27/07/2023 17:43 GMT+7

Nên hay không nên Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa?

Đây là vấn đề được nêu ra tại cuộc làm việc của đoàn giám sát Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với Chính phủ chiều 27-7.

Ông Trần Thanh Mẫn - ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch thường trực Quốc hội - tại phiên họp - Ảnh: THẾ ĐẠI

Ông Trần Thanh Mẫn - ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch thường trực Quốc hội - tại phiên họp - Ảnh: THẾ ĐẠI

Tại phiên họp, với vai trò chủ trì, ông Trần Thanh Mẫn - ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch thường trực Quốc hội - cho rằng phiên họp cần thảo luận kỹ về những vướng mắc, phân tích nguyên nhân để từ đó đề xuất các giải pháp cần thiết cho việc tiếp tục triển khai.

Ông nhấn mạnh việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông đang là vấn đề được cử tri cả nước rất quan tâm.

Việc thay sách đã đi gần hết chặng đường, có cần thêm một bộ sách của bộ?

Theo nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biên soạn một bộ sách giáo khoa bên cạnh các bộ sách xã hội hóa, nhưng việc này đã không làm được. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đã không lường hết khó khăn khi chưa chuẩn bị được đội ngũ nhà khoa học tham gia biên soạn.

Về vấn đề này, có các ý kiến khác nhau ngay trong phiên họp. Có đại biểu cho rằng vẫn cần phải có một bộ sách giáo khoa do bộ biên soạn và cần làm rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để có thể thực thi được. 

Còn theo đại biểu Trần Văn Lâm, trước hết cần đánh giá và xác định lại về quan điểm sử dụng sách giáo khoa như thế nào với chương trình mới. Nếu coi sách giáo khoa chỉ là một tài liệu dạy học thì cần cởi mở hơn trong biên soạn sách giáo khoa, để thị trường tự quyết định. 

Học sinh sử dụng sách nào cũng được, không cần thống nhất trong toàn trường, toàn tỉnh. Nhưng nếu vẫn xem sách giáo khoa là căn cứ quan trọng để dạy học như trước thì nên chăng cần quay lại có một bộ sách giáo khoa thống nhất.

Ông Nguyễn Kim Sơn - bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - đề nghị đoàn giám sát phải làm rõ căn cứ vào điều gì từ thực tiễn cho thấy cần bộ biên soạn một bộ sách. Nếu làm sẽ giải quyết được những bất cập, thiếu sót gì. Theo đó mới nên cân nhắc thực hiện việc này. Bởi hiện tại việc thay sách đã đi gần hết chặng đường, việc có một bộ sách của bộ vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn. 

Ông Kim Sơn đề nghị Quốc hội nên cân nhắc hoặc bỏ yêu cầu bộ biên soạn một bộ sách giáo khoa

Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận "có sự lúng túng"

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi trình bày về những tồn tại, hạn chế khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã nêu các khó khăn về điều kiện (nguồn lực hạn chế, sự chênh lệch trong đầu tư giáo dục ở các vùng miền, đội ngũ giáo viên không đồng đều về năng lực). 

Đặc biệt, ông Sơn thừa nhận có sự lúng túng trong việc triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường dẫn tới một số bất hợp lý, nhất là trong việc triển khai các môn học mới, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá.

Việc ban hành chương trình còn chậm trễ với một số chương trình tự chọn (tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2) và chương trình ngoại ngữ 1 ngoài tiếng Anh. Sách giáo khoa còn có những ngữ liệu, nội dung chưa phù hợp, thiếu sót, lúng túng trong tổ chức lựa chọn sách cũng là những vấn đề hạn chế mà ông Kim Sơn nêu.

Việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa - theo ông Kim Sơn là vấn đề lớn lần đầu triển khai nên không khỏi có những khó khăn, hạn chế, nhất là trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. 

Bộ trưởng Sơn cũng cho rằng đã có những khó khăn trong quá trình thay đổi nhận thức trong lần đổi mới này. Cụ thể như thay đổi quan điểm về vai trò tự chủ của nhà trường trong xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường, thay đổi quan điểm từ chỗ lấy sách giáo khoa làm chuẩn sang dạy học, kiểm tra đánh giá theo yêu cầu cần đạt của chương trình.

Việc thực hiện cuốn chiếu chương trình - sách giáo khoa mới khiến cho các nhà trường phải cùng lúc thực hiện cả chương trình mới và cũ cũng là khó khăn cho việc thực hiện chương trình.

Vì sao lùi hai năm mà vẫn bị động?

Ông Đỗ Chí Nghĩa, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, băn khoăn việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa được nêu thực hiện theo điều kiện thực tế của các địa phương, nhưng lúc triển khai thì lại yêu cầu nâng cao ở tất cả các nội dung, đặc biệt là yêu cầu ở các chương trình, môn học mới. Trong khi chính Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định việc triển khai trải dài trên diện rộng, có sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền.

"Cần nhìn nhận lại để xem cách làm nào là xuyên suốt để hiệu quả. Trong đó phân tích rõ cái gì thuộc nội tại, cái gì là điều kiện cần để đảm bảo hiệu quả", ông Nghĩa đề nghị.

Liên quan tới băn khoăn của ông Đỗ Chí Nghĩa, một số thành viên đoàn giám sát cũng cho rằng việc chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc triển khai chưa tốt dẫn tới khó khăn, cản trở khi thực hiện.

Vì sao lùi hai năm mà thực hiện vẫn bị động? Trao đổi về điều này, các đại biểu tại phiên họp đều cho rằng vai trò Nhà nước trong việc thực hiện cần được rõ hơn, mạnh hơn. Thực tế cho thấy có những việc các bộ, ngành đã cùng vào cuộc nhưng lại chưa làm tốt như việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

TP.HCM thiếu giáo viên dạy chương trình giáo dục phổ thông mớiTP.HCM thiếu giáo viên dạy chương trình giáo dục phổ thông mới

TTO - Đây là thực trạng của TP.HCM khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 dành cho khối 10 từ năm học tới. Một số môn bậc THPT hoàn toàn 'trắng giáo viên'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên