28/03/2024 17:10 GMT+7

Nên tăng lương hưu bao nhiêu khi cải cách tiền lương từ 1-7?

Với mức lương hưu 4,5 triệu đồng, cô Nguyễn Thị Lan, 66 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội, rất vất vả lo toan tiền rau thịt, mắm muối, điện nước tăng phi mã ở thủ đô.

Người dân kiểm tra lại lương hưu sau khi lĩnh từ cán bộ bưu điện tại một điểm chi trả ở Hà Nội - Ảnh: DANH KHANG

Người dân kiểm tra lại lương hưu sau khi lĩnh từ cán bộ bưu điện tại một điểm chi trả ở Hà Nội - Ảnh: DANH KHANG

Đầu tháng, chưa đến giờ lĩnh lương hưu, cô Lan đã có mặt tại một điểm phát lương hưu tại Hà Nội. Khi chờ cán bộ bưu điện tới, cô kể có lương là dành một khoản để phòng khi giỗ chạp, đám cưới... 

“Ở thủ đô, tiêu khoản gì cũng phải tính toán, có tháng vẫn phải đi vay mượn nhưng rất hạn chế, tôi mong Nhà nước tăng lương hưu để cải thiện cuộc sống”, cô Lan bộc bạch.

Vì sao Bảo hiểm xã hội đề xuất tăng 8% lương hưu?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất tăng 8% lương hưu từ ngày 1-7 dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%. 

Điều này sẽ giảm bớt chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước và sau cải cách tiền lương (dự kiến từ ngày 1-7 tới). Hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Cơ quan này dự báo từ ngày 1-7, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khu vực nhà nước tăng lên theo cải cách tiền lương, khoảng 55% so với năm 2023.

Về lâu dài, tổng quỹ hưu trí, tử tuất tăng 83.000 tỉ năm 2024 lên tới 162.000 tỉ năm 2050. Nếu theo cách tính hiện hành, tổng chi lương hưu tăng từ 94.000 tỉ (năm 2024) lên đến 221.000 tỉ (năm 2050), còn theo cách đề xuất là 219.000 tỉ (năm 2050).

Theo tính toán, nếu đề xuất tăng 8% được thông qua, trong 6 tháng cuối năm 2024, ngân sách Nhà nước chi cho lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng khoảng 1.900 tỉ đồng. 

Nếu bổ sung người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng sau khi điều chỉnh 8% vẫn dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì kinh phí tăng thêm khoảng 50 tỉ đồng. Quỹ bảo hiểm xã hội bội chi khoảng 6.900 tỉ đồng (chưa gồm mức trích đóng bảo hiểm y tế).

TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - nêu rõ cải cách tiền lương cho người đang làm việc ở khu vực nhà nước thì cũng phải điều chỉnh tiền lương cho người về hưu, người có công, bảo trợ xã hội theo tinh thần nghị quyết 27 của trung ương. 

Ông đánh giá Chính phủ đã chuẩn bị được 560.000 tỉ đồng, đảm bảo cải cách tiền lương, tương đương điều chỉnh lương của khu vực công chức khoảng 32%. Cạnh đó việc tăng lương sẽ tăng niềm tin của người dân. Vừa qua từ 1-7-2023, lương khu vực công đã tăng 20,8% và lương hưu tăng 12,5%. 

"Chúng ta phải thấy rằng giữa khu vực công và những người nghỉ hưu không bao giờ có tốc độ điều chỉnh ngang bằng nhau được. Nếu chúng ta không điều chỉnh cho người về hưu tương ứng thì sẽ gây chênh lệch tiền lương hưu giữa người về trước và sau khi cải cách tiền lương. Có thể tăng gấp đôi cùng một vị trí việc làm, cùng một ông chủ tịch tỉnh, một ông chủ tịch huyện”, ông nói.

Nhân viên bưu điện kiểm tra thông tin của người hưởng lương hưu qua thẻ từ - Ảnh: HÀ QUÂN

Nhân viên bưu điện kiểm tra thông tin của người hưởng lương hưu qua thẻ từ - Ảnh: HÀ QUÂN

Chuyên gia ngả về phương án tăng lương hưu 15%

Ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất mức tăng trên dưới 15% vì cải cách tiền lương kéo chỉ số giá sinh hoạt tăng lên, ảnh hưởng đến người lao động. Mức này cao hơn đề xuất 8% của cơ quan bảo hiểm xã hội và tương đương đề xuất của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề cập trong một cuộc họp ngày 15-2. 

Ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết đề xuất tăng lương hưu 8% theo bảo hiểm xã hội hoặc 15% theo lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều hợp lý nhưng phải tính toán kỹ lưỡng.

Vì lương hưu phụ thuộc mức đóng từng người, đóng thấp thì không thể điều chỉnh cao, song thấp quá gây ra chênh lệch trong xã hội. Người về hưu sau cải cách tiền lương, đóng nhiều thời gian hơn, lương cao hơn, sẽ có lương hưu rất cao so với người về trước.

Ông gợi ý giải pháp đầu tư quỹ sinh lời để bù đắp cho người hưởng lương hưu thấp. Ví dụ đầu tư quỹ bảo hiểm qua các kênh hợp pháp khác thay vì các kênh an toàn như mua trái phiếu Chính phủ hoặc gửi lãi ngân hàng.

“Nhà đầu tư bảo hiểm các nước rất giỏi, họ xác định đầu tư bảo hiểm, lãi suất cao thì rủi ro lớn. Nếu người lao động đồng ý thì đầu tư, còn rủi ro thì cùng chịu. Định kỳ 3-5 năm, người lao động được biết các phương án đầu tư để tăng nguồn lợi”, ông nói. 

Theo báo cáo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, từ 4-6 năm sau khi có chính sách tiền lương mới, lương hưu của người nghỉ hưu sau cải cách tiền lương tăng 40-50% so với những người nghỉ hưu trước khi cải cách.

Lương hưu người nghỉ hưu trước và sau ngày 1-7 sẽ ra sao?Lương hưu người nghỉ hưu trước và sau ngày 1-7 sẽ ra sao?

Theo thường trực Ủy ban Xã hội, nếu nghỉ hưu sau khi thực hiện cải cách tiền lương (1-7) từ 4-6 năm, lương hưu đã tăng 40-50% so với người nghỉ hưu trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên