21/02/2023 08:13 GMT+7

Giá điện bao nhiêu là phù hợp?

Việc không điều chỉnh giá bán lẻ điện theo biến động thị trường, có tăng có giảm và "nén" suốt gần bốn năm qua đang khiến giá điện có nguy cơ "bùng nổ".

Người dân kỳ vọng giá điện sẽ không tăng sốc. Trong ảnh: công nhân Điện lực Duyên Hải sửa chữa điện cho hộ dân ở huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Người dân kỳ vọng giá điện sẽ không tăng sốc. Trong ảnh: công nhân Điện lực Duyên Hải sửa chữa điện cho hộ dân ở huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã quy định: điều chỉnh giá điện khi thông số đầu vào biến động từ mức 3% trở lên so với mức bình quân hiện hành. 

Ngược lại trường hợp khi thông số đầu vào biến động làm cho giá bán điện bình quân giảm so với mức hiện hành thì giá điện cũng được điều chỉnh giảm.

Tại sao giá điện khó có tăng, có giảm?

Rà soát tình hình tài chính của EVN kể từ năm 2019 trở lại đây (là năm gần nhất điều chỉnh giá điện), EVN đã liên tục ghi nhận mức lãi kể từ năm 2019 đến năm 2021. Giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN được Bộ Công Thương công bố cũng đã "có tăng, có giảm" qua các năm.

Chi phí giá thành năm 2019 là 1.848,8 đồng/kWh, tăng 7% so với năm 2018; năm 2020 là 1.826,2 đồng/kWh, giảm nhẹ 1,2% so với năm 2019.

Trong khi đó, quyết định 24 của Thủ tướng nêu rõ trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện, vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm trước liền kề, ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm, EVN sẽ tính toán giá bán điện bình quân. 

Trường hợp giá giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá tương ứng. 

Nếu giá bán điện bình quân tăng 3-5% so với mức giá hiện hành, EVN được quyết định điều chỉnh giá; mức giá bán lẻ bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến.

Quyết định này cũng quy định thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Như vậy, với quy định này giá điện đã có thể được điều chỉnh thường xuyên hơn theo biến động của các thông số đầu vào, có tăng và giảm.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngành điện, mặc dù quyết định 24 quy định như vậy, nhưng chi phí này lại luôn được Bộ Công Thương công bố "chậm nhịp". 

Tháng 2-2022, Bộ Công Thương mới công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 và tương tự trước đó tháng 2-2021 bộ này cũng mới công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của năm 2019. 

Hiện giá thành sản xuất kinh doanh điện của năm 2021 vẫn chưa được công bố.

Tăng khoảng 15%?

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, EVN đã xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân cho năm 2023 và đề xuất mức tăng giá bán điện. 

Tuy nhiên, tại các cuộc họp gần đây nhất Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN tiếp tục rà soát và báo cáo về chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính của công ty mẹ và các công ty thành viên (đã kiểm toán) của năm 2022 để làm căn cứ xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân cho năm 2023.

Với yêu cầu này, nhiều ý kiến đánh giá việc điều chỉnh tăng giá điện theo đề xuất của EVN khó có thể thực hiện được trong một vài tháng tới, do việc thực hiện các báo cáo có kiểm toán, thẩm định của các bên liên quan sẽ mất ít nhất từ 2-3 tháng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam - cho rằng trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục biến động, đặc biệt trong năm 2022 các chi phí nguyên nhiên liệu như than, khí, dầu đã tăng mạnh khiến chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, nhưng giá bán lẻ điện bình quân vẫn giữ ổn định từ năm 2018 đến nay thì việc kinh doanh thua lỗ là không tránh khỏi. 

Với các chi phí tăng hiện nay, cũng như quy định của Luật giá về việc giá phải đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh của ngành điện, ông Thỏa tính toán giá điện phải tăng khoảng 15% so với giá bán lẻ hiện hành.

"Nếu giá điện điều chỉnh ở mức này thì có thể sẽ có những tác động khá mạnh. Tính ra với 15% thì sẽ đẩy lạm phát trực tiếp vòng 1 tăng khoảng 0,5%, chưa kể tác động đến vòng 2. Từ đó tác động lên các ngành, ví dụ như giá điện sẽ đẩy giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,9%; giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 2,25%; ngành dệt may tăng khoảng 1,95%... đấy là những ngành sử dụng nhiều điện" - ông Thỏa tính.

Ông cho rằng để giảm thiểu tác động của giá điện lên sản xuất, đời sống và lạm phát, có thể tiến tới chia lộ trình điều chỉnh giá thành 2 đợt. Nếu mỗi đợt điều chỉnh tăng khoảng 7-8% sẽ đẩy lạm phát vòng 1 của mỗi đợt lên khoảng 0,2%. 

Trong trường hợp cuối năm tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn kiểm soát tốt và kinh tế phục hồi thì có thể thực hiện điều chỉnh giá đợt 2.

Nguồn: EVN - Đồ họa: N.KH.

Nguồn: EVN - Đồ họa: N.KH.

Không chỉ tính đến phương án tăng giá

Trong khi đó, theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành điện, với mức lỗ theo tính toán lên tới trên 90.000 tỉ đồng cho cả 2 năm 2022-2023, cũng như các khoản chênh lệch tỉ giá còn lại từ năm 2019-2022 là trên 14.400 tỉ đồng thì phương án điều chỉnh giá điện có thể phải cao hơn 10%.

Đặc biệt trong bối cảnh giá than, giá khí là những nguyên liệu đầu vào chiếm 80% chi phí sản xuất kinh doanh điện đã theo cơ chế thị trường.

Chuyên gia này cho rằng để giảm gánh nặng tài chính cho EVN, không chỉ đơn giản giải quyết bài toán về điều chỉnh tăng giá điện ở thời điểm cấp bách hiện nay. 

Trước hết cần thực hiện đúng quy định của quyết định 24 của Thủ tướng, gắn với đẩy nhanh thực hiện thị trường bán điện cạnh tranh, thay vì chỉ 5 tổng công ty phân phối điện của EVN cấp điện, thì cần mở rộng cho phép các nhà máy sản xuất điện được bán điện trực tiếp cho khách hàng lớn, khách hàng có cấp điện áp từ 110 kV trở lên.

Ông Thỏa cũng cho rằng Nhà nước cần có những giải pháp tổng thể để kiểm soát, bình ổn mặt bằng giá, ngăn ngừa tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế, tránh việc lợi dụng tăng giá điện để đẩy giá, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

EVN đề nghị TKV giảm giá than cho điện

EVN vừa có đề nghị tới Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) về việc cấp loại than theo hợp đồng và giảm giá than pha trộn do giá than nhập khẩu thế giới giảm.

Theo thông báo của TKV đến các đơn vị phát điện là chỉ giao một số loại than, đồng thời đề nghị điều chỉnh hợp đồng mua bán than.

Do tổng khối lượng than các nhà máy TKV đề nghị điều chỉnh chiếm hơn 74% tổng khối lượng than của các nhà máy điện thành viên EVN, trong khi giá than loại này cao hơn giá than trước đó, làm chi phí mua điện của EVN tăng thêm.

Lo hết tiền, EVN muốn tăng giá điệnLo hết tiền, EVN muốn tăng giá điện

Việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đúng quy định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên