13/09/2022 14:42 GMT+7

Phân bón nhập khẩu bị 'tắc nghẽn' ở cảng bởi thuế phòng vệ thương mại?

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Thủ tục nhập khẩu phân bón DAP được không ít doanh nghiệp cho rằng đang bị nghẽn tại cảng bởi không có sự gia hạn hay bãi bỏ khi thuế phòng vệ thương mại hết hiệu lực.

Phân bón nhập khẩu bị tắc nghẽn ở cảng bởi thuế phòng vệ thương mại? - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất phân bón của một nhà máy phân bón ở tỉnh Bình Định - Ảnh: T.THƯƠNG

Ngày 13-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Duy Hải - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Vinacam - cho rằng ngày 7-9, quyết định áp thuế phòng vệ thương mại đã hết hạn, một số lô hàng phân bón DAP đang nhập khẩu về cảng chưa thể làm thủ tục.

"Hơn một tuần rồi vẫn chưa có văn bản, thông tin bổ sung hay hướng dẫn thay thế khác. Cơ quan hải quan lúng túng chưa có hướng giải quyết nên tạm thời không thể thông quan được. Rõ ràng việc này gây khó khăn không riêng cho doanh nghiệp chúng tôi mà các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón khác để chuẩn bị sản xuất cho vụ sắp tới cũng bị ảnh hưởng", ông Hải cho biết.

Cũng theo ông Hải, trong khi giá phân bón tăng cao gây khó khăn đầu vào cho hoạt động sản xuất của người nông dân, việc bỏ mức thuế phòng vệ này sẽ giúp giảm gánh nặng cho nông dân và cả doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định (có nhà máy phân bón tại TP Quy Nhơn, Bình Định) cũng gặp tình trạng tương tự với lô hàng 7.000 tấn nhập từ Nga. 

Trước sự lúng túng của cơ quan hải quan và sự lăn tăn của doanh nghiệp với thuế phòng vệ hết hạn, đại diện công ty này cho hay: "Nguyên tắc hết hạn mà không có văn bản mới thì không áp dụng và bỏ quy định về mức thuế này. Doanh nghiệp chúng tôi rất lăn tăn, nếu công bố thì công bố sớm, còn không đồng nghĩa với việc bãi bỏ. Vì vậy để tiện lợi cho thông cảng, chúng tôi cho lô hàng đó khai thuế bằng 0".

Trao đổi với một lãnh đạo ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vị này cho rằng Bộ Công Thương có quy định rõ biện pháp tự vệ sẽ hết hạn từ ngày 7-9-2022, sau thời hạn trên mức thuế về 0 đồng/tấn.

Trước đó, ngày 2-3-2018, Bộ Công Thương ban hành quyết định số 686 về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00 trong 2 năm. Mức thuế tự vệ áp dụng 1.072.104 đồng/tấn.

Ngày 3-3-2020, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 715 để gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu có mã HS như trên.

Từ ngày 7-3-2020 đến 6-3-2021, trong 1 năm này mức thuế tự vệ đưa ra là 1.050.663 đồng/tấn.

Từ ngày 7-3-2021 đến ngày 6-3-2022, mức thuế tự vệ là 1.029.219 đồng/tấn.

Từ ngày 7-3-2022 đến ngày 6-9-2022, mức thuế tự vệ là 1.007.778 đồng/tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hằng năm Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Năm 2021, lượng phân bón sử dụng là 10,7 triệu tấn.

Trong đó, khối lượng sản xuất trong nước là 7,2 triệu tấn, nhập khẩu 5,1 triệu tấn, lượng phân bón xuất khẩu khoảng 1,6 triệu tấn. Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có biến động lớn so với năm 2021.

Giá phân bón tăng và gánh nặng đối với nông dân Giá phân bón tăng và gánh nặng đối với nông dân

Nhiều nông dân lắc đầu khi giá phân bón tăng liên tục, khiến chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng cao. Trong khi đó, tiêu thụ nông sản ngày càng khó, mọi hoạt động sản xuất thu hẹp lại.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên