09/05/2024 15:01 GMT+7

Bộ Giao thông vận tải có ý kiến về thiết kế vành đai 4 TP.HCM dài 207km

ĐỨC PHÚ
và 1 tác giả khác

Vành đai 4 TP.HCM dài 207km giai đoạn 1 sẽ được đầu tư với bề rộng nền đường từ 25,5m đến 27m, phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc.

Đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP Bến Cát (tỉnh Bình Dương) - Ảnh: BÁ SƠN

Đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP Bến Cát (tỉnh Bình Dương) - Ảnh: BÁ SƠN

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi các địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu về triển khai thực hiện dự án đường vành đai 4 TP.HCM.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đã thống nhất đề nghị UBND TP.HCM chủ trì, thống nhất với các địa phương lựa chọn một đơn vị tư vấn tổng thể để rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho các dự án.

Việc này nhằm đảm bảo đồng bộ và nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến vành đai 4 TP.HCM.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị TP.HCM chủ trì, khẩn trương phối hợp với UBND các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu lựa chọn tư vấn tổng thể thực hiện các nhiệm vụ đã nêu.

Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP.HCM và UBND các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án.

Về quy hoạch hướng tuyến, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với sở giao thông vận tải các địa phương cập nhật hướng tuyến của dự án đường vành đai 4 TP.HCM vào hồ sơ quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự kiến, hồ sơ sẽ được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý 3-2024.

Về quy mô giai đoạn hoàn chỉnh, mặt cắt ngang đường vành đai 4 TP.HCM rộng 74,5m (8 làn xe cao tốc và đường song hành hai bên), các vị trí cầu vượt sông rộng 69,5m.

Riêng một số đoạn đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, do khó khăn trong việc mở rộng nên sẽ giữ nguyên bề rộng 62m.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo đơn vị liên quan nghiên cứu các phương án cầu cạn đi trên cao và tổ chức giao thông phù hợp đáp ứng nhu cầu vận tải và quy hoạch.

Ở giai đoạn 1, vành đai 4 TP.HCM có tim tuyến đi trùng tim quy hoạch, quy mô bốn làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 25,5m đến 27m, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc.

Đối với đường song hành hai bên được đầu tư rộng 5-10,5m, tùy theo nhu cầu giao thông từng đoạn, từng địa phương.

Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài gần 207km. Về phương thức triển khai, các địa phương sẽ làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện các đoạn qua địa bàn.

UBND TP.HCM được giao là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện dự án. Bộ Giao thông vận tải là cơ quan điều phối chung.

Vành đai 4 TP.HCM giai đoạn 1 sẽ được các địa phương giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn để thuận lợi cho việc mở rộng trong tương lai. Tổng mức đầu tư dự án vành đai 4 TP.HCM giai đoạn 1 sơ bộ khoảng 127.230 tỉ đồng.

Dự án vành đai 4 TP.HCM sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2024

Tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 5-5, TP.HCM và các tỉnh trong vùng đề nghị trung ương hỗ trợ 50% phần vốn giải phóng mặt bằng cho Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai; 75% đối với Long An; TP.HCM sẽ tự cân đối vốn.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng kiến nghị một số cơ chế đặc thù tương tự như vành đai 3 TP.HCM và cơ chế sử dụng ngân sách của địa phương này cho địa phương khác để triển khai dự án vành đai 4 TP.HCM.

Các địa phương sẽ cố gắng hoàn thành hồ sơ dự án vành đai 4 TP.HCM và trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2024.

Vành đai 4 TP.HCM dài 207km qua 5 tỉnh thành: Sẽ có đơn vị tư vấn tổng thểVành đai 4 TP.HCM dài 207km qua 5 tỉnh thành: Sẽ có đơn vị tư vấn tổng thể

TP.HCM sẽ thuê đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho các dự án vành đai 4 TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên