28/04/2024 17:06 GMT+7

Ukraine nỗ lực lật ngược thế cờ sau khi Mỹ nối lại viện trợ

Theo Washington, Kiev phải giải quyết tình trạng thiếu quân nghiêm trọng và tăng cường phòng thủ nếu muốn giành ưu thế trước các cuộc tấn công lớn của Nga sau khi Mỹ nối lại viện trợ.

Mỹ cho biết Ukraine phải giải quyết các khó khăn về nguồn lực nếu muốn giành ưu thế trên chiến trường trước Nga - Ảnh: AFP

Mỹ cho biết Ukraine phải giải quyết các khó khăn về nguồn lực nếu muốn giành ưu thế trên chiến trường trước Nga - Ảnh: AFP

Mỹ bắt đầu chuyển vũ khí trong gói viện trợ mới cho Ukraine

Tình trạng thiếu quân trầm trọng của Ukraine và thế mạnh về hỏa lực của Nga khiến Kiev khó có khả năng chiếm ưu thế trong các cuộc tấn công sắp diễn ra của Nga, ít nhất đến năm 2025, theo báo Washington Post.

Theo tờ báo Mỹ, việc Quốc hội thông qua gói viện trợ 95 tỉ USD sau tranh cãi trong nội bộ Quốc hội là một thắng lợi của Tổng thống Joe Biden, trong đó khoảng 61 tỉ USD là tiền viện trợ dành riêng cho Ukraine.

Đây được xem là gói viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ cho Ukraine tính từ đầu xung đột Ukraine - Nga (tháng 2-2022) tới nay. Nó cho phép Mỹ mua thêm thiết bị do các công ty Mỹ sản xuất để chuyển cho quân đội Ukraine.

Ngày 27-4, một số lượng lớn đạn pháo, tên lửa phòng không và xe bọc thép đã bắt đầu được chuyển đến Ukraine. Giới chức Mỹ cho biết họ hy vọng sự hỗ trợ từ Washington sẽ cho Kiev thêm thời gian để tự bổ sung lực lượng chiến đấu và tăng cường phòng không trước các cuộc tấn công dự kiến của Nga.

Tờ Washington Post dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ không nêu tên cho biết khoản viện trợ của Mỹ sẽ giúp Ukraine ứng phó tốt hơn trước các cuộc tấn công liên tục của Nga “dù ở tiền tuyến hay trên bầu trời”.

“Nhưng thời gian rất quý giá. Chúng ta không nên lãng phí thời gian”, vị quan chức này nói thêm.

"Ánh sáng cuối đường hầm", "phao cứu sinh" cho Ukraine

Việc phê duyệt gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỉ USD của Thượng viện Mỹ trước sự phản đối của một nhóm nghị sĩ phe Cộng hòa dù sao vẫn đem lại “ánh sáng cuối đường hầm” cho Ukraine - quốc gia đang dần kiệt quệ khi phải đối mặt với tình trạng thiếu vũ khí trong cuộc xung đột với Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả khoản viện trợ bị trì hoãn lâu của Mỹ xuất hiện như một chiếc “phao cứu sinh”, đồng thời nhấn mạnh khoản viện trợ cần phải được vận chuyển đến Ukraine nhanh chóng như đã cam kết.

“Ukraine sẽ có cơ hội xoay chuyển tình thế nếu Kiev nhận được khoản viện trợ vũ khí mà chúng ta đang cần”, Đài NBC dẫn lời phát biểu của ông Zelensky vào cuối tuần trước.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan ngày 24-4 cũng cho biết Ukraine sẽ cần thêm một thời gian nữa để tự “chui ra khỏi hố” do sự chậm trễ kéo dài 6 tháng mà Quốc hội Mỹ đã gây ra.

Các quan chức Mỹ vẫn còn hoài nghi về chiến thuật và ưu tiên sắp tới của Kiev. Họ tin rằng Ukraine đã làm rất tốt bất chấp sự thất bại của chiến dịch phản công hồi năm ngoái, gây tổn hại đáng kể tới sức chiến đấu và tinh thần lực lượng.

Nhà Trắng sẽ tiếp tục coi năm 2024 là một năm phòng thủ chủ yếu đối với Ukraine, nhưng cũng sẽ lưu tâm đến những tiềm năng từ các khoản hỗ trợ mà phương Tây đem lại, bao gồm cả tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ vừa cung cấp, nhằm giúp Ukraine chiếm được ưu thế trong trường hợp nước này tấn công bán đảo Crimea - khu vực thuộc phạm vi kiểm soát của Nga.

Các quốc gia phương Tây cũng dự kiến bắt đầu cung cấp một số lượng hạn chế máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine vào cuối năm nay.

Ngày 27-4, sau khi công bố gói viện trợ quân sự dài hạn trị giá 6 tỉ USD, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết con đường phía trước của Ukraine sẽ “phụ thuộc vào việc quốc gia này có sử dụng hợp lý các khoản viện trợ và duy trì nó hiệu quả hay không”.

Ngoài ra, ông Austin cũng đề cập đến một vấn đề khác của riêng Ukraine và quyết định đến vận mệnh quốc gia. Đó là “cần xem xét đến khả năng liệu Ukraine có thể huy động đủ số lượng binh sĩ để bổ sung vào hàng ngũ của mình hay không”.

Tướng không quân Charles Q. Brown Jr., chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết gói viện trợ mới được Thượng viện Mỹ thông qua sẽ “giúp định hình tương lai”, theo báo Washington Post.

Mỹ công bố gói viện trợ lớn nhất cho Ukraine

Ngày 27-4 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công bố gói viện trợ quân sự dài hạn trị giá 6 tỉ USD cho Ukraine, nhằm ngăn chặn bước tiến của Nga trong những tháng tới.

Đài CNN dẫn lời ông Austin cho biết gói viện trợ sẽ bao gồm hệ thống tên lửa phòng không Patriot, hệ thống chống máy bay không người lái, cùng một loạt các vũ khí cần thiết khác. Tuy nhiên, ông Austin cũng nói thêm có thể sẽ mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để sản xuất hết số lượng vũ khí này.

Theo đó, Washington sẽ viện trợ vũ khí cho Kiev dựa trên hai hình thức chính. Một là chuyển giao ngay lập tức từ các kho quân sự có sẵn của Mỹ. Hai là chuyển giao lâu dài thông qua các đơn đặt hàng vũ khí và đạn dược.

Mỹ là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine kể từ lúc Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào tháng 2-2022. Sự đóng góp của Mỹ, đặc biệt khoản viện trợ 61 tỉ USD trong gói 95 tỉ USD này, thậm chí đóng vai trò mang tính biểu tượng cho sự hỗ trợ của châu Âu đối với Kiev hiện tại và tương lai.

Ông Trump góp gì vào gói viện trợ khủng 61 tỉ USD cho Ukraine?Ông Trump góp gì vào gói viện trợ khủng 61 tỉ USD cho Ukraine?

Loạt viện trợ mới nhất dành cho Ukraine không chỉ có ý nghĩa trên chiến trường ở châu Âu, nó còn góp phần gợi ý cho khả năng ông Trump sẽ tái đắc cử.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên