Starlink và thăm thẳm con đường thành “chòm sao” dẫn lối

TUẤN SƠN 24/04/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Phần khó nhất của Starlink, dự án phủ sóng Internet đến từng ngóc ngách của hành tinh của Công ty SpaceX, có lẽ không phải là chuyện phóng hàng chục ngàn vệ tinh để tạo thành một “chòm sao” trên quỹ đạo Trái đất, mà là vượt qua các rào cản pháp lý hay phản ứng trái chiều ngay dưới đất.

 
 Minh họa: Getty Images

Tham vọng của Elon Musk, ông chủ SpaceX, là đạt số lượng 42.000 vệ tinh hoạt động cho dự án Starlink đến giữa năm 2027, tạo thành một mạng lưới đủ sức phủ sóng Internet đến mọi nơi. Mục tiêu là đem Internet tốc độ cao đến người dân toàn thế giới, đặc biệt tại các vùng nông thôn nơi điều kiện cơ sở vật chất trên mặt đất chưa thể đáp ứng nhu cầu kết nối của người dân.

Mục tiêu này có vẻ không nằm ngoài tầm với của tỉ phú công nghệ nổi tiếng với các dự án không tưởng như dọn lên sao Hỏa sống hay cấy chip vào não người. Trong chưa đầy 2 năm, tính từ tháng 5-2019 khi dự án được khởi động, SpaceX đã phóng thành công hơn 1.300 vệ tinh Starlink. Con số này chiếm gần 40% trong số 3.372 vệ tinh đang hoạt động trong quỹ đạo Trái đất tính đến cuối năm 2020, theo dữ liệu của tổ chức UCS.

Starlink đã có thành công bước đầu khi dự án bắt đầu chạy beta (thử nghiệm) có thu phí từ tháng 10-2020 tại một số nước như Mỹ, Canada và Anh, đạt hơn 10.000 người dùng toàn cầu tính đến tháng 3-2021, theo Insider.

Tuy nhiên, giai đoạn beta của Starlink đang vướng trở ngại khi tìm cách mở rộng đến các thị trường kém phát triển hơn, nơi tỉ lệ kết nối Internet của người dân còn thấp. Còn tại các nước đã cho phép thí điểm, dự án cũng đang đối diện phản ứng trái chiều lo ngại về an toàn không gian và rác vũ trụ khi số lượng vệ tinh tăng nhanh.

 
 Vệ tinh Starlink. Ảnh: SpaceX

Internet về làng nhưng đắt lắm

SpaceX dự kiến triển khai dịch vụ ở châu Phi từ cuối năm 2021, bắt đầu từ Nigeria, và đạt độ phủ 100% các nước châu Phi trong năm 2022. Người dùng phải đặt cọc 99 USD (có thể hoàn trả) - tương đương 1 tháng tiền phí sử dụng dịch vụ - để giữ chỗ trên website của Starlink và có thể phải chờ 6 tháng mới tới lượt theo nguyên tắc ai đăng ký trước được ưu tiên hòa mạng trước, theo trang Space in Africa.

Ngoài mức phí hằng tháng, người dùng muốn kết nối đến vệ tinh Starlink phải tốn tiền một lần để trang bị bộ thiết bị đi kèm giá 499 USD bao gồm chảo thu, giá đỡ và router Wi-Fi. “Người dùng có thể kỳ vọng tốc độ truyền dữ liệu 50 - 150 Mbps và độ trễ 20 - 40 mili giây... Cũng sẽ có những khoảng thời gian ngắn kết nối bị mất hoàn toàn” - Starlink thông báo trên website chính thức.

Tốc độ đường truyền băng thông rộng cố định ở Nigeria là 14.54 Mbps, theo dữ liệu tháng 2-2021 của trang speedtest.com. Elon Musk cho biết đến cuối năm nay tốc độ kết nối của Starlink có thể tăng gấp đôi lên khoảng 300 Mbps, trong khi độ trễ (khoảng thời gian để dữ liệu truyền từ vệ tinh đến thiết bị cuối của người dùng) giảm còn 20 mili giây.

Internet vệ tinh phát huy ưu thế tốt nhất ở các khu vực có mật độ dân số từ thấp đến trung bình, đặc biệt tại vùng sâu vùng xa, nơi đường truyền cáp không ổn định hoặc chưa hiện diện. Tuy nhiên, với mức phí khá cao - 99 USD (khoảng 2,2 triệu đồng), cao hơn mức lương tối thiểu ở Nigeria, một quốc gia có kinh tế thuộc nhóm trên ở châu Phi - hầu hết người dân các nước đang phát triển sẽ không sẵn sàng trả số tiền lớn như vậy chỉ để lướt mạng. Điều này cũng khiến Starlink bị chỉ trích là nói một đằng làm một nẻo khi hô hào “đem Internet về làng” rồi lại đặt ra mức giá mà người dân nghèo khó lòng kham nổi.

Mark Summer, CEO của EveryLayer, một nhà cung cấp Internet giá rẻ tại châu Phi, ví von cách làm của Starlink giống như “cố gắng bù đắp cho sự thiếu hụt đường sá bằng cách chế tạo ra những chiếc xe hơi có thể chạy mà không cần đường”, theo tạp chí Wired.

Đầu tháng 4, tại Việt Nam cũng xôn xao việc đăng ký gói beta của Starlink, với mức phí và quy định đặt cọc giống ở Nigeria. Đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) sau đó đã trả lời báo chí, cho biết Starlink chưa có động thái liên quan đến việc xin cấp phép để chính thức cung cấp dịch vụ Internet - một ngành nghề kinh doanh có điều kiện - tại Việt Nam. 

“Có còn hơn không” hay “không có còn hơn”

SpaceX đặt tên giai đoạn beta của Starlink là “Better Than Nothing” (có còn hơn không) theo gu hài hước quen thuộc của Elon Musk. Nhưng với một số nước, vấn đề pháp lý và an ninh xung quanh việc triển khai Internet vệ tinh của một nhà cung cấp nước ngoài không phải chuyện đùa, và câu trả lời của nhà chức trách địa phương dành cho Starlink vẫn đang là “thà không có thì hơn” nếu không đảm bảo về mặt pháp lý.

Starlink bắt đầu mở cổng đăng ký cho người dân Ấn Độ từ cuối tháng 2-2021. Tuy nhiên, SpaceX đã bị các cơ quan quản lý nước này tuýt còi vì cho rằng công ty không tuân thủ các hướng dẫn kinh doanh theo quy định, India Today đưa tin hồi đầu tháng 4. Điều này đồng nghĩa Starlink có thể phải dừng chương trình đặt chỗ trước ít nhất cho đến khi được các cơ quan chức năng bật đèn xanh, dù dự kiến chính thức ra mắt tại Ấn Độ vào năm 2022. Diễn đàn băng thông rộng Ấn Độ (BIF) cũng được cho là đã yêu cầu cơ quan quản lý viễn thông và Tổ chức nghiên cứu không gian của nước này ngăn chặn SpaceX chào bán phiên bản beta của Starlink với lập luận rằng công ty hiện không có trạm mặt đất cũng như chưa được cấp phép theo quy định.

Cơ quan truyền thông độc lập Nam Phi (ICASA) cũng đang thảo luận với SpaceX để yêu cầu công ty này phải làm thủ tục để được cấp 2 loại giấy phép mới có thể cung cấp dịch vụ Starlink tại nước này.

Ở quê nhà Mỹ, 12.000/42.000 vệ tinh dự kiến của chương trình Starlink đã được Ủy ban truyền thông liên bang (FCC) cấp phép để đưa lên quỹ đạo. Tuy nhiên, một liên minh các nhóm chính sách hồi tháng 3 đã kêu gọi FCC tạm dừng phê duyệt thêm việc triển khai vệ tinh dùng để truyền tải dữ liệu băng thông rộng trong vòng 180 ngày để tiến hành đánh giá kỹ lưỡng hơn về các rủi ro. “180 ngày trôi qua trong chớp mắt, nhưng nó cho phép mọi người suy nghĩ thấu đáo những rủi ro và đưa ra một chính sách hợp lý cũng như một bộ quy tắc và thủ tục” - ông Julian Gresser, một cựu cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với GeekWire.

Phóng vệ tinh với Elon Musk thật sự không khó; mỗi tên lửa Falcon 9 của SpaceX có thể mang theo khoảng 60 vệ tinh lên vũ trụ. Nhưng xem chừng con đường thành “chòm sao” dẫn lối hãy còn thăm thẳm lắm.■

Ô nhiễm vũ trụ

Dù khuất mắt khôn coi, mỗi vệ tinh đi vào quỹ đạo đều mang theo phí tổn lên tài nguyên không gian có hạn của Trái đất. SpaceX mới phóng thành công hơn 3% mục tiêu số vệ tinh đề ra, nhưng các nhà thiên văn học đã cảm nhận được ảnh hưởng của chúng khi quan sát vũ trụ.

Trong một phỏng vấn với trang ScienceNews hồi tháng 3-2020, nhà vật lý thiên văn Patrick Seitzer (Đại học Michigan) cho biết vệ tinh của Starlink “sáng hơn 99% tất cả các vật thể hiện đang hiện diện trong quỹ đạo Trái đất”. Chính vì thế mà vệ tinh Starlink để lại những vệt trắng dài trên các bức ảnh thiên văn. Các nhà thiên văn học ở Chile là những người đầu tiên nhận thấy hiện tượng này ngay từ cuối năm 2019 sau những đợt phóng vệ tinh Starlink đầu tiên, theo ScienceNews.

 
 Các vệt sáng của vệ tinh Starlink rõ mồn một trong một bức ảnh thiên văn. Ảnh: NOIRLab

Seitzer cho rằng kế hoạch phóng đến 42.000 vệ tinh vào không gian của SpaceX có thể cản trở nghiêm trọng nỗ lực chống ô nhiễm ánh sáng của giới thiên văn. Thử tưởng tượng chúng ta còn có thể quan sát được gì từ mặt đất với hàng trăm ngàn vệ tinh lơ lửng trên đầu. Đây không phải nói phóng đại mà là thực tế hoàn toàn có thể xảy ra chỉ trong 10 năm tới khi các đối thủ cạnh tranh với Starlink như dự án Kuiper của Amazon hay Satellite Constellation của OneWeb chạy đua giành thị trường màu mỡ.

Số lượng vệ tinh quá lớn cũng đặt ra mối đe dọa tiềm tàng về khả năng va chạm giữa các vệ tinh, tạo ra khối lượng lớn rác không gian và các mảnh vỡ không thể điều khiển xung quanh Trái đất, uy hiếp an toàn các vệ tinh đang hoạt động.

Những mảnh vỡ không gian còn là mối đe dọa đối với các vụ phóng tàu con thoi và vệ tinh mới, gây cản trở hoặc thậm chí tê liệt hoàn toàn các chiến dịch khám phá không gian trong tương lai, theo PSU Vanguard.

Tình huống xấu nhất là một công ty phóng số lượng lớn vệ tinh lên không gian rồi phá sản, để lại các vệ tinh không được kiểm soát trên quỹ đạo Trái đất. “Ta sẽ có hàng nghìn vệ tinh còn mới và không có một kế hoạch nào để đưa chúng ra khỏi đó” - ông Stijn Lemmens thuộc Cơ quan vũ trụ châu Âu nói với Scientific American.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận