​Người nghèo nhất

TRẦN HUIỀN ÂN 10/10/2014 01:10 GMT+7

TTCT - Mỗi khi đến thăm chơi một người bạn về, tôi đều cảm thấy: Vậy là nhà mình nghèo nhất.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Thấp, nhỏ, chật hẹp, khách đến không có chỗ nghỉ ngơi, lại không có một món tài sản nào đáng giá. 

Lúc trai trẻ tôi không để ý điều đó. Lương bổng tạm đủ sống một cách gọi là thanh bạch, không vay mượn, chẳng nợ nần, tinh thần thoải mái, sách báo với chuyện văn chương thơ phú - ngày tháng ngao du... như thế vui rồi.

Bạn đến, cũng trong “thành phần tiểu tư sản, đầu không tới trời, chân không tới đất”, nói như ông Tế Hanh “con ốc nằm nghe sóng vỗ xa khơi”, trải chiếu trên nền, bỏ giường bố ra sân, thức khuya mà dậy sớm. Làm sao quên được Doãn Dân mới buổi tinh mơ đã nghêu ngao những bài hát nói về rêu phong tháp cổ.

Sau tháng 4-1975, khắp cùng trời cuối đất ăn bo bo sắn lát, mua lương thực về có mấy con mọt màu đen rúc trong bao bột mì hẩm mốc. Có ai giàu đâu, tôi càng không biết mình nghèo. Hơn nữa, bách kế mưu sinh, thì giờ đâu ngồi đó mà hơn thua.

Cho đến khi đổi mới. Bạn bè xa gần lên lầu cả, hai mê ba mê, cầu thang mát lạnh bàn tay vịn, bộ xa lông gỗ quý chạm trổ tỉ mỉ. Bây giờ mới ngộ ra là mình nghèo. Nhớ lời Năng: “Ai nói công danh mà chẳng ước. Thành ra vô nghĩa chuyện vàng thau”.

Công danh ngoài tầm tay rồi, ta sinh trưởng trong “cung nô bộc”, suốt đời làm đầy tớ thiên hạ. Đã đành thà nát với cỏ cây, một phần cũng muốn được giàu, nhà cao cửa rộng thích lắm chứ! Nhưng chẳng biết cách làm thế nào để giàu cả, lại xin chấp nhận mạng trời!

Hôm vào Vĩnh Long thăm Việt Chung Tử. Cũng là một ông chẳng biết tính toán gì. Trước kia anh dạy trường kỹ thuật, ở trong cư xá của trường, sau nghỉ dạy bị đuổi ra ngoài. Nhà cũng trong hẻm. Bước vào càng chật hơn nhà tôi. Không phải nhà nhỏ hơn, mà do anh chất chồng sách báo nhiều quá.

Vợ anh là một nhà giáo, đã qua đời, anh sống với mấy cô con gái, cũng lo chạy đôn chạy đáo cả ngày. Việt Chung Tử yêu quý sách báo trên mức bình thường, giữ lại hết, không dám loại bỏ bớt, nên chỗ nào cũng sách báo, như một nhà kho chứ không phải thư viện.

Tối nằm giữa sách báo, tôi cứ nghĩ thư trung hữu nữ nhan như ngọc, rất tiếc là không mơ thấy một chuyện Liêu Trai!

Việt Chung Tử để râu dài như bức tranh vẽ Ông Thọ, giọng nói trầm trầm. Anh đưa vợ chồng tôi đi thăm thành Vĩnh Long, cây da Cửa Hữu, đền thờ Phan Thanh Giản, thưởng thức món cá ba sa đặc sản, tối ngồi bên bờ sông Cổ Chiên tách trà thơm đậm, tặng tôi mấy trang thơ xướng họa của nhóm Văn Xương Các mới in xong. Trước đây anh đã gửi cho tôi một số.

Thời buổi gạo châu củi quế mà làm thơ rồi thuê đánh máy vi tính, photocopy tặng nhau kể ra cũng bạo gan. Tôi quên đi cái nghèo của mình và nghĩ thầm: Chắc Việt Chung Tử không hề bận tâm chuyện giàu nghèo.

Rồi chúng tôi xuống Sóc Trăng ghé thăm Nguyễn Tử Quang. Ông Nguyễn đối với chúng tôi là lớp đàn anh, tuổi cao hơn, viết lách trước hơn. Đến nơi mới biết, ông cũng loại nhà... nghèo. Lúc ấy hơi khuya, mấy đứa trẻ đã giăng mùng nơi phản, vội mở dẹp để nhường chỗ cho khách ngồi. Ông hẹn chúng tôi mai uống cà phê.

Sáng ngày, còn sớm hơn 5 phút, nhân viên khách sạn đã báo cho chúng tôi có người đến, đợi. 

Buổi tối, ở nhà, Nguyễn Tử Quang có phần gầy yếu trong bộ bà ba hơi cũ, giờ đây trông ông khác hẳn. Âu phục chỉnh tế, ông giở nhẹ mũ nỉ chào chúng tôi, rất Tây và rất Nam kỳ. Mắt sáng niềm vui, nụ cười thân thiện.

Gia đình chúng tôi bốn người, thêm bác sĩ Lê Đại Trí, đi cùng Nguyễn Tử Quang là một bạn trẻ, nhà báo. Câu chuyện rôm rả đủ thứ đề tài trên trời dưới đất, đôi khi Nguyễn Tử Quang nhếch mép như giấu đi vẻ giễu cợt khinh đời chợt thoáng. Ông nói về Việt Chung Tử: “Văn Xương Các, không khéo thành văng xương cốt”.

Lúc chúng tôi nhắc nhà hàng tính tiền thì họ đem ra hóa đơn và số tiền dư thối lại. Nguyễn Tử Quang đã đưa tiền trước khi nào rồi. Ông làm vậy tránh được việc nhiều khi ba bốn người giành nhau trả tiền, nhà hàng không biết nhận của ai.

Nay Nguyễn Tử Quang đã qua đời. Trong số những người làm văn học nghệ thuật ở miền Nam còn lại hai người nghèo, tôi và Việt Chung Tử. Hình như anh hơn tôi một tuổi. Chưa biết trời kêu ai trước và ai dạ trước. Kẻ còn lại thọ hơn lại được hưởng cái danh hiệu “người làm văn học nghệ thuật” nghèo nhất.

Cứ coi đó là vinh dự vậy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận