06/09/2023 18:38 GMT+7

TP.HCM sẽ đi đầu trong quá trình chuyển đổi xanh

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại hội thảo Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hôm nay 6-9.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh: H.H

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh: H.H

Sự kiện nhằm hưởng ứng Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 4 với chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không" sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 17-9 tới đây.

Ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức đến từ biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống của người dân, an ninh năng lượng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học…

Do đó, nếu không tiến hành chuyển đổi xanh theo xu hướng của thế giới, cũng như nếu không có chiến lược, chính sách bài bản, cụ thể, lâu dài thì nền kinh tế thành phố khó tạo ra những giá trị mới cũng như không có năng lực cạnh tranh mới và khó đóng góp được cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.

"TP.HCM là địa phương có trách nhiệm, đi đầu trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và sẽ là địa phương nhận nhiệm vụ đầu tiên, nhận nhiệm vụ lớn nhất để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. TP.HCM không có lựa chọn nào khác và chúng tôi xem đó là sứ mạng, phải đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi xanh cũng như nỗ lực trong phát triển bền vững", ông Phan Văn Mãi nói.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - Trường đại học Kinh tế TP.HCM - đưa ra thông tin TP hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp thải khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.

Việc UBND TP.HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 hoặc 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế là một mục tiêu đầy tham vọng.

Do vậy, TP.HCM cần một lộ trình giảm phát thải rõ ràng, đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và cấp hạn ngạch phát thải cho các công ty trong các ngành quan trọng. Điều này rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể tính toán về con đường giảm phát thải trong thời gian tới.

Ông Phan Đức Hiếu - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng với nghị quyết 98, TP.HCM nên nhanh chóng triển khai để thiết lập các hành lang kỹ thuật để có thể thúc đẩy thị trường tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - Ảnh: H.H

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - Ảnh: H.H

Đại diện cho khối doanh nghiệp TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - bày tỏ sự sốt ruột của các doanh nghiệp trong triển khai tài chính xanh và thị trường carbon.

Theo ông, điều doanh nghiệp quan tâm nhất là doanh nghiệp bắt đầu như thế nào? Ai cấp cho doanh nghiệp chứng chỉ này, giao dịch với ai, như thế nào, theo khuôn khổ pháp lý nào? Nếu vượt thì phải mua của ai để bù đắp?

Cụ thể, theo ông Hòa, với các tiêu chuẩn trong quá trình chuyển đổi xanh, hiện cộng đồng doanh nghiệp rất bức xúc, vì giờ nước tới chân rồi, giờ không "xanh" thì doanh nghiệp không xuất hàng đi đâu được cả. Nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh đã có bước chuyển lớn và mong được hướng dẫn, sớm có định chế để doanh nghiệp sớm thực hiện.

Để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp rất cần các chương trình tín dụng xanh. Hiện, đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên để tự thân mỗi doanh nghiệp đứng ra phát hành trái phiếu xanh là điều rất khó.

Từ đó, ông Hòa đề xuất các định chế tài chính, cơ quan chức năng nên có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh cho doanh nghiệp vay lại theo quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp.

Với TP.HCM, quá trình thực hiện nghị quyết 98, kỳ họp HĐND TP.HCM tháng 9 tới đây sẽ kích hoạt lại chương trình kích cầu đầu tư, dự thảo đã đưa nội dung có hỗ trợ về mặt vốn vay và lãi suất cho các dự án thực hiện quá trình chuyển đổi xanh.

Ông Hòa cũng kiến nghị cần sớm có quy định, hướng dẫn thống nhất về thực hiện năng lượng áp mái, hiện nay chỉ tự sản tự tiêu, thừa cũng không biết làm gì rất lãng phí.

Ông Phạm Trung Kiên - phó trưởng văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam - cho biết đến ngày 31-12-2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh của Agribank đạt gần 12.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 1% dư nợ cho vay nền kinh tế).

"Agribank sẽ ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và tiếp tục duy trì dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn từ 65 - 75%; nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tín dụng xanh có chính sách ưu đãi khuyến khích cho vay các dự án phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường", ông Kiên khẳng định.

Đòn bẩy 15,5 tỉ USD cho chuyển đổi xanhĐòn bẩy 15,5 tỉ USD cho chuyển đổi xanh

TTO - Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Iain Frew, chúc mừng Việt Nam về thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) thống nhất ngày 14-12 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU ở Brussels, Bỉ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên