20/06/2023 10:32 GMT+7

Những chuyến xe đò về miền kỷ niệm thương nhớ - Kỳ 6: Những chuyến xe khách dưới đạn pháo biên giới

Cánh tài xế già đến giờ vẫn hay bảo nhau "có phong hai lần anh hùng cũng chẳng dám lái xe khách tuyến Tuyên Quang - Xín Mần (Hà Giang) ngày ấy". Nào đường trơn, vực sâu, nào thủng lốp, nào đạn pháo Trung Quốc rít eo éo trên đầu...

Xe khách tuyến Tuyên Quang - Hà Nội (xe giữa) thập niên 1990 đã bắt đầu thay dần các xe quá cũ kỹ -  Ảnh tư liệu

Xe khách tuyến Tuyên Quang - Hà Nội (xe giữa) thập niên 1990 đã bắt đầu thay dần các xe quá cũ kỹ - Ảnh tư liệu

Người ngồi trên nóc, đu hông xe

Tiếng gào phành phạch của động cơ chiếc xe "Ba Đình" cổ lỗ sĩ như lại dội về ngay bên tai ông Nguyễn Văn Lập. Những ngày vần vô lăng bên mép vực của cung đường Tuyên Quang - Xín Mần (Hà Giang) như vừa mới ngày hôm qua.

Người tài xế già chuẩn bị bước sang tuổi 70, ông cũng mới nghỉ việc lái xe khi vừa tròn mốc 50 năm cầm lái.

Tổ tài xế của ông Lập ở Công ty vận tải ô tô Hà Tuyên hồi thập niên 70, 80 của thế kỷ trước và chạy các tuyến Tuyên Quang đi Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, nhưng tuyến đặc biệt nhất là Tuyên Quang - Su Phì - Xín Mần (thuộc Hà Giang ngày nay).

Sau khi thành lập tỉnh Hà Tuyên (sáp nhập Tuyên Quang - Hà Giang năm 1975) thì ông Lập chuyển từ tài xế xe tải sang lái xe khách.

Chiếc xe khách đầu tiên ông cầm lái mang nhãn hiệu Ba Đình. Đây là loại xe được Xí nghiệp ô tô Hòa Bình (Hà Nội) cải tiến từ những chiếc xe tải IFA cũ.

Khối máy ngay trong cabin, bên cạnh ghế tài xế, tiếng nổ như xe tăng, hơi nóng phả ra như lò thiêu bên cạnh, lúc lên dốc phả khói mịt mù như cái lò gạch thủ công.

Chiếc xe có 42 ghế, nhưng chuyến nào cũng chở tới 70, 80 người. Khách đứng chen chân chật kín cabin, khách đu như làm xiếc hai khoang cửa, khách ngồi vắt vẻo thò mông ra cửa sổ, rồi ngồi lố nhố trên nóc.

Thời ấy, nóc xe nào cũng được đóng thêm ba ga để chở hàng. Tuyến xe vùng cao ngoài gạo, muối, quần áo, dầu hỏa, trên nóc lúc nào cũng có thêm vài rọ lợn.

Những con lợn kêu eng éc những lúc xe chồm qua ổ gà, lúc lại tè dọc đường khiến khách bên dưới vừa la hét vừa chửi rủa lũ lợn là "ngu như lợn"!

"Từ Tuyên Quang đến Xín Mần gần 200 cây số, nhưng phải đi mất một ngày rưỡi. 5h sáng xuất bến ở Tuyên Quang, chập tối mới đến Hoàng Su Phì. Chúng tôi phải ngủ lại qua đêm, sáng hôm sau tiếp tục đi Xín Mần", ông Lập mô tả lại quãng đường.

Khách đến bến, mua vé từ hôm trước thì có ghế, hoặc đứng trong cabin, khách lên xe dọc đường chỉ đu cửa hoặc ngồi trên nóc. Ấy thế nhưng chính người tài xế già cũng rùng mình: "Ngồi trên nóc an toàn hơn trong cabin".

Tuyến đường Hà Tuyên ngày ấy toàn đèo với vực. Những ngày mưa, đường trơn như đổ mỡ, tài xế nằm lại dọc đường vào nhà dân xin sắn ăn qua ngày chờ đường khô mới dám đi. Và những vụ xe khách mất phanh, lao xuống sông, lật xuống vực như cơm bữa. Đồng nghiệp ông Lập bị lật xe ở dốc Tráng Kìm (Quản Bạ - Hà Giang) chết hơn 40 người.

Những người trên nóc nhảy ra chỉ bị thương. Rồi những vụ xe mất phanh lao xuống sông Lô ở phà Bợ (Hàm Yên, Tuyên Quang), người trên nóc nhảy ra bơi vào bờ, người trong cabin không may mắn như họ.

Đường đã khó đi, còn phụ tùng để sửa xe thì càng hiếm. Thủng một quả lốp tài xế phải gánh săm (ruột) đi vá cách đó vài chục cây số.

Xe khách chủ yếu là xe Ba Đình cải tạo từ xe tải IFA, sau này công ty mới trang bị được vài chiếc IFA W50. Người dân gọi những chiếc xe khách là xe "chuồng gà".

Ấy thế mà ông Lập cũng ôm vô lăng cái "chuồng gà di động" ngót nghét 20 năm. Người tài xế già ngao ngán kể lại những lần phải sửa cuppen (vòng đệm giữa xi lanh và phanh xe) giữa đường.

"Cái đó hỏng thì phanh (thắng) sẽ không ăn, hoặc mất phanh. Nó là cái vòng cao su nhỏ như miệng cái chén nước chè nhưng ngày đó cực hiếm. Chúng tôi khắc phục bằng cách... cuộn chỉ vào piton để đi tạm".

"Tôi ngán nhất là con suối dưới chân dốc Cốc Pài. Đứng ở đây ngẩng đầu lên nhìn thấy thị trấn Xín Mần, nhưng có khi mất cả ngày mới lên tới nơi", ông Lập kể. Dân trong nghề nói chân dốc ấy có "dớp".

Xe đến đó khi thì thủng lốp, khi hỏng cầu, khi lại bỗng dưng chết máy. Bưu tá ngày ấy đi xe khách lúc nào cũng có thêm một đôi quang gánh. Xe nằm đường là chất đống thư báo lên quang, quẩy đến thị trấn cho kịp giờ.

Thời bao cấp thiếu xe cộ, được ngồi mui xe thế này cũng là rất quý để đi đường núi rừng Tây Bắc - Ảnh: Hans - Peter Grumpe

Thời bao cấp thiếu xe cộ, được ngồi mui xe thế này cũng là rất quý để đi đường núi rừng Tây Bắc - Ảnh: Hans - Peter Grumpe

Đạn pháo bắn qua xe

Thường thì ba ngày mới có một chuyến xe, chuyến nào cũng đông như nêm cối. Kinh nghiệm của các tài già khi chạy hết đất Tuyên Quang là đóng cửa, không bắt khách. Đường sá quanh co chỉ có đèo, dốc, vực sâu, ổ gà, đá hộc và bùn lầy.

Chuyến nào xe cũng chở nặng tới oằn cả nhíp. Mỗi lần xe chạy đến ngã ba từ Bắc Quang (Hà Giang) rẽ vào Hoàng Su Phì, khách vây kín xe, tranh nhau trèo lên "xí" chỗ.

Người nào nhanh chân giành được một suất đu cửa hoặc ngồi nóc, người chậm chân hơn, không chen được đành hậm hực cuốc bộ.

Khoảng năm 1978, lúc này tuyến xe khách đã mở được vài năm, những tay "bắt xe" ma mãnh hơn không đợi ở ngã ba mà nấp dưới chân dốc Cổng trời 1. Xe đến đây phải về số thấp, khách nhảy xổ ra từ bên đường, bám vào cửa sổ, leo lên nóc mặc cho anh phụ xe ú ớ ngăn cản.

"Tranh chỗ thế thôi, chứ đoạn đường từ Hoàng Su Phì đi Xín Mần thì khách kéo xe nhiều hơn xe chở khách - Ông Lập cười - Dốc cao, đường trơn, xe không qua được, chúng tôi phải móc dây xích để khách kéo xe".

Cái "chuồng gà di động" phải ra khỏi bến Hoàng Su Phì lúc 6h sáng, thế nhưng gần như ngày nào tài xế cũng đánh xe đi từ đêm để... trốn khách. Xe ít mà người đón xe quá đông, nhà xe ưu tiên những người có vé đi đường dài, họ nằm lại trong xe hoặc ở trọ trong bến xe.

Nửa đêm nhà xe khua mọi người dậy, chạy xe ra tận Nậm Dịch, cách Hoàng Su Phì hơn chục cây số. Họ ngủ lại qua đêm để sáng sớm đi Xín Mần.

Tài xế kinh nghiệm trước khi xuất bến Hoàng Su Phì bao giờ cũng mang thêm mấy nắm xôi, gói cá mắm và ít gạo trên xe. Nếu thuận lợi khoảng hơn 10h trưa xe đến Xín Mần, 12h30 quay lại Hoàng Su Phì.

Cả chục năm chạy tuyến xe khách này, ông Lập chưa một lần dám ăn cơm ở Xín Mần. "Có mâm cao cỗ đầy thế nào cũng không dám ăn, xe phải về sớm vì sợ mưa làm trơn đường là nằm lại", ông giải thích.

Trong suốt thập niên 1980, nóc xe chủ yếu là công an và bộ đội. Những năm chiến tranh biên giới, xe khách chạy tuyến Hà Tuyên đã khó lại càng nguy hiểm hơn vì đạn pháo.

Tuyến đường từ Quảng Bạ qua Yên Minh thường khủng khiếp nhất vì đạn pháo Trung Quốc bắn qua đầu. Có chuyến xe đang ì ạch lên dốc, một quả đạn pháo réo qua đầu rồi nổ ầm ở vách đá bên kia vực. Xe chưa kịp dừng, khách đã chui qua cửa sổ, lao cả xuống rãnh.

Tài xế cùng công ty với ông Lập lái xe từ Đồng Văn về, qua Phố Cáo cán phải mìn Trung Quốc. Mìn nổ, xe bay mất một bên động cơ dẫn động cầu trước, một hành khách xấu số không qua khỏi. Tài xế Doanh một lần chở khách đến xã Na Khê (huyện Yên Minh) cũng bị nã pháo...

Tuyến xe khách liên tỉnh đầu tiên ở Tuyên Quang

Gia đình ông Nguyễn Văn Lập có xe khách chạy tuyến liên tỉnh đầu tiên ở Tuyên Quang, Phú Thọ. Cha ông là Nguyễn Văn Phấn lái xe khách ở miền Bắc từ những năm 1930.

Gia đình ông có một chiếc xe khách hiệu Citroen. Khoảng nửa cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, ông Phấn xin mở tuyến xe khách Phú Thọ - Tuyên Quang. Đây là tuyến xe liên tỉnh đầu tiên ở địa phương này.

Sau đó, xe của gia đình được trưng dụng vào Công ty vận tải thủy - bộ Tuyên Quang, theo hình thức công tư hợp doanh. Năm 1972, ông Lập được cử đi học và làm việc tại Công ty vận tải ô tô Tuyên Quang.

*****************

Lái xe Tây Bắc không sợ đèo, không sợ xóc, chỉ sợ suối. Cầu cống đã sập hết vì bom đạn, không ai đoán biết được bên dưới dòng nước là đá ngầm, hố sâu hay cơn lũ quét ập về bất cứ lúc nào.

>> Kỳ tới: Xe khách vượt lũ hiểm nguy ở Tây Bắc

Những chuyến xe đò về miền kỷ niệm thương nhớ - Kỳ 5: Xe than và những chuyến xe "thở than"Những chuyến xe đò về miền kỷ niệm thương nhớ - Kỳ 5: Xe than và những chuyến xe 'thở than'

Thập niên 80 của thế kỷ 20, với những sinh viên từ nhiều miền đất nước về học ở Huế hẳn ký ức sẽ khó lòng quên các chuyến xe đò thuở ấy, trong đó có xe than.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên