Nghề dọn xác nhà

YẾN TRINH 12/08/2016 20:08 GMT+7

TTCT - Từ nhu cầu dọn bỏ để xây mới, nghề dọn xác nhà tại TP.HCM ngày càng đắt khách. Từ nhà bé trong hẻm đến biệt thự, nhà xưởng…, những người dọn xác nhà đều nhận làm.

Anh Lư Chí Dũng (quê Quảng Ngãi) đang dọn xác nhà trên đường Trần Hữu Trang, quận Phú Nhuận, TP.HCM -Quang Định
Anh Lư Chí Dũng (quê Quảng Ngãi) đang dọn xác nhà trên đường Trần Hữu Trang, quận Phú Nhuận, TP.HCM -Quang Định


7g, trên lầu hai của căn nhà bề ngang 6m trong con hẻm đường Ba Vân (Q.Tân Phú, TP.HCM), một nhóm thợ sửa soạn máy khoan, máy đục bắt đầu dọn nhà. Căn nhà mà nhóm thợ của anh Trang Quang Cường (40 tuổi) nhận làm gồm hai tầng, có khoảng sân phía trước. Từ hôm trước anh đã phủ bạt và lưới phía ngoài để tránh bụi bay qua nhà gần đó.

Mớ đồ nội thất được dọn gọn qua một bên để chừa chỗ trống cho thợ khoan gạch. Anh Nguyễn Sơn Hậu (31 tuổi) cầm chắc máy khoan, khoan từng mảng gạch rớt xuống tầng dưới. “Chỉ riêng việc khoan gạch lót nền của hai tầng là mất cả ngày rồi” - anh nói.

Cạnh đó, hai người thợ khác dùng máy đục, búa để tháo các cánh cửa. Sau khi gạch đã rơi hết, lộ ra sàn sắt cây, anh Hậu bắt đầu dùng khí gas để tạo lực cắt rời sàn sắt khỏi bức tường.

ĐỦ KIỂU XÁC NHÀ

Khi đã hoàn thành việc khoan gạch, cắt sắt, nhóm thợ bắt đầu đập bỏ các bức tường. Nhiều chỗ có vị trí lắt léo, thợ phải bắc thang để di chuyển, đội nón và có thiết bị bảo hộ đầy đủ.

Anh Cường cho biết: “Nghề xây nhà đã khó, nghề đập bỏ xác nhà càng khó hơn vì khi đập mình không rành kết cấu của ngôi nhà. Tất cả dựa trên kinh nghiệm nhìn nhà đoán kết cấu. Thường thì chúng tôi làm từ trên xuống: dọn phần mái nhà, đến cửa nẻo, rồi qua nền gạch, tường...”.

Đứng ra chịu trách nhiệm nên anh Cường luôn có mặt ở nơi này để giám sát và phụ giúp nhóm thợ.

Trong một con hẻm rộng chừng 1m ở đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), anh Lê Công Toàn (31 tuổi) đang hướng dẫn nhóm thợ móc móng ngôi nhà bề ngang chỉ 3m. Vì tường ngôi nhà xây ép sát nhà kế bên nên anh Toàn cho biết phải rất cẩn trọng khi đập bỏ.

“Thường chúng tôi phải dùng nẹp sắt để gia cố tường hàng xóm trước khi đập tường của xác nhà bên này. Đã có trường hợp hàng xóm phản ứng vì sợ sập tường nhà họ, mình phải cam kết chịu trách nhiệm họ mới chấp nhận” - anh nói.

Với những người dọn xác nhà, công đoạn móc móng tốn nhiều thời gian và cũng trần ai nhất, vì móng nằm sâu dưới đất và rất kiên cố. Thợ móc móng phải dùng các loại máy móc cẩu móng lên khỏi mặt đất, có khi mấy ngày trời mới xong.

Theo kinh nghiệm của những người dọn xác nhà, nhà nào càng nhỏ và xây sát với nhà hàng xóm thì khi đập bỏ càng khó bởi không gian để thao tác đập bỏ chật hẹp và dễ ảnh hưởng nhà hàng xóm.

Thế nhưng anh Cường cho biết: “Dù nhà nhỏ tới mức nào mình cũng nhận làm. Nhà càng nhỏ thì mức độ rủi ro cho thợ càng cao, bởi kết cấu nhà thường sơ sài. Nhưng làm nghề này phải chấp nhận, không thể vì chê nhà nhỏ mà không làm cho khách, vậy thì khách biết kêu ai”.

Tương tự, anh Toàn cũng cho biết sau hơn 8 năm làm nghề, anh gặp nhiều loại nhà uốn éo đủ kiểu nhưng chưa bao giờ từ chối.

Ngoài dọn xác nhà, người làm nghề này còn nhận dọn nhà xưởng, công trình xây dựng. Việc dọn những nhà xưởng hàng ngàn mét vuông lại đơn giản hơn vì xưởng thường lắp ráp sắt thép, kết cấu rõ ràng, chỉ cần tháo dỡ lần lượt.

“Chúng tôi cũng nhận tháo dỡ xong lắp đặt lại xưởng ở chỗ mới luôn. Thường thì thời gian làm đối với xưởng lâu hơn, có khi cả tháng trời mới xong” - anh Phạm Văn Mười (46 tuổi, thường nhận dọn nhà xưởng) cho biết. Đối với công trình xây dựng, những tòa nhà lớn..., dân dọn xác nhà cho biết phải là những người làm nghề lâu năm, vốn lớn và có chút “máu mặt” mới nhận được hợp đồng.

Gạch cũ còn nguyên được bán lại cho một “mối” ở huyện Nhà Bè, TP.HCM, sau đó “mối” bán lại cho quán cà phê, quán ăn để trang trí-Yến Trinh
Gạch cũ còn nguyên được bán lại cho một “mối” ở huyện Nhà Bè, TP.HCM, sau đó “mối” bán lại cho quán cà phê, quán ăn để trang trí-Yến Trinh

 

LỜI ĂN LỖ CHỊU

Anh Mười kể: “Ngày trước nghề này sống khỏe lắm vì người ta cần mình đến dọn, người ta trả tiền cho mình. Một cái xác nhà vừa vừa, sau khi dọn xong được trả vài triệu đồng”.

Lúc đó, những người dọn xác nhà quy tụ thành nhóm thợ rồi chia tiền công. Vài năm trở lại đây, dọn xác nhà trở thành chuyên nghiệp, hơn nữa gia chủ nhận thấy xác nhà cũng có giá trị (cửa gỗ, sắt thép, đồng... trong kết cấu nhà) nên người dọn xác nhà trở thành người... đi mua.

Còn anh Toàn cho biết: “Việc định giá căn nhà dựa trên số lượng cửa và vật liệu làm cửa, số lượng cốt sắt, sàn sắt... Sắt là có giá nhất trong xác nhà, ví dụ trong 1m2 sẽ có 15kg sắt, trị giá 5.000 đồng/kg, sau đó cộng các vật liệu khác, trừ đi tiền thuê nhân công, còn lại mình hưởng” - anh Toàn nói. Có khi gia chủ hào phóng chỉ cần nhà được đập bỏ nhanh chóng, người mua xác nhà không phải trả tiền mua, nhưng chuyện này khá hiếm.

Giới mua xác nhà đã định mức giá cơ bản cho các loại xác nhà, một căn hai tầng có giá 15-20 triệu đồng. Còn mua xác biệt thự được coi là “kèo thơm” vì biệt thự có nhiều vật liệu giá trị. Giá mua xác biệt thự cũng cao hơn, từ 50 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/căn.

Anh Toàn cho biết nếu tính toán kỹ, mỗi xác biệt thự người mua có thể bỏ túi cả trăm triệu là chuyện bình thường. Còn anh Cường vốn dày dạn kinh nghiệm mua xác biệt thự cho biết mình cũng từng kiếm được số tiền như vậy với những căn biệt thự sang trọng, nhiều cửa, cầu thang gỗ, cốt sắt thép...

Những câu chuyện “trúng” đồ cổ khi mua xác nhà vẫn được dân mua xác nhà kháo nhau. Đồ dễ trúng nhất là gạch thẻ từ thời Pháp thuộc, thường trong những ngôi nhà xưa cũ hoặc biệt thự lâu năm.

Mỗi viên gạch này có giá gấp 4-5 lần so với gạch thường, có viên nặng đến 7kg, người mua xác nhà sẽ bán lại cho một số “mối” chuyên thu mua. Những mối này sẽ bán lại cho người có nhu cầu sử dụng, thường là chủ các quán cà phê, quán ăn... để trang trí.

Một người bạn của anh Toàn làm nghề này cũng từng trúng những chiếc ghế cổ. Để nhận biết ghế nào là cổ, người mua xác nhà phải nhận biết “tuổi thọ” của ghế, ghế làm bằng gỗ xịn, hoa văn tinh xảo. Khi trúng ghế cổ, họ sẽ bán lại cho những người chuyên chơi đồ cổ ở Sài Gòn, kiếm được có khi tới 20-30 triệu đồng/chiếc.

Để làm được nghề này, người dọn xác nhà phải có nhiều kinh nghiệm, đôi khi là liều lĩnh. Với những người đã lập công ty như anh Cường, anh Toàn, họ sẽ đứng ra thỏa thuận giá cả, làm hợp đồng với người bán.

Sau đó, căn cứ diện tích căn nhà, họ sẽ thuê số lượng thợ để làm trong khoảng nửa tháng. Phía công ty tự trang bị xe cuốc, các loại máy móc, đồ bảo hộ... cho việc dọn xác nhà.

Họ cũng thường có các mối để bán lại vật liệu thu được như sắt thép, gỗ thì bán cho các công ty chuyên thu mua, đồ đồng nát bán cho vựa ve chai, riêng xà bần thời gian gần đây không bán được nữa mà phải gom lên xe cuốc để đổ tại các bãi tập trung theo quy định.

Trong nghề này cũng có những người trở thành “đại gia” khi nhận mua những xác công trình, nhà xưởng quy mô lớn, kiếm được tiền tỉ.

Phần nhiều người làm nghề này xuất phát là dân lao động. Sau một thời gian làm thợ rồi dành dụm, họ đứng ra mở công ty, như trường hợp của anh Cường và anh Mười. Từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn cách đây ngót nghét 20 năm, anh Cường mất 7-8 năm làm thợ.

“Những ngày mới làm rất cực, cả ngày dùng búa nặng cả chục ký đập bỏ tường, rồi giữ máy khoan gạch, bưng bê... tối về nhức không chịu nổi. Rồi phải chịu tiếng ồn, bụi bặm nên mệt mỏi lắm nhưng làm riết cũng quen” - anh nhớ lại. Sau đó, anh mua lại chiếc xe cuốc trị giá hơn 100 triệu đồng, rồi thuê thợ làm, hiện nay anh đã có 3 xe cuốc tổng cộng hơn 1 tỉ đồng.

Thỉnh thoảng gặp “lộc nghề”

Anh Cường nói hồi cuối năm ngoái, một người bạn khi dọn xác căn nhà nơi trung tâm thành phố đã trúng nguyên thùng rượu lâu đời. “Trúng thì trúng nhưng người làm nghề như chúng tôi quan niệm đó là lộc nghề, không được giữ riêng cho mình mà chia ra cho anh em thợ cùng hưởng, hoặc đi ăn uống với nhau” - anh Cường chia sẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận