​Cô đơn trong chữ nghĩa

TRẦN HUIỀN ÂN 02/11/2014 08:11 GMT+7

TTCT - Tôi bắt đầu đọc truyện từ lớp 3. Tác phẩm đầu tiên là Lâu đài họ Hạ.

Tranh: Lê thiết Cương
Tranh: Lê thiết Cương

Nhớ mãi hình ảnh lâu đài tuyết phủ trắng đêm, vẻ kiêu ngạo của tử tước Hạ Gia Địch khi nói về “phường săn” của ông cùng với tiếng “kèn đồng thô lỗ”, đặc biệt tử tước phu nhân, bà Sơ Giạ Hương diễm lệ, dịu dàng, khiến ai cũng yêu kính, trong đó thoang thoáng một chút lãng đãng mộng mơ.

Những năm trung học, có thể nói tôi đọc gần hết truyện “thời tiền chiến”, tức là xuất bản trước năm 1945.

Tôi không thích tình yêu của các đôi nam nữ trong Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên, Lan Hữu, cả trong Đoạn tuyệt, mà thích những nhân vật trong Trường đời, Tôi thầu khoán, những chuyện đường rừng, ma quái và bí ẩn trong Vàng và máu, Thần Hổ, những tập tục lạ trong Hồng Thầu, chút ít lịch sử trong Kho vàng Sầm Sơn, Dưới lũy Trường Dực...

Tôi mường tượng ra buổi sáng mưa bay ở núi Văn Dú, buổi trưa nắng gắt trên đèo Ô Quy Hồ, để “lắp ghép” vào một nơi có dịp đi qua.

Đến lúc có dịp ra miền Bắc, phong cảnh tôi ghi nhận từ tuổi học trò qua những trang sách vẫn còn lắng đọng trong tâm hồn. Trên mỗi nẻo đường, tôi thường nhớ lại và lúc nào cũng muốn nói ra để mong tìm một người đồng điệu trong cảm nghĩ.

Lên Sa Pa. Đến bản Tả Phìn, đồng bào Dao Đỏ với chiếc khăn đỏ trên đầu chợt gợi tiểu thuyết Hồng Thầu của Lan Khai, viết về một bộ lạc thiểu số sống biệt lập, ít giao thiệp, không muốn khách lạ đến bản, dùng những đoạn suối làm đường đi để đánh lạc hướng người ngoài.

Tác giả lồng vào đó chuyện tình giữa một chàng trai Kinh tình cờ vào bản và một cô gái Hồng Thầu, mở đầu rất lãng mạn nhưng kết cục quá đau thương. 

Ngày nay ở đây tất cả nam giới mặc áo thun, áo sơmi, quần tây, chỉ phụ nữ mặc y phục sắc tộc. Nhờ đó phân biệt được chị này là Dao, chị kia là Mông, chị nọ là Giáy. Qua chiếc khăn đỏ tôi chợt hiểu thật là đơn giản: bộ lạc Hồng Thầu của Lan Khai chính là đồng bào sắc tộc Dao Đỏ. Ông đã tạo thành một thế giới thơ mộng kỳ bí khiến người đọc say mê.

Đem “sự tích Hồng Thầu” ra hỏi các nhà văn, các nhà nghiên cứu tôi được gặp, kể cả các bạn trí thức trẻ tại địa phương: không ai biết cả! Mới đây, tìm trong sách của Phan Thị Phượng viết về người Dao Đỏ ở Lào Cai, tác giả trình bày khá đầy đủ nhiều mặt nhưng không có tập tục chọn rể kỳ quặc và việc dùng những đoạn suối làm lối đi, hoàn toàn do Lan Khai hư cấu chăng?

Qua đèo Ô Quy Hồ, đường rất tốt, cảnh quá đẹp, tôi cố lắng tai mà không nghe được tiếng chim huyền thoại, lại thêm phân vân: chỗ nào ngày xưa nhân vật hậu duệ của họ Đèo danh giá bị cọp liếm, chỗ nào mấy năm trước nhạc sĩ Thục Vũ kiệt sức nằm xuống? 

Đến Sầm Sơn, không thể không nhớ Kho vàng Sầm Sơn của Tchya, lại chuyện tình, con trai Nguyễn Hữu Chỉnh và con gái Võ Văn Nhậm. Người ta vớt được một kho báu tại bãi biển Sầm Sơn, giữa vàng bạc ngọc ngà có thanh gươm chạm ba chữ “Cơ... hầu”, chữ giữa bị mòn nét, không rõ là Thôn hay Tài (Cơ Thôn hầu? Cơ Tài hầu?).

Nhờ ba chữ này, các nhà khảo cổ thấy có liên hệ với làng quê của Nguyễn Hữu Chỉnh và đoán rằng chính là của cải Nguyễn Hữu Chỉnh vơ vét được trong trận diệt Trịnh, sau cố đem chạy theo quân Tây Sơn rút về Nam, vì một lý do nào đó bị chìm tại đây.

Nói chuyện với các nhà văn từ Hà Nội, Thanh Hóa cùng dự hội thảo, gọi vào Sài Gòn hỏi một anh bạn nổi tiếng từ chương, cũng đành thất vọng: không ai đã đọc sách này, không ai nghe nói chuyện kho tàng (có thật), không ai bận tâm đến thiên tình sử Nguyễn Anh Tề - Võ An Trinh, không ai biết tên làng quê Nguyễn Hữu Chỉnh.

Về tìm trên mạng, lạ lùng là suốt 15 chương Kho vàng Sầm Sơn không có chi tiết về thanh gươm (tôi ghi khắc mãi trong ký ức), trái lại có chi tiết tôi không hề nhớ: hai đồng tiền Vạn Lịch! Chẳng những không giải mã được mà thêm sự phân vân!

Tôi tự cười sự ngây thơ của mình: Cứ ngỡ đọc nhiều sẽ có bạn tương cảm như hai nhân vật của Sơn Nam cùng luận về “giáo khoa thư”, hóa ra chính mình bị lạc lõng cô đơn trong biển khơi chữ nghĩa. Thiên hạ không giống ta, ta không là thiên hạ.

Mỗi người, với chữ và qua chữ, rốt cuộc rồi có một lãnh địa, một thời khắc riêng để sống, để yêu, để nhớ, để suy tưởng. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận