17/04/2024 16:26 GMT+7

Quảng Nam rót 2.700 tỉ đồng hồi sinh con sông 'không thượng nguồn, chẳng hạ lưu'

Sông Trường Giang, con sông dài hơn 60km chạy dọc theo bờ biển ở Quảng Nam, ở hai đầu bắc nam, sông đều thông với biển, không có thượng nguồn và chẳng có hạ lưu.

Dòng sông Trường Giang len lỏi qua những cánh đồng lúa chín vàng đẹp - Ảnh: LÊ TRUNG

Dòng sông Trường Giang len lỏi qua những cánh đồng lúa chín vàng đẹp - Ảnh: LÊ TRUNG

Hiện nay nhiều đoạn sông Trường Giang bị bồi lấp, cùng với việc người dân tự ý lấn chiếm làm ao nuôi tôm, nhà ở nên lòng sông hẹp dần. Tỉnh Quảng Nam vừa quyết định "rót" 2.700 tỉ để hồi sinh con sông này.

Từng là tuyến đường thủy huyết mạch

Trường Giang là con sông dọc theo bờ biển, đầu sông phía nam đổ ra biển tại Cửa An Hòa (huyện Núi Thành), đầu sông phía bắc đổ ra biển tại Cửa Đại (Hội An).

Trường Giang không có thượng lưu, chẳng có hạ lưu nên cũng không có hữu và tả ngạn. Bởi sông không chảy từ Trường Sơn ra biển, mà là sông chảy ngang, song song với bờ biển.

Sông nối hạ lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ở phía bắc với hạ lưu hệ thống sông Tam Kỳ - An Tân ở phía nam.

Con sông này nối hai hệ thống sông chính, nên nó thông thương tất cả các dòng nước của xứ này với nhau.

Do vị trí cầu nối quan trọng như vậy, hàng chục thế kỷ qua, Trường Giang giữ vai trò huyết mạch giao thông của xứ Quảng.

Trong quá khứ, khi giao thông đường bộ chưa phát triển, trên sông ghe bầu chạy từ An Hòa ra Bàn Thạch, Hội An.

Thuyền buôn chở mắm, cá, củi dương liễu, chum vại, muối, các vật liệu nghề biển, gạch ngói Thanh Hà trao đổi khắp các làng quê, phố thị, trung du, đồng bằng, cánh bắc, cánh nam của tỉnh.

Sông còn thông thương cả trăm chợ và các điểm buôn bán ven các sông xứ Quảng.

Sông Trường Giang chảy men theo dọc biển - Ảnh: LÊ TRUNG

Sông Trường Giang chảy men theo dọc biển - Ảnh: LÊ TRUNG

Xưa là vậy, nay sông bị con người xâm phạm quá mức. Trên sông có nhiều đoạn trở thành hồ nuôi thủy sản, nhà ở. Người dân tự ý lấn sông làm hồ nuôi tôm, làm nhà, nhiều quãng sông chỉ còn là con lạch. Nhiều đoạn bị bồi lấp, ghe thuyền lưu thông rất khó khăn.

Hơn 2.700 tỉ đồng nạo vét, cải tạo dòng sông

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định phê duyệt dự án phát triển tích hợp thích ứng tỉnh, với tổng kinh phí hơn 2.700 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Trong đó vốn vay ODA hơn 1.830 tỉ đồng, ngân sách 880 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, đến năm 2027 sẽ nạo vét xong 60km sông Trường Giang từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) - Cửa Lở (vịnh An Hòa) qua các địa phương như Duy Xuyên, Thăng Bình, TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Hai bên bờ sông những đoạn nguy cơ sạt lở được xây kè, kết hợp neo đậu tàu cá tránh trú bão.

Tại TP Tam Kỳ, dự án xây dựng kênh thoát lũ gần 2,4km từ hồ sông Đầm ra sông Trường Giang sẽ được triển khai. Sau nạo vét, tuyến sông Trường Giang đạt chuẩn cấp IV đường thủy nội địa, tàu trọng tải đến 100 tấn có thể lưu thông.

Khung cảnh bình yên trên sông Trường Giang - Ảnh: LÊ TRUNG

Khung cảnh bình yên trên sông Trường Giang - Ảnh: LÊ TRUNG

Cùng với nạo vét lòng sông thì sẽ xây dựng 6 cây cầu mới bắc qua sông gồm cầu Bình Dương, Hưng Mỹ, Bình Nam, Tỉnh Thủy, Tam Thanh và Tam Tiến.

Mục tiêu của dự án này là tăng cường kết nối, loại bỏ các trở ngại về cơ sở hạ tầng của các khu kinh tế trọng điểm ven biển, cũng như các khu dân cư và các khu du lịch ven biển, tạo ra một hệ thống giao thông thông suốt, đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cải tạo hệ thống giao thông thủy nội địa, tăng cường tiêu thoát lũ lưu vực sông Trường Giang, hỗ trợ chống ngập lụt khu vực Tam Kỳ, phục vụ dân sinh, du lịch và phát triển kinh tế khu vực.

Giảm nhẹ sự ô nhiễm và suy thoái môi trường do thiên nhiên và con người tác động; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực ảnh hưởng dự án.

Dự án cũng nhằm nâng cao năng lực neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu Cửa Đại và Cửa Lở, trong điều kiện hai nơi này bị bồi lấp, tàu thuyền không thể ra vào.

Sông chảy qua huyện Thăng Bình, bị người dân tự ý lấn chiếm làm ao nuôi tôm, làm hẹp lòng sông - Ảnh: LÊ TRUNG

Sông chảy qua huyện Thăng Bình, bị người dân tự ý lấn chiếm làm ao nuôi tôm, làm hẹp lòng sông - Ảnh: LÊ TRUNG

Sông chảy qua xã Bình Hải, huyện Thăng Bình rất hẹp - Ảnh: LÊ TRUNG

Sông chảy qua xã Bình Hải, huyện Thăng Bình rất hẹp - Ảnh: LÊ TRUNG

Cầu Trường Giang - Ảnh: LÊ TRUNG

Cầu Trường Giang - Ảnh: LÊ TRUNG

Khung cảnh đẹp nao lòng của sông Trường Giang - Ảnh: LÊ TRUNG

Khung cảnh đẹp nao lòng của sông Trường Giang - Ảnh: LÊ TRUNG

Tuyến đường ven biển Võ Chí Công ngang qua sông Trường Giang - Ảnh: LÊ TRUNG

Tuyến đường ven biển Võ Chí Công ngang qua sông Trường Giang - Ảnh: LÊ TRUNG

Hệ thống ao tôm chằng chịt trên sông Trường Giang - Ảnh: LÊ TRUNG

Hệ thống ao tôm chằng chịt trên sông Trường Giang - Ảnh: LÊ TRUNG

Đoạn sông chảy ra TP Tam Kỳ rất nhỏ hẹp, nhiều ao nuôi tôm chằng chịt - Ảnh: LÊ TRUNG

Đoạn sông chảy ra TP Tam Kỳ rất nhỏ hẹp, nhiều ao nuôi tôm chằng chịt - Ảnh: LÊ TRUNG

Đầu sông phía nam đổ ra biển tại cửa An Hòa - Ảnh: LÊ TRUNG

Đầu sông phía nam đổ ra biển tại cửa An Hòa - Ảnh: LÊ TRUNG

Lấn sông Trường Giang để nuôi tômLấn sông Trường Giang để nuôi tôm

TT - Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 21-7 tại khúc sông Trường Giang đoạn qua thôn Tây Giang (xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), hàng chục hồ nuôi tôm nằm chỏng chơ giữa lòng sông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên