quà ý nghĩa tặng các thầy cô đã tin tưởng, hướng dẫn tận tình và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả đội cùng tranh tài" - Mai nói.

Thí sinh thực hành phần thi nghề phục vụ phòng - Ảnh: C.T.

Thí sinh thực hành phần thi nghề phục vụ phòng - Ảnh: C.T.

Cọ xát, tiệm cận yêu cầu doanh nghiệp

Trước khi vào phòng thi, Võ Thành Trọng (Trường cao đẳng Công Thương TP.HCM) động viên các đồng đội phải tự tin, đừng áp lực gánh nặng có giải hay thành tích gì. Trọng nói mọi người xem đây là dịp trải nghiệm nghề tại một hội thi chuyên ngành, và học được gì từ hội thi mới là điều quan trọng và giá trị thật sự.

Ở phần thi thực hành, cả đội tập trung và phân công rạch ròi từng công đoạn của mỗi thành viên với đề bài xây dựng một ứng dụng chuyên quản lý vé máy bay. Với kiến thức công nghệ thông tin đã học, để thiết kế và tạo ra ứng dụng chạy mượt mà không khó. Bài toán cả đội tự đặt ra và muốn ghi điểm chính là làm sao dựng phần "cốt nền" đủ mạnh, lượng dữ liệu nhập vào đủ lớn, truy vấn dữ liệu mượt mà khi vận hành ứng dụng ấy.

Một đội thi khác từ Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM khá phấn khích, cười tươi sau khi rời phòng thi tiếng Anh vì "đề thi tương đối sát chuyên ngành". Thay mặt nhóm, Võ Đình Phúc nói các thành viên trong đội không bị áp lực gì lớn mà luôn chủ động chia sẻ, giải tỏa áp lực cho nhau.

Mục tiêu đội tự vạch ra khi đi thi là tranh thủ cơ hội quý này để kiểm nghiệm và rèn luyện tay nghề cho mỗi người. Phúc quan tâm và mong được lắng nghe nhận xét, chia sẻ của các giám khảo, đặc biệt là doanh nghiệp, dù có là đánh giá tệ đi chăng nữa.

Đánh giá chung của nhiều đơn vị tham gia cho thấy hội thi đã đáp ứng yêu cầu tạo sân chơi học thuật, rèn luyện tay nghề cho đông đảo sinh viên học sinh. Chất lượng chuyên môn được đảm bảo, qua đó phát hiện được những sinh viên học sinh có tay nghề xuất sắc để bồi dưỡng lực lượng dự thi cấp cao hơn, cũng là chuẩn bị đội ngũ cung cấp vào thị trường lao động sắp tới.

19 nghề dự thi

Có 19 nghề được tổ chức tại hội thi năm nay. Trong đó, ba nghề mới lần đầu được tổ chức gồm: giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, lắp cáp mạng thông tin và kỹ thuật chế biến món ăn.

16 nghề đã được tổ chức nhiều năm qua gồm: kế toán doanh nghiệp, thiết kế website, thiết kế đồ họa, cơ điện tử, điều khiển tự động, công nghệ ô tô, phục vụ nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch, phục vụ phòng, tiện, điều dưỡng, điện lạnh, thiết kế kỹ thuật cơ khí, hàn, thiết kế thời trang, điện tử.

Nỗ lực tạo sân chơi chuyên nghiệp

Phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM Trần Thu Hà nói năm nay đề thi sát với thực tiễn nghề nghiệp, phân hóa được trình độ thí sinh và có cập nhật phù hợp. Khâu tổ chức hội đồng thi khoa học, chính xác, áp dụng công nghệ trong thi và chấm thi, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh.

Theo chị Hà, từ thực tiễn cho thấy mức độ đáp ứng về năng lực ngoại ngữ của học sinh sinh viên nghề khi ra trường theo yêu cầu của doanh nghiệp còn thấp. Do đó, lần đầu tiên đưa phần thi tiếng Anh vào hội thi là dịp kiểm tra trình độ, năng lực tiếng Anh cho thí sinh. Kết hợp phần thi về kiến thức xã hội, chuyên ngành sẽ giúp thí sinh đánh giá lại khả năng của mình.

Việc này tạo động lực cho thí sinh tiếp tục học tập, trau dồi kỹ năng ngoại ngữ song song với chuyên môn để gia tăng cơ hội tiếp cận công việc chất lượng khi ra trường. "Với một số ngành nghề, đặc biệt là du lịch, nhà hàng, khách sạn thì khả năng giao tiếp tiếng Anh là một trong những yêu cầu quan trọng. Hội thi nỗ lực góp giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng thành phố" - chị Hà chia sẻ.

Nhu cầu lao động tay nghề cao đang cao ở TP.HCMNhu cầu lao động tay nghề cao đang cao ở TP.HCM

Một số doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết đang có nhu cầu tuyển lao động tay nghề cao và cả lao động phổ thông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên