Viễn cảnh kinh tế: Thiếu lạc quan hay đủ thực tế?

NHIÊN ANH 07/11/2022 07:55 GMT+7

TTCT - Cho đến tận cuối tháng 9, truyền thông chính thống vẫn liên tục đưa ra những thông tin lạc quan về bức tranh toàn cảnh nền kinh tế đất nước: tốc độ tăng trưởng ấn tượng, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, tỉ giá ổn định...

Cho đến tận cuối tháng 9, truyền thông chính thống vẫn liên tục đưa ra những thông tin lạc quan về bức tranh toàn cảnh nền kinh tế đất nước: tốc độ tăng trưởng ấn tượng, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, tỉ giá ổn định... kèm những nhận xét có cánh của các kinh tế gia, các tổ chức tài chính quốc tế về niềm tin vào sự ổn định vĩ mô, thậm chí là sự ngược dòng ngoạn mục so với xu thế chung của kinh tế thế giới.

Viễn cảnh kinh tế: Thiếu lạc quan hay đủ thực tế? - Ảnh 1.

Ảnh: imf.org

Đột nhiên, cũng từ truyền thông, các chỉ số vĩ mô và niềm tin thị trường quay đầu trong tháng 10. Từ việc điều hành giá xăng dầu kém hiệu quả của Bộ Công Thương đến "quả bom" trái phiếu doanh nghiệp mà giờ hẹn nổ đang lơ lửng ở tương lai rất gần, rồi đỉnh điểm là chỉ số VN-Index rời mốc 1.000 điểm... phản ánh niềm tin của giới đầu tư vào sự ổn định của nền kinh tế xuống dốc không phanh.

Khách quan và chủ quan

Các dấu hiệu của một cuộc suy thoái kinh tế hiện ra khá rõ, bất chấp những chỉ dấu lạc quan cách đây chưa lâu. 

Đến tháng 10, tất cả những gì đã xảy ra với nền kinh tế thế giới lan đến Việt Nam, như một sự tất yếu khi các yếu tố tiêu cực tác động lên kinh tế vĩ mô vốn có quy mô toàn cầu. Chúng ta không thể tự giải quyết các vấn đề giá dầu, sự suy giảm tổng cầu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu chính, hay can thiệp vào chiến tranh Nga - Ukraine.

Nhưng sẽ là không sòng phẳng nếu chỉ nói tới các nguyên nhân khách quan.

Nỗi lo suy thoái lan đến Việt Nam chậm bởi chúng ta đứng ở cuối chuỗi cung ứng trong nhiều ngành công nghiệp chế tạo và còn một số trụ đỡ như xuất khẩu nông thủy sản. Một trụ đỡ khác đáng lẽ đóng vai trò quan trọng hàng đầu để tạo ra nhu cầu nội địa đáng kể đến giờ đã không hoàn thành được vai trò đó: đầu tư công - rõ nét nhất là tiến độ giải ngân và thi công cơ sở hạ tầng.

Việc Bộ Giao thông vận tải đưa ra cả những biện pháp mang tính hành chính như chiến dịch 120 ngày tăng tốc thi công, phạt nhà thầu không chịu đẩy nhanh tiến độ vì đơn giá thi công chưa được điều chỉnh tăng phù hợp… có thể hiểu là sự chênh nhau giữa quyết tâm của Chính phủ và những đòi hỏi của thị trường.

Một sự không ăn khớp tương tự cũng thấy qua việc điều hành giá xăng dầu. Một số bộ chủ chốt trong việc duy trì sự ổn định và tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế đã không làm tốt chức phận của mình hoặc đã thiếu năng lực dự báo để có kế hoạch đối ứng thích hợp (mà quản trị nhà nước chính là dự báo).

Câu chuyện trong lĩnh vực thị trường tài chính lại là một vấn nạn có tính dài hạn hơn, khi nguy cơ hiện hữu về khả năng chi trả trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu là hậu quả của một quá trình kiểm soát không đủ mạnh trước đó.

Nhìn bi quan một cách thực tế, đây là thời điểm mà chất lượng điều hành nền kinh tế của bộ máy Chính phủ được bộc lộ rõ nhất. Những khó khăn khách quan khiến việc điều hành đúng đắn quan trọng hơn gấp bội.

Nhìn thẳng vào thực tế

Một thực tế nữa là sự sụt giảm xuất khẩu mà biểu hiện rất rõ ở việc nhiều doanh nghiệp FDI phải giãn việc, thậm chí cho công nhân nghỉ việc - điều khó tưởng tượng chỉ cách đây nửa năm, nhưng giờ đã không còn là hiện tượng lạ trong các ngành may mặc, da giày và các sản phẩm tiêu dùng xuất đi thị trường Âu - Mỹ.

Những thị trường này khó có thể hồi phục sớm hơn cuối năm 2023, thậm chí có thể là lâu hơn nữa. Chiến tranh ở châu Âu đang ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo của công nhân, những người vừa thoát khỏi cơn ác mộng đại dịch không lâu.

Bản thân người viết, với đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với các doanh nghiệp sản xuất FDI ở khu vực Đông Nam Bộ, cảm nhận rõ ràng được thực tế này. Như một doanh nghiệp sản xuất máy cạo râu cho thị trường Mỹ mà tôi biết, sản lượng trong năm 2022 sụt giảm xấp xỉ 50%, dù cuối năm luôn là những tháng cao điểm xuất hàng.

Khó khăn này là khách quan vì phụ thuộc nhu cầu thế giới và tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu do chính sách zero COVID của Trung Quốc, nhưng dự báo khả năng phục hồi cần phải chính xác hơn, và tốt hơn là theo hướng bi quan, để chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất. 2023 chắc chắn sẽ vẫn là một năm khó khăn cho những người làm công ăn lương trong khối FDI - khu vực đang đóng góp 20% GDP của Việt Nam (2019).

Với những nhà chuyên môn, triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới và Việt Nam được nhìn nhận đúng thực tế hơn, như cách người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trả lời trong các phiên chất vấn ở Quốc hội mới đây. Việc thẳng thắn về thực trạng nền kinh tế, các khó khăn trước mắt và để cho dân chúng biết là điều tốt hơn là các thông tin mang tính cổ động.

Một chu kỳ đi xuống của nền kinh tế thế giới có thể mở ra và không quốc gia nào đứng ngoài vòng xoáy này, mà chỉ có thể cố gắng giảm thiểu tác động nhờ vào các nguồn lực dự trữ và sách lược ứng phó khôn ngoan. 

Việc các cơ quan tài chính tiền tệ quốc gia đang nỗ lực giải quyết câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp có thể coi là liều thuốc thử để vực dậy và duy trì niềm tin của doanh nghiệp và những người đang nắm giữ đồng tiền thật. Bởi mỗi đồng tiền có thật có thể huy động được bây giờ vào mục đích duy trì sự tồn tại cho doanh nghiệp trong thời điểm ngặt nghèo này là rất quý giá.

Để dòng tiền đó có thể được bảo toàn và sinh ra giá trị, không bay biến vì sự sụt giảm của chỉ số VN-Index hay tốc độ lạm phát vượt mức kiểm soát thì niềm tin thị trường cần phải được duy trì. Để duy trì được nó, hơn lúc nào hết, sự lựa chọn mục tiêu ưu tiên và những chính sách, công cụ hợp lý và khả thi cần được cân nhắc, lựa chọn và thực thi rốt ráo.

Một sự công bằng tuyệt đối và không mất mát cho bất cứ ai sẽ là điều không thể. Trong khi những giải pháp đấy được thực thi, càng có sự thông hiểu chung về tình trạng thực tế của nền kinh tế thì càng đem lại cho xã hội một tâm thế bình tĩnh và từ đó niềm tin thị trường có cơ sở được vực dậy và duy trì.

Tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, hiệu năng của một chính phủ kiến tạo do đó cần được thể hiện trong lúc này. Nếu có một cách nhìn lạc quan hơn thì đây cũng là cơ hội để xây dựng lại môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững, một môi trường mà ở đó cả doanh nghiệp lẫn Nhà nước đều có khả năng kiểm soát và tự kiểm soát tốt hơn. Cho dù cái giá phải trả chắc chắn là đắt.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận