14/12/2023 18:25 GMT+7

Người nước ngoài muốn được làm thủ tục tự động tại sân bay Tân Sơn Nhất

Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng chất lượng dịch vụ, hạ tầng ở cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang bị tụt hậu rất nhiều so với các nước trong khu vực. Các vấn đề như vệ sinh, sắp xếp bãi đỗ xe... vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Chủ tịch Phan Văn Mãi trao đổi với các nhà đầu tư Nhật Bản tại hội nghị bàn tròn - Ảnh: T.M.

Chủ tịch Phan Văn Mãi trao đổi với các nhà đầu tư Nhật Bản tại hội nghị bàn tròn - Ảnh: T.M.

Ngày 14-12, tại Hội nghị bàn tròn Doanh nghiệp Nhật Bản do UBND TP.HCM chủ trì, ông Ono Masuo - tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM - cho biết trong quá trình hoạt động, có 4 vấn đề vướng mắc mà doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang gặp phải.

Các lĩnh vực gồm: thuế, hải quan, pháp luật - lao động và môi trường - đời sống. Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản đã tổng hợp 25 ý kiến cần tháo gỡ để gửi đến UBND TP.HCM.

Hội nghị bàn tròn ngày 14-12 đã tập trung thảo luận ba kiến nghị thủ tục đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản trong Khu công nghệ cao TP.HCM và tình hình nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo đó, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã góp ý về chất lượng dịch vụ, hạ tầng ở cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang bị tụt hậu rất nhiều so với các nước trong khu vực. 

Các vấn đề như vệ sinh, sắp xếp bãi đỗ xe... vẫn chưa được cải thiện nhiều, hành khách còn xếp hàng chờ đợi để làm thủ tục nhập cảnh.

Từ tháng 8-2023 đã có 5 sân bay tại Việt Nam trong đó có sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu triển khai cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động. Đối tượng sử dụng gồm hành khách Việt Nam, hành khách nước ngoài có thẻ tạm trú hoặc thường trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Tuy nhiên các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng rất đáng tiếc khi tính đến nay người nước ngoài vẫn chưa sử dụng được cổng này theo như được thông báo. Trong khi người dân trong nước cũng chưa quan tâm đến cổng tự động mà chỉ tập trung xếp hàng dài để chờ đợi.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất sân bay Tân Sơn Nhất cần cải tiến, phân luồng, chia ra luồng cho người Việt Nam và người nước ngoài giống như các nước lân cận đã làm.

Ở góc độ khác, doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng nghị quyết 98 là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp FDI tham gia vào đầu tư. 

Do vậy, doanh nghiệp Nhật Bản rất cần sự chia sẻ minh bạch thông tin, các ưu đãi cũng như danh mục dự án, chính sách thu hút đầu tư đi kèm để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản nắm bắt, mở rộng đầu tư trong thời gian tới.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết ngoài việc bàn cụ thể thì TP.HCM cũng mong muốn có những định hướng cho việc hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và TP.HCM, giữa phía Nhật Bản và chính quyền TP.HCM để thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư thương mại, hợp tác kinh tế có chiều sâu hơn và rõ nét hơn.

Sau khi quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nâng cấp lên "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" thì hai bên vẫn còn nhiều dư địa để hợp tác phát triển. 

"Hội nghị này là cơ hội tốt để tiếp thu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Nhật Bản, chia sẻ các sáng kiến hợp tác mới để phát triển, TP.HCM cam kết sẽ luôn đồng hành, cùng vượt khó để cùng thành công với cộng đồng doanh nghiệp.

Trong tháng 12 này, TP sẽ có bản tổng hợp cung cấp những thông tin về nghị quyết 98 và chuyển ngữ để gửi tới nhà đầu tư Nhật Bản" - Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cam kết.

Hiện Nhật Bản có 1.657 dự án đang hoạt động, chiếm 14% tổng số dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn thành phố, với tổng vốn đầu tư hơn 5,7 tỉ USD.

Đề xuất giải tỏa dải phân cách để giảm kẹt xe khu sân bay Tân Sơn NhấtĐề xuất giải tỏa dải phân cách để giảm kẹt xe khu sân bay Tân Sơn Nhất

Dải phân cách dài 170m trồng cây xanh trên đường Trần Quốc Hoàn, quận Tân Bình, TP.HCM được nhận định là nguyên nhân làm hẹp lòng đường, gây kẹt xe, đang được đề xuất di dời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên