17/03/2024 08:55 GMT+7

Sáp nhập hơn 600 phường xã, đừng xem nhẹ cách đặt tên

Những ngày vừa qua, Đà Nẵng lần đầu công bố kế hoạch sáp nhập và dự kiến các tên gọi đơn vị hành chính mới đã nhận được vô số sự quan tâm của dư luận. Trong hai năm tới, dự kiến cả nước có hơn 600 đơn vị hành chính xã mới sau khi sáp nhập.

Địa bàn phường Thạc Gián trước đây có một phần phường Vĩnh Trung và phường Chính Gián hiện nay. Trong ảnh: bờ hồ Thạc Gián - Ảnh: TR.TRUNG

Địa bàn phường Thạc Gián trước đây có một phần phường Vĩnh Trung và phường Chính Gián hiện nay. Trong ảnh: bờ hồ Thạc Gián - Ảnh: TR.TRUNG

Ngoài việc sắp xếp cán bộ, trụ sở, tài sản, đất đai sau khi sáp nhập thì việc chọn tên mới cũng là vấn đề hệ trọng không kém.

Vậy làm thế nào để việc đặt tên phường đạt được sự đồng thuận, giảm phiền hà cho dân?

Muôn vàn kiểu đặt tên mới

Chỉ tính riêng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Đà Nẵng, có 17 phường tiến hành sáp nhập thành 8 phường. Có những phường ở quận trung tâm Hải Châu vì không đủ diện tích nên nhập ba phường gồm Phước Ninh, Nam Dương và Bình Hiên thành đơn vị hành chính mới có tên là Nam Bình Phước hoặc Nam Phước.

Cũng có những trường hợp sử dụng lại tên gọi của vùng đất này vào giai đoạn trước đó như dự kiến sáp nhập phường Tam Thuận với Xuân Hà (quận Thanh Khê) đặt tên gọi mới là phường Hà Tam Xuân. Còn tại quận Sơn Trà, dự kiến sáp nhập phường An Hải Đông và An Hải Tây, tên gọi mới là phường An Hải Nam.

Địa danh là hồn cốt của một vùng đất, theo tiến sĩ Lê Thị Mai - giảng viên khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, việc đặt tên đơn vị hành chính mới cần phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng. Đặc biệt là sao cho việc chọn đặt tên xã phường mới phải đảm bảo lưu giữ lại được dấu ấn của lịch sử - văn hóa truyền thống nơi đây.

Lẽ thường phải xem xét các địa danh cổ, các xứ đất cổ, các làng lớn, làng cổ nổi tiếng thuộc địa bàn của các phường, xã đó để chọn tên mới. Đà Nẵng đã làm điều này khi không có tên phường 1, phường 2 mà chọn tên các địa danh cổ làm tên đơn vị hành chính như phường Khuê Trung, phường Thạc Gián, Thạch Thang.

Đồ họa: N.KH.

Đồ họa: N.KH.

"Gánh theo tên xã" nhưng phải... nhẹ nhất

Với truyền thống "gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân" của người dân Việt, ông Bùi Văn Tiếng - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, nguyên trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng - cho rằng tên gọi của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp là vấn đề lớn.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Nội vụ từng khuyến cáo Đà Nẵng - và chắc không chỉ Đà Nẵng mà còn là vấn đề sắp tới ở 63 tỉnh thành - cần làm thế nào để việc đặt tên các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải tạo được sự đồng thuận.

Hiện nay các nơi mới chuẩn bị phương án dự kiến nêu trong kế hoạch tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023 - 2025. Để đi đến thống nhất còn trải qua nhiều khâu, nhiều bước.

Tuy nhiên qua cách gợi ý tên phường ở Đà Nẵng, ông Tiếng cho rằng trường hợp sáp nhập phường Hải Châu 1 và Hải Châu 2 thì nên coi đây là sự hợp nhất. Nhưng chính quyền không đặt lại tên cũ là Hải Châu (Hải Châu chánh xã có nguồn gốc từ làng Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), mà lại đặt Hải Châu 1 có lẽ do ngại trùng với tên quận.

"Có lẽ chính quyền tính tới việc giảm rắc rối giấy tờ liên quan. Tuy nhiên theo tôi, tên phường trùng với tên quận cũng có sao đâu. Giống như TP Quảng Ngãi của tỉnh Quảng Ngãi, TP Hà Tĩnh của tỉnh Hà Tĩnh..." - ông Tiếng nói.

Đối với tên phường đặc biệt lạ lẫm như Hà Tam Xuân ở Đà Nẵng, ông Tiếng cho biết ở quận Thanh Khê, hồi tháng 10-1955, quận II thị xã Đà Nẵng (tương ứng với địa bàn quận Thanh Khê ngày nay) gồm 10 khu phố: Thạc Gián, Hà Khê, An Khê, Phú Lộc, Phục Đán, Chính Trạch, Xuân Đán, Tam Tòa, Thanh Khê, Xuân Hòa. Đến tháng 1-1973 điều chỉnh còn năm phường: Chính Gián, Thạc Gián, An Khê, Thanh Lộc Đán, Hà Tam Xuân.

Như vậy Hà Tam Xuân từng là tên gọi khi hợp nhất ba đơn vị Hà Khê, Xuân Đán và Tam Tòa. Do vậy nếu nay tiếp tục là tên gọi khi hợp nhất Xuân Hà và Tam Thuận thì cũng phù hợp.

Ông Tiếng cho rằng cần xác định quan điểm xuyên suốt của việc đặt tên là làm sao phải giữ được yếu tố lịch sử. Tên phường mới phải làm sao giữ được 1-2 từ tố cổ xưa liên quan đến vùng đất. Và nếu có thể, khi hai phường mà nhập lại, giữ y một tên phường mà tên đó có từ tố liên quan đến phường kia là phương án tốt nhất vì tránh xáo trộn giấy tờ.

"Lấy từ đầu hoặc cuối của các tên cũ ghép lại thành tên mới cũng là cách người ta thường làm. Tuy nhiên trường hợp này chỉ nên dùng khi khó khăn trong việc tạo sự đồng thuận, không tìm được tiếng nói chung" - ông Tiếng nói.

Coi việc xác định tên gọi đơn vị hành chính mới là rất hệ trọng, bởi tên gọi địa danh là lịch sử, là dấu vết, là quá trình khai phá của cha ông.

Sẽ tổ chức lấy ý kiến của cử tri

Theo lộ trình trong phương án dự kiến nêu trong kế hoạch tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023 - 2025 thì UBND TP Đà Nẵng, UBND cấp huyện triển khai xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Đề án điều chỉnh địa giới hành chính quận Thanh Khê và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc quận Thanh Khê. Đồng thời sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri, trình HĐND TP thông qua trước khi trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đặt tên phường, xã cần tham vấn chuyên gia

Cán bộ UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP.HCM) làm thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH

Cán bộ UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP.HCM) làm thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH

Cuối năm 2024, UBND TP.HCM có tờ trình gửi Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Ở giai đoạn này, TP.HCM không có quận huyện nào phải sắp xếp. Riêng chỉ có huyện Nhà Bè và quận 6 dù thuộc diện cần sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên cũng không sắp xếp. Tuy nhiên lại có 129 xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp, sáp nhập, có 49 phường thuộc diện đặc thù nên không cần sắp xếp.

Theo UBND TP.HCM, mặc dù việc sắp xếp sẽ làm tinh gọn bộ máy, phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương nhưng do số lượng sắp xếp lớn nên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, việc đặt tên cho các phường, xã sau khi sắp xếp cũng là vấn đề cần lưu tâm để công tác quản lý được thuận tiện nhất.

Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được quy định tại nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2023. Trong quy định, việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri. Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM) công tác nghiên cứu lựa chọn và đặt tên các phường, xã sau khi sáp nhập là vấn đề cần được ưu tiên "đi trước". Thông thường sẽ đặt tên theo cách ghép hai tên cũ lại với nhau; đặt tên mới nhưng vẫn lấy từ gốc của tên cũ hoặc đặt hoàn toàn mới. Dù với cách nào, đều dẫn tới nhiều khó khăn cho người dân khi thay đổi các giấy tờ.

Theo ông Nguyên, để các địa phương tự lựa chọn dễ xảy ra tình trạng "mỗi nơi một logic" khác nhau. Nên khi quyết định đặt tên mới hoàn toàn, địa phương cần tham vấn ý kiến từ các chuyên gia văn hóa, lịch sử, xã hội học, ngôn ngữ học... để đưa ra phương án. Làm sao hướng cuối cùng của việc đặt tên là tạo ra sự thuận lợi nhất cho người dân.

Cần thiết UBND TP có thể tận dụng Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường hoặc thành lập một hội đồng mới để phụ trách nghiên cứu việc đặt tên cho các đơn vị hành chính thuộc TP.HCM. Hội đồng có nhiệm vụ thu thập, soạn thảo, đề xuất các tên nhân vật lịch sử, văn hóa gắn với địa phương và từ đó lấy ý kiến người dân.

Sáp nhập phường ở Đà Nẵng, vì sao có nhiều tên gọi lạ lẫm?Sáp nhập phường ở Đà Nẵng, vì sao có nhiều tên gọi lạ lẫm?

Trong 2 năm tới, Đà Nẵng sẽ sáp nhập nhiều phường, tên của nhiều phường mới dự kiến khá lạ như An Hải Nam, Hòa Bình, Nam Bình Phước...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên