16/06/2023 14:27 GMT+7

Sầu riêng Đồng Nai đi đường chính ngạch sang Trung Quốc

Ngày 16-6, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên 360 tấn sang thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng Đồng Nai đi đường chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 1.

20 xe container chở 360 tấn sầu riêng ở Đồng Nai xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc bằng đường bộ - Ảnh: A LỘC

Theo đó, 20 xe container chở 360 tấn sầu riêng (giống Dona và Ri6) đã xuất bến sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ thông qua cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Với diện tích hơn 11.345ha, Đồng Nai được xem là "thủ phủ" trồng sầu riêng của Đông Nam Bộ với tổng sản lượng đạt gần 69.000 tấn. Thời gian qua, Đồng Nai tích cực triển khai xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng Đồng Nai đi đường chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Du khách, doanh nghiệp tìm hiểu trái sầu riêng của một đơn vị trưng bày tại buổi lễ - Ảnh: A LỘC

Đến nay, toàn tỉnh có 6 cơ sở đóng gói, 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích 820ha được cấp mã vùng trồng, sản lượng khoảng 20.000 tấn được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, hiện có 61 vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 2.000ha và 4 cơ sở đóng gói sầu riêng đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số.

Đây là tiền đề đảm bảo xuất khẩu sầu riêng ổn định và bền vững, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mang lại lợi ích cho người nông dân.

Sầu riêng Đồng Nai đi đường chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 3.

Nhân công sơ chế sầu riêng cấp đông tại một doanh nghiệp ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Ông Võ Văn Phi, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho hay sầu riêng là loại cây ăn quả truyền thống có ưu thế và chủ lực của địa phương. 

Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số và tăng năng suất lao động.

Trong đó, phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường, tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Ông Phi mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn; các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật của các thị trường thế giới.

Các sở, ngành, địa phương trên địa bàn đồng hành, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để sản phẩm nông sản của tỉnh Đồng Nai, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện theo quy định của nước nhập khẩu.

Nhiều loại trái cây, nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Việt Nam hiện có 7 loại trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít) và 5 loại trái cây, nông sản xuất khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư (gồm măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang).

Sau quá trình đàm phán, kiểm tra thẩm định, Trung Quốc đã chính thức nhập khẩu trái sầu riêng Việt Nam.

Riêng Đồng Nai hiện có 140 vùng trồng với diện tích gần 27.000ha (gồm chuối, xoài, mít, thanh long, chôm chôm, chanh) xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc và các nước khác: Mỹ, EU, Úc, New Zealand.

Xe chở trái cây xuất khẩu tăng vọt do sầu riêng vào vụ, Lạng Sơn cảnh báo ùn tắc tại cửa khẩuXe chở trái cây xuất khẩu tăng vọt do sầu riêng vào vụ, Lạng Sơn cảnh báo ùn tắc tại cửa khẩu

Do sầu riêng Việt Nam và nhiều loại quả vào vụ thu hoạch, xuất khẩu tăng, Lạng Sơn đã thống nhất với Trung Quốc tăng giờ thông quan, điều tiết xe container vào khu phi thuế quan song nguy cơ ùn tắc kéo dài vẫn hiện hữu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên