07/05/2024 09:13 GMT+7

Khách Tây nói gì về chuyện du lịch 'chặt chém'?

Trước một số ý kiến lo lắng về tình trạng "chặt chém" tại các điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam, du khách nước ngoài chia sẻ những bất ngờ và "bật mí" những bí mật.

Vợ chồng Karen Mason trong chuyến du lịch Việt Nam vào tháng 3-2024 - Ảnh: NVCC

Vợ chồng Karen Mason trong chuyến du lịch Việt Nam vào tháng 3-2024 - Ảnh: NVCC

Xung quanh tranh luận chưa có hồi kết của bạn đọc về chuyện du lịch Hội An được Tây khen hết lời, còn "ta" chê tả tơi, nhiều du khách nước ngoài đã chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online.

Đọc bình luận với tinh thần tham khảo

Nếu có ai hỏi vợ chồng Karen Mason đến từ Anh rằng có nên du lịch Việt Nam không, họ sẽ trả lời chắc nịch là "có". Dành trọn tháng 3 vừa rồi để thăm thú từ Nam chí Bắc, cặp đôi tuổi ngoại ngũ tuần cho biết vẫn muốn quay lại Việt Nam để du lịch lâu hơn, bởi rất thích con người và quang cảnh nơi đây, đặc biệt là Hà Giang.

Để trải nghiệm Việt Nam một cách trọn vẹn nhất, phương châm của Karen là giữ tâm bất biến trước những đánh giá tiêu cực mà mình đọc được trên mạng.

Karen và chồng đón nhận những bình luận đó với tinh thần tham khảo, chủ động trang bị để có thể giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong chuyến đi.

Sự chuẩn bị đó đã phát huy tác dụng khi vợ chồng Karen mua trái cây ven đường. Người bán hàng lấy tờ 100.000 đồng rồi không thối lại tiền thừa.

Với kinh nghiệm một tuần ở Việt Nam và đã dần quen với mệnh giá tiền Việt, cặp đôi khá chắc chắn rằng số trái cây họ mua có giá không tới 100.000 đồng nên đã đòi lại tiền, trả trái cây cho người bán, rồi bỏ đi.

Karen chia sẻ: "Người bán hàng cố mời chào nhưng khi chúng tôi kiên quyết nói không thì họ cũng để chúng tôi yên thôi".

Một bí quyết nữa của vợ chồng Karen là đếm tiền thối lại trước khi rời khỏi bất kỳ chỗ nào. "Chúng tôi khá thông thạo chuyện đi du lịch nên nhìn chung đó không phải là vấn đề đối với chúng tôi" - Karen cho biết, không quên nhắn nhủ mọi người nên tìm hiểu thông tin trước khi lần đầu du lịch bất kỳ quốc gia nào.

Gia đình Laxman và Viola Das đến từ Anh du lịch miền Tây cùng con nhỏ hồi tháng 10-2023 - Ảnh: NVCC

Gia đình Laxman và Viola Das đến từ Anh du lịch miền Tây cùng con nhỏ hồi tháng 10-2023 - Ảnh: NVCC

Thấy giá cao có thể trả giá

Đối với Nadia Bonchis, một du khách đến từ Bỉ, chuyện khách du lịch bị "chặt chém" ở Việt Nam thật khó tin. Trong mắt Nadia, người Việt Nam thật tốt bụng, luôn mỉm cười và sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Cô khẳng định: "Không có chuyện thấy chúng tôi là khách du lịch nên lừa lọc hay làm tiền, giá cả lúc nào cũng phải chăng".

Chuyến du lịch cùng gia đình đến miền Tây, Đà Nẵng, Hội An và nhiều địa điểm khác trong tháng 4 vừa qua khiến Nadia dễ dàng du di mọi thứ. Khi được hỏi có mặt xấu nào mà du lịch Việt Nam cần cải thiện không, vị du khách gạt ngay: "Làm gì có mặt xấu nào! Có chăng chỉ là thiếu vỉa hè và lối cho người đi bộ, cũng như khó qua đường vì thiếu đèn đỏ".

Nadia nhấn mạnh đã thăm nhiều khu chợ địa phương và tất cả đều mang đến trải nghiệm tích cực. "Bị hét giá? Tôi không nghĩ vậy" - cô quả quyết. "Nhìn chung, tôi thấy chỗ nào cũng chào cùng một mức giá cho cùng một sản phẩm, nên tôi không trả giá. Nếu có nâng giá đi chăng nữa thì chỉ cao một chút".

Lời khuyên của Nadia là nên hoan hỉ khi đi du lịch. Cô nói: "Du lịch đến nước nào cũng sẽ có trường hợp bán giá đắt một chút. Nếu thấy giá cả tiệm nào không ưng thì bước sang tiệm kế bên, không được nữa thì thử trả giá".

Đó cũng là cách gia đình Laxman và Viola Das đến từ Anh đã áp dụng trong hành trình ở Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái. Viola cho biết: "Có thể do chúng tôi đi du lịch nhiều và đã quen với việc mặc cả, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng hầu hết những người bán hàng rong ban đầu đều chào giá cao. Những ai mới đi du lịch, chưa nhiều kinh nghiệm thường chốt và trả ngay giá đó mà không mặc cả".

Theo kinh nghiệm của mình, Viola khuyên du khách nước ngoài: "Không nên có bao nhiêu tiền trong người cũng bày ra hết để tránh gây chú ý. Nên ghi chép một cách kín đáo".

Vợ chồng Laxman, Viola và con nhỏ đã thăm Phú Quốc, TP.HCM và miền Tây mà không gặp phải bất kỳ trải nghiệm tồi tệ nào. Nơi duy nhất khiến gia đình nhỏ cảm thấy bị "chặt chém", bất ngờ thay, lại là những khách sạn 5 sao. Viola cho biết: "Các khách sạn 5 sao tính giá cho nhà tôi quá cao so với nhiều quốc gia châu Á khác. Có lẽ cơ quan du lịch Việt Nam nên giám sát kỹ hơn hoặc đặt ra giá trần cho tất cả chi phí ăn uống tại các khách sạn 5 sao".

Dưới bài viết "Vì sao du lịch Hội An được Tây khen hết lời trong khi 'ta' chê tả tơi?", tài khoản Tôi yêu Hội An để lại bình luận: "Khách Tây đến tham quan, thưởng lãm, tận hưởng Hội An và trân quý như một giá trị văn hóa vô cùng quý giá với đa dạng sản phẩm văn hóa khác nhau. Họ còn chia sẻ hình ảnh, giới thiệu rộng rãi với bạn bè thế giới. Sẽ không có lời giới thiệu nào có giá trị bằng chính những người đã trải nghiệm.

Trong khi đó, nhiều du khách trong nước thích kiểu du lịch giải trí, những nơi sang trọng, đẹp mắt... để chụp hình đăng Facebook, để quay TikTok... Lúc họ check out, căn phòng đầy rác. Nói theo kiểu dân dã là "Ở cho lại vốn, ăn cho lại vốn". Chưa hết, nhóm tầm 3-4 người là ồn ào, mạnh ai nấy nói".

Du khách không thích những điểm du lịch làm môi trường xấu điDu khách không thích những điểm du lịch làm môi trường xấu đi

96% du khách Việt Nam đồng ý rằng du lịch bền vững rất quan trọng, tuy vậy 26% trong đó cho rằng họ không xem đây là yếu tố quyết định khi lập kế hoạch du lịch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên