Trọng tài nữ: Ân uy gồm đủ

HUY ĐĂNG 10/12/2022 09:23 GMT+7

TTCT - Nước chủ nhà Qatar gây nhiều tranh cãi khi cố gắng gò ép du khách vào văn hóa truyền thống của mình, nhưng World Cup 2022 vẫn là một giải đấu mà thông điệp bình đẳng giới được gửi đi mạnh mẽ nhất.

Nữ trọng tài người Pháp Stephanie Frappart đi vào lịch sử World Cup khi trở thành "nữ hoàng áo đen" đầu tiên điều khiển chính một trận đấu World Cup. Cùng với cô còn có năm nữ trọng tài nữa được phân công làm nhiệm vụ ở ngày hội bóng đá thế giới diễn ra tại Qatar.

Trọng tài nữ: Ân uy gồm đủ - Ảnh 1.

Tiền đạo tuyển Đức Niclas Fullkrug dễ thương hẳn khi đối diện nữ trọng tài Frappart. Ảnh: Reuters

Vượt qua những định kiến

Họ là Salima Mukansang (Rwanda), Yoshimi Yamashita (Nhật Bản) - hai trọng tài được phân nhiệm vụ bắt chính như Frappart, cùng Neuza Back (Brazil), Karen Diaz (Mexico) và Kathryn Nesbitt (Mỹ) là các trợ lý trọng tài. 

Trong đó, Back và Diaz hỗ trợ Frappart để trở thành tổ trọng tài toàn nữ đầu tiên ở World Cup nam giới - một cột mốc lịch sử. Các "nữ hoàng áo đen" này làm việc rải rác khắp World Cup 2022, mỗi người đều tham gia từ 2-4 trận đấu.

"Tôi biết đây là sự kiện mới mẻ và thu hút chú ý vì họ là phụ nữ. Nhưng với tôi, họ là những trọng tài. Đây là thông điệp tôi muốn gửi cho họ trước trận đấu: các cô ở đây không phải vì các cô là phụ nữ, mà vì các cô là những trọng tài đủ tiêu chuẩn của FIFA". 

"Tất nhiên luôn có những hạn chế cho việc bổ nhiệm trọng tài, chủ yếu liên quan đến tính trung lập. Nhưng tất cả các trọng tài chính thức của FIFA đều sẵn sàng điều hành bất kỳ trận đấu nào", cựu trọng tài lừng danh người Ý, nay là trưởng ban trọng tài World Cup 2022, Pierluigi Collina phát biểu.

Đây không phải lần đầu tiên các nữ trọng tài điều hành những trận đấu của nam giới. Frappart từng điều hành các trận đấu của Giải hạng nhất Pháp (Ligue 2). Back từng bắt chính các trận ở Copa Sudamericana (giải đấu Nam Mỹ tương ứng với Europa League của châu Âu). 

Diaz thì đi vào lịch sử bóng đá Mexico khi điều hành trận chung kết lượt về Liga MX - tức giải vô địch quốc gia Mexico.

Nhưng World Cup vẫn là câu chuyện hoàn toàn khác. Sự hiện diện của các nữ trọng tài ở đây loan đi những thông điệp mạnh mẽ về bình đẳng giới, đồng thời cũng gây ra nhiều tranh luận. 

Cựu danh thủ Pháp Jerome Rothen lập hẳn một chương trình radio để chỉ trích việc FIFA sử dụng trọng tài nữ ở World Cup. 

Theo lý luận của Rothen, cùng không ít fan bóng đá khác, động thái của FIFA chỉ đơn giản là "làm màu", và những nữ trọng tài như Frappart, Back hay Diaz không thể theo kịp một trận bóng đá nam.

Trận đấu lịch sử do tổ trọng tài của Frappart điều hành - giữa Đức và Costa Rica - cũng xuất hiện ít nhiều lợn cợn. Một số pha căng cờ của Diaz bị người hâm mộ chỉ trích là không chuẩn xác, trong khi Frappart phải nhiều lần nhờ đến sự hỗ trợ của VAR để đưa ra quyết định chính xác.

Nhưng không phải mọi chuyện đều tiêu cực. Sự hiện diện của các trọng tài nữ ít nhiều khơi dậy tính cao thượng (vốn ngày càng ít) trong các cầu thủ bóng đá đỉnh cao. 

Với những tình huống gây tranh cãi, cầu thủ cũng bớt "vây hãm" trọng tài để tạo áp lực. Thêm vào đó, công nghệ hỗ trợ trọng tài ngày càng tối tân đủ để giúp hạn chế các sai sót lớn trong những tình huống quan trọng.

Trọng tài nữ: Ân uy gồm đủ - Ảnh 2.

Trọng tài Nhật Bản Yoshimi Yamashita. Ảnh: Japan Forward

Một làng bóng đá bình đẳng

Thế nào là bình đẳng giới? Nhiều năm trời làng bóng đá đấu tranh cho vấn đề tiền lương của nữ cầu thủ. 

Nhưng cuộc chiến này không thu được nhiều kết quả khi vấn đề tiền lương phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố thương mại và thị trường, và những khác biệt mang tính cấu trúc hay hệ thống của thị trường thì không dễ thay đổi ngày một ngày hai.

Erin Blankenship, người đồng sáng lập Equal Playing Field - một tổ chức hỗ trợ phụ nữ trong thể thao - tin rằng chính sự hiện diện của nữ giới trong sân chơi dành cho nam mới là thước đo của tính bình đẳng. 

"Tôi không trông đợi rằng World Cup có thể bình đẳng 50-50. Nhưng điểm mấu chốt, giới tính đã không còn là vấn đề nữa. Nếu bạn đủ giỏi, bạn có quyền tham gia vào mọi cuộc chơi", Blankenship nói.

Thật vậy, trong bóng đá đỉnh cao, phụ nữ không chỉ xuất hiện trong vai trò trọng tài, và sự hiện diện của họ đang ngày càng trở nên phổ biến và quen thuộc. 

Hai năm trước, Renate Blindheim trở thành HLV nữ đầu tiên dẫn dắt một đội bóng nam chuyên nghiệp ở Na Uy, khi cô được CLB Sotra ở Giải hạng nhất bổ nhiệm. Đáng nói hơn, khi đó Blindheim mới 26 tuổi, còn đội bóng đang chơi cực tệ và ngấp nghé rớt hạng. 

Nhưng rồi cô gái từng chơi cho đội U16 Na Uy đã thành công. Không có một sự nghiệp thi đấu đỉnh cao đáng kể nhưng Blindheim mát tay trong công tác huấn luyện và sau hai năm, cô vẫn giữ được chiếc ghế của mình.

Chuyện các HLV nữ tham gia vào làng bóng đá nam đỉnh cao từ lâu đã được khuyến khích ở nhiều nước. Trong khoảng 10 năm qua đã có hàng chục HLV nữ thử sức ở các vai trò khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phải thể hiện cá tính mạnh mẽ để đấu tranh cho công việc. 

Helena Costa (Bồ Đào Nha), được ví là "Mourinho của bóng đá nữ", đã từ chức HLV trưởng CLB Clermont Foot chỉ một thời gian ngắn sau khi được bổ nhiệm vì cho rằng ban lãnh đạo đội bóng thiếu tôn trọng cô.

Bình đẳng giới chỉ thực sự rõ ràng khi người hâm mộ, giới lãnh đạo bóng đá và truyền thông nhìn nhận phụ nữ thông qua năng lực của họ, chứ không phải vì những yếu tố trời sinh của phái đẹp. 

Vài ngày trước, cánh báo chí Việt Nam một phen rộn ràng với sự kiện CLB Đức Dortmund sang du đấu và hình ảnh được quan tâm nhiều nhất là nữ lãnh đạo trẻ tuổi Julia Farr.

Nữ chiến lược gia 31 tuổi này là HLV của Học viện Dortmund, đồng thời giữ chức trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và phát triển kinh doanh quốc tế của CLB. Cô thu hút người hâm mộ và cánh truyền thông bởi vẻ ngoài quyến rũ và nụ cười tỏa nắng. 

Trọng tài nữ: Ân uy gồm đủ - Ảnh 3.

Julia Farr. Ảnh: bvb.de

Hầu như mọi bài báo về Farr đều xoay quanh vẻ ngoài của cô. Trong khi đó, thông tin Farr tài giỏi như thế nào, vì sao một nữ cầu thủ nghiệp dư như cô lại được bổ nhiệm vào chức vụ cao như vậy, hầu như không được chú ý.

Thật ra bốn năm trước, Farr từng đến Việt Nam trong một chương trình giao lưu khác của Dortmund. Khi đó cô mới là HLV học viện kiêm trợ lý ngôn ngữ. 

Học hành mới là thế mạnh của cô gái cao 1,80m này, khi cô tốt nghiệp đại học cả ba ngành quản lý thể thao, truyền thông và tiếng Đức. Niềm đam mê trái bóng tròn cùng nền tảng kiến thức đa dạng giúp Farr nhanh chóng chứng tỏ vai trò hữu ích với các hoạt động mở rộng thị trường của Dortmund.

Marina Granovskaia - từng giữ chức giám đốc kỹ thuật của CLB hàng đầu Premier League Chelsea trong nhiều năm trời - cũng là ví dụ tiêu biểu cho thấy bản lĩnh phái đẹp trong làng bóng đá đỉnh cao. 

"Bà đầm thép" người Canada gốc Nga đưa Chelsea thoát mác một đội bóng giàu xổi, sống nhờ tỉ̉ phú, để vươn mình trở thành CLB có chiều sâu thực thụ. Khi Granovskaia rời đi, đội bóng thành London lập tức rơi vào hỗn loạn. ■

Trước khi lấn sang sân chơi của nam giới, phụ nữ cần phải làm chủ sân chơi của chính họ.

Nhiều VĐV nữ ở các nước châu Á thường than phiền về việc có quá ít HLV nữ - những người thực sự hiểu được khó khăn mà các cô gái nhỏ phải trải qua trên con đường thể thao.

Các HLV nam thường chỉ quan tâm đến thành tích, điều dẫn đến những hệ lụy lâu dài cho VĐV nữ trong cuộc sống sau này. Trong khi đó, các nước phương Tây từ lâu đã nỗ lực giúp phụ nữ chiếm lại sân chơi vốn thuộc về họ.

Năm 2019, Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) vui mừng thông báo tỉ lệ HLV nữ trong các giải đấu nữ của họ đã vượt 50%. Trong khi ở nhiều nền bóng đá mạnh như Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, tỉ lệ này vẫn chưa vượt qua mức 30%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận